Rầm rộ phân lô hộ lẻ đất nông nghiệp
Nhiều thửa đất tại huyện Hóc Môn, TP.HCM được phân nền ngay giữa đồng trống, xung quanh vẫn là đất nông nghiệp, nối với bên ngoài bằng một con đường không có vỉa hè, không cây xanh.
- 10-04-201550% diện tích huyện Đông Anh là đất nông nghiệp
- 24-03-2015Hiến đất, được hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở
- 12-03-2015Một nửa diện tích đất của huyện Hoài Đức là đất nông nghiệp
- 21-01-2015Năm 2015, quận Hoàn Kiếm dành hơn 15ha cho đất nông nghiệp
Ngày 10-3, chúng tôi trở lại những khu phân nền tại xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn) để tìm hiểu. Thới Tam Thôn là xã có số lượng thửa đất được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở để phân nền lớn nhất huyện Hóc Môn: 67 thửa với diện tích hơn 12ha.
Đường sơ sài, cây thưa thớt
Một khu đất phân nền trên đường Trịnh Thị Miến, ấp Tam Đông 1, rộng hơn 1.500m2 nối với đường giao thông công cộng bằng đường nhựa rộng khoảng 7m, không có vỉa hè.
Khu đất có trên 10 nền nhưng chỉ có ba căn nhà, những nền đất còn lại đang xây hoặc bỏ trống được đánh dấu ranh bằng những cọc ximăng. Xung quanh vẫn còn là đồng trống với những luống rau.
Để phân lô bán, chủ đầu tư cho làm một con đường nối lô đất với đường công cộng. Con đường dài hơn 2km không có đèn đường, lèo tèo vài cây xanh còi cọc.
Bà L.T.L.H., chủ một căn nhà trong khu đất này, cho biết bà mua căn nhà từ tháng 7-2015. Khi mua, căn nhà mới xây được trụ móng. Bà H. phải trả tiền xây dựng trọn gói, bao gồm chi phí mắc đường dây điện, ống nước. Hai tháng sau bà nhận nhà.
Bà H. cho biết bà chọn mua căn nhà này vì từ đây vô trung tâm TP không xa, đất có giấy tờ hợp pháp, mà giá lại mềm hơn nền đất của những dự án cùng khu vực.
Bản thân người bán nhà cho bà cũng mua nền đất từ một chủ khác. Không có cây trước nhà nên trời nắng chiếu thẳng vào nhà rất nóng, phải che bằng hệ thống rèm dày. Theo giấy chứng nhận quyền sở hữu, căn nhà bà H. mua do bà V.T.B. (Q.Tân Bình) đứng tên.
Ở các khu phân lô khác cũng có nhiều nền đất còn trống, chưa có người xây dựng. Một số chủ đất đứng ra xây nhà để bán cũng cho xây cất nhà để bán.
Đa số các khu vực phân lô đều ở giữa đồng, xung quanh còn nhiều đất nông nghiệp nên thoạt nhìn những căn nhà mới xây như chỏng chơ giữa đồng trống.
Hoạt động mua bán nền nhà diễn ra rầm rộ, hầu hết các “cò” đất đều thuộc từng khu vực và nhiệt tình dẫn người mua tìm xem đất để được nhận tiền hoa hồng khi chủ đất bán được.
Trong vai một người hỏi mua đất nền, chúng tôi được một “cò” tên Nh. ở xã Thới Tam Thôn giới thiệu bán căn nhà một trệt một lầu với diện tích đất hơn 80m2, thuộc tờ bản đồ 65, với giá 2,3 tỉ đồng.
Các địa phương hiểu sai
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, quyết định 33 của UBND TP ban hành năm 2014 về diện tích tối thiểu để tách thửa là cụ thể hóa các quy định của Luật đất đai 2013.
Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của quy định này là hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở và có nhu cầu tách thửa (do tách hộ, giải quyết khó khăn về nhà ở, kinh tế trong cuộc sống hoặc giảm nhu cầu sử dụng nhà, đất), không nhằm mục đích tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất để kinh doanh bất động sản.
Trong thực tế áp dụng quyết định này, Sở Tài nguyên - môi trường nhận định có tình trạng cán bộ công chức chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung của quyết định trên.
Điều này dẫn đến việc giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm chuyển nhượng, kinh doanh, gây ảnh hưởng về quản lý quy hoạch, hình thành các khu dân cư với hạ tầng thiếu đồng bộ, không định hướng kết nối hạ tầng chung với khu vực.
Ngược lại, có trường hợp từ chối giải quyết nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật của người dân làm ảnh hưởng đến quyền lợi, gây trở ngại cho sản xuất, ổn định đời sống của người dân.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, việc hiểu sai quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa của các địa phương để giải quyết chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp cùng với tách thửa hàng ngàn nền đất đã xảy ra thời gian dài.
Đầu tháng 1-2016, Sở Tài nguyên - môi trường có văn bản yêu cầu UBND các quận huyện rà soát, tổng hợp cụ thể tất cả trường hợp đã giải quyết cho tách thửa, đánh giá nhu cầu thật của người sử dụng đất.
Từ đó, đánh giá tính chất, mức độ vi phạm (nếu có) và đề xuất biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Sở Tài nguyên - môi trường cũng yêu cầu UBND các quận huyện ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền đất nông nghiệp không đúng quy định, làm phá vỡ quy hoạch được duyệt và ảnh hưởng đến kết nối hạ tầng kỹ thuật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp, chuyển mục đích rồi phân nền kinh doanh diễn ra ở rất nhiều địa phương, nhất là ở những quận huyện vùng ven.
Chỉ riêng trên địa bàn quận Thủ Đức, từ khi quyết định 33 có hiệu lực (15-10-2014) đến cuối năm 2015 đã có 133 hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 13,5ha, hơn 1.500 nền đất đã hình thành.
Tuổi Trẻ