MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những thương vụ M&A nghìn tỷ trên thị trường BĐS từ 2014-2015

06-08-2015 - 15:34 PM | Bất động sản

Một loạt chính sách mới về đất đai, đầu tư, nhà ở, kinh doanh BĐS… là cú hích đối với hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản hơn một năm rưỡi qua.

Tóm tắt

- Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư trong lĩnh vực này, trong giai đoạn chỉ 2 năm tới, thị trường BĐS sẽ chứng kiến hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” thông qua mô hình M&A.

- Hoạt động M&A của khối nội trong giai đoạn này cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết doanh nghiệp BĐS nội đang làm chủ các thương vụ M&A đến trên 70%. 


Năm 2014, khi thị trường BĐS Việt Nam gần như xuống đáy hình sin, hàng loạt nhà đầu tư quốc tế đã nhanh chóng thâu tóm các dự án BĐS “khủng”. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư trong lĩnh vực này, trong giai đoạn chỉ 2 năm tới, thị trường BĐS sẽ chứng kiến hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” thông qua mô hình M&A.

Theo Nhóm Nghiên cứu MAF, thương vụ điển hình trong thời gian qua là Indochina Land công bố việc chuyển nhượng thành công một số dự án cho một quỹ đầu tư thuộc Gaw Capital Partners, một đơn vị quản lý quỹ trong khu vực có trụ sở tại Hồng Kông. GAW Capital Partners là công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân tại Hồng Kông. Quỹ GAW được thành lập năm 2005 với vốn chủ sở hữu 4,26 tỷ USD. Tính đến quý I/2015, tổng tài sản quản lý của quỹ này đã tăng lên mức 9,16 tỷ USD.

Các dự án chuyển nhượng cho Gaw Capital Partners gồm 4 trong số 12 dự án mà Indochina Land đã đầu tư, bao gồm Indochina Plaza Hanoi, Hyatt Regency Danang và 2 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP.HCM (có thể là The Montgomerie Links & Estates và Riverside Serviced Apartments).

Giá trị của thương vụ này không được Indochina Land tiết lộ, nhưng theo thông cáo báo chí từ Gaw Capital Partners, các danh mục đầu tư được mua với giá 106 triệu USD. Mức giá này, theo trang DealStreetAsia, là thấp hơn so với giá trị góp vốn ban đầu gần 58%.

Một thương vụ điển hình khác là Dự án Celadon có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 24.758 tỷ đồng của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) và Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, Tp.HCM) đã được chuyển nhượng cho Gamuda Land Vietnam. Tổng giá trị hợp đồng hơn 1.000 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ được thanh toán vào đầu tháng 7/2015 và đây là khoản doanh thu và lợi nhuận bất thường của SCR không nằm trong kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông năm 2015.

Cũng trong quý 1/2015, công ty địa ốc Nam Long công bố, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad mua lại toàn bộ dự án Flora Anh Đào tại quận 9 vo71ito63ng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, vào đầu năm 2015, khối nội tiếp tục quan tâm mạnh đến việc mua lại các dự án BĐS tại Việt Nam. Tập đoàn Lotte đã mua 70% cổ phần để sở hữu tòa nhà cao ốc Diamond Plaza (Tp.HCM) từ một doanh nghiệp Hàn Quốc khác là Posco.

Ở phân khúc dự án, Keppel Land, một trong những nhà phát triển BĐS hàng đầu Singapore đã mở rộng danh mục dự án bằng cách mua lại dự án phát triển nhà ở của công ty Tiến Phước với giá 26,7 triệu USD. Đơn vị này cũng đã liên doanh với công ty TNHH Hà Nội Westgate đầu tư khoản 140 triệu USD vào dự án khu đô thị Hà Nội Westgate tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Ngược về thời điểm đầu năm 2014, một loạt thương vụ trị giá nghìn tỷ trên thị trường BĐS cũng đã làm “chao đảo” thị trường. Chẳng hạn, Sunwah Group (HongKong) đầu tư 200 triệu USD vào dự án đầu tư xây dựng khu chung cư tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM. Dự án này trước đây do Công ty Bay Water làm chủ đầu tư.

Cũng trong thời điểm này, Alma Group (Israel) đã mua lại dự án khu du lịch Bãi Rồng Resort trị giá 300 triệu USD và đổi tên thành Alma Resort. State Development – Moscow của Nga đã động thổ xây dựng khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers Resort, với tổng vốn đầu tư là 1.890 tỷ đồng…

Vào tháng 9/2014, siêu dự án New City Phú Yên do công ty TNHH New City Properties Development (Brunei) làm chủ đầu tư được điều chỉnh giấy phép, với sự tham gia của tập đoàn Sun Rise Việt Nam, tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Tiếp theo đó, Tập đoàn Creed Group đến từ Nhật Bản đã rót gần 60 triệu USD vào dự án City Gate Towers tại Tp.HCM của công ty NBB. Quỹ đầu tư này còn ký thỏa thuận nguyên tắc tham gia phát triển 2 dự án khác của NBB là NBB Garden II và NBB Garden III, với tỷ lệ góp vốn 50%, trị giá hơn 26 triệu USD. Mới đây nhất, quỹ này đã tiếp tục cam kết “rót” 200 triệu USD vào một công ty địa ốc mới nổi là An Gia Investment tại Tp.HCM để phát triển một số dự án của công ty này.

Hoạt động M&A của khối nội trong giai đoạn này cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng doanh nghiệp BĐS nội đang làm chủ các thương vụ M&A đến trên 70%. Theo đó, một loạt các “ông lớn” như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Hoàng Quân đã thâu tóm nhiều dự án và quỹ đất sạch tại nhiều quận trung tâm thành phố. Theo nhưng thông tin chưa được công bố, công ty Phát Đạt đã mua lại dự án của Nguyễn Kim tại quận 4, giá trị thương hiệu gần 900 tỷ đồng. Công ty Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O) cũng công bố đầu tư 1 tỷ USD mua lại và phát triển 14 dự án tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Tp.HCM và An Giang.

Tại Diễn đàn M&A năm 2015 vừa khai mạc tại Tp.HCM, nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. ASEAN không chỉ trở thành thị trường tiêu thụ khổng lồ nhờ tầng lớp trung lưu tăng mạnh mà các nhà đầu tư nước ngoài còn ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Campuchia, Indonesia, Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người. Đây sẽ là thời cơ lớn cho hoạt động M&A trở nên sôi động hơn bao giờ hết, khơi thông dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc công ty CBRE Việt Nam, phân tích các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại thị trường sau 5-7 năm ảm đạm và họ đang nhắm đến hai thị trường chính. Thứ nhất là những tài sản sinh lợi nhuận cao, đặc biệt là những tòa nhà văn phòng. Họ tìm kiếm những tòa nhà với lợi nhuận lâu dài mà họ có thể quản lý thay vì những tài sản lên xuống theo thị trường.

Điểm thu hút đầu tư thứ hai không gì khác ngoài thị trường nhà ở. Họ đang không chỉ nhắm đến các phân khúc cao cấp mà còn đến cả các phân khúc trung cấp và bình dân. Và họ đang hướng đến việc hợp tác với các công ty liên kết uy tín trong nước, bất kể là có được niêm yết hay không, để đầu tư vào thị trường nội địa.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên