MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều vướng mắc làm tắt cơ hội đầu tư vào Phú Quốc

09-07-2015 - 10:49 AM | Bất động sản

Vấn đề tồn tại lớn nhất của các nhà đầu tư là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện quá chậm, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Du lịch, cho biết.

Tóm tắt

- Phú Quốc lập tức trở thành “thỏi nam châm” cực mạnh thu hút những doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại đây. Gần 25 dự án nghỉ dưỡng lớn nhỏ đã đi vào hoạt động.

- Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn BĐS lớn trong và ngoài nước đã mang dự án đầu tư tại Phú Quốc quảng bá, chào mời các nhà đầu tư thứ cấp tại nhiều thành phố lớn trong cả nước. Nhưng, hiệu quả thu về không cao như kỳ vọng.

- Ngoài ra, nguồn lao động tại chỗ thiếu trầm trọng, phải tuyển từ nhiều địa phương khác đưa đến đây.


Căn cứ vào Đề án Thành lập khu hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương, trong tương lai nơi đây sẽ là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, công nhệ, trung tâm tài chính, thương mại hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế…

Chính từ mô hình phát triển này, đây sẽ là nơi thử nghiệm đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách, biện pháp thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhằm từng bước nhân rộng mô hình kinh tế hướng ngoại của các vùng, miền, các tổ chức kinh tế trong nước. Đồng thời, từ đó tạo lập luận cứ xác lập căn cứ thực tiễn, đề xuất phương án khả thi đóng góp vào quá chính cải cách hành chính Nhà nước và hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương.

Ngay từ khi đề án này được thông qua, Phú Quốc lập tức trở thành “thỏi nam châm” cực mạnh thu hút những doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại đây. Gần 25 dự án nghỉ dưỡng lớn nhỏ đã đi vào hoạt động. Trong đó, dự án Vinpearl Resort & Spa có thể nói là đã kích thích nhiều doanh nghiệp BĐS dốc hầu bao đầu tư vào Phú Quốc.

“Tuy nhiên, chỉ một số rất ít nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh hoặc huy động được nguồn vốn tốt thì mới đầu tư nhanh dự án, còn lại vẫn nằm im. Vấn đề tồn tại lớn nhất của các nhà đầu tư là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện quá chậm”, ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Du lịch, cho biết.

Do vậy, theo Ban Quản lý Đầu tư phát triển dảo Phú Quốc, tiến độ triển khai nhiều dự án du lịch trên đảo còn “treo”, nhiều dự án phải thu hồi chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư do chủ đầu tư không đủ năng lực.

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn BĐS lớn trong và ngoài nước đã mang dự án đầu tư tại Phú Quốc quảng bá, chào mời các nhà đầu tư thứ cấp tại nhiều thành phố lớn trong cả nước. Nhưng, hiệu quả thu về không cao như kỳ vọng.

Chẳng hạn, mới đây, một doanh nghiệp đã đưa một lượng lớn nhà đầu tư từ các địa phương trong cả nước và ngay tại Phú Quốc đến tham quan vị trí sẽ xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng 5 sao trong 2 năm tới. Mục tiêu của cuộc gặp gỡ này nhằm thông tin về tiến độ xây dựng và huy động vốn cho một hạng mục đầu tư đầu tiên của đại dự án này. Tuy nhiên, chỉ có vài ba tiểu thương đăng ký thuê các ki-ốt buôn bán hàng ăn sau này là chính. Nhiều nhà đầu tư khác vẫn còn tỏ ra khá dè dặt khi “rót” vốn vào đây.

Một nhà đầu tư cho biết, dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao của ông được tính toán tổng chi phí đầu tư từ năm 2014 là 4.600 tỷ đồng, nhưng đến nay đã “đội” lên gần 5.000 tỷ đồng. Nguyên do là vì hệ thống đường bộ trên đảo nhỏ hẹp, chủ yếu vận chuyển bằng đường biển với giá khá cao. Quan trọng hơn hết, địa phương không có ngân sách để đầu tư đường giao thông nội bộ mà kêu gọi các nhà đầu tư ứng trước vốn sau đó khấu trừ vào tiền sử dụng đất đóng hàng năm. Điều đó đồng nghĩa với việc. ngoài chi phí đầu tư cho dự án, thì các chủ đầu tư phải chịu thêm chi phí cho hạ tầng giao thông.

Ngoài ra, nguồn lao động tại chỗ thiếu trầm trọng, phải tuyển từ nhiều địa phương khác đưa đến đây. “Để giữ chân được người lao động, chúng tôi trước hết đầu tư cả một khu ký túc xá khép kín để lo chỗ ăn nghỉ cho họ. Chi phí cho các khoản đầu tư này là hoàn toàn không nhỏ”, vị này cho biết.

Lý giải thêm về việc Phú Quốc đang bỏ lỡ cơ hội “thiên thời địa lợi nhân hòa” của mình, ông Vũ cho rằng chính sách phát triển đã có nhưng cách thức thực thi thiếu đồng bộ. Chính sách ưu đãi đầu tư cũng không ổn định, thiếu nhất quán, luôn làm cho các nhà đầu tư hoang mang.

“Những thay đổi liên tục trong việc hoạch định chính sách của chính quyền địa phương như hạng mục gì được khuyến khích đầu tư, hạng mục gì không được, những khu vực nào được ưu tiên đầu tư đang thách thức sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu công ty CBRE Việt Nam, bổ sung.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên