MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Reuters: BĐS Việt Nam đang chuẩn bị cho một đợt bùng nổ mới

03-08-2015 - 12:24 PM | Bất động sản

Theo hãng tin Reuters, 4 năm trước thị trường BĐS đã trải qua một đợt bong bóng. Đến nay, sau một thời gian trầm lắng thị trường đang chuẩn bị cho một đợt bùng nổ mới.

Reuters cho biết, tốc độ phục hồi của thị trường BĐS gần đây tăng đến mức chóng mặt. Lượng giao dịch bất động sản đã tăng gấp đôi so với 1 năm trước đây. Các công ty bất động sản đã bán được một nửa số dự án chậm tiêu thụ từ mức đỉnh tồn kho 6 tỷ USD vào thời điểm đầu năm 2013.

"Trong năm 2015, tôi có thể bán khoảng 3-5 căn hộ mỗi tháng, bằng số lượng tiêu thụ cả năm trước đây", cô Dung-một môi giới BĐS lâu năm tại Hà Nội cho biết.

Nhu cầu từ nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh

Được biết, trong cuộc khủng hoảng trước đây, nhiều khách hàng và công ty bất động sản đã bị vỡ nợ và khiến các ngân hàng ngập trong nợ xấu. Hàng loạt các dự án văn phòng, chung cư tạm ngừng thi công do doanh nghiệp thiếu vốn.

Để giải quyết tình trạng này, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được thành lập, tính đến nay VAMC đã mua 8 tỷ USD nợ xấu và phần lớn là các khoản nợ có thế chấp bất động sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tái cơ cấu ngành ngân hàng cũng như hỗ trợ thị trường bất động sản. Riêng trong năm 2013, đã có khoản hỗ trợ 1,4 tỷ USD ( gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản, đồng thời đề ra các quy định tài chính chặt chẽ hơn đối với các công ty kinh doanh trong mảng này.

Từ ngày 1/7, Luật Nhà ở và Luật kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực đã nới lỏng các quy định đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như Việt kiều muốn tham gia thị trường BĐS Việt Nam. Theo các chuyên gia, việc mở cửa thị trường bất động sản là một trong hàng loạt cải cách mà Chính phủ thực hiện nhằm thúc đẩy thị trường BĐS tăng trưởng.

Theo hãng tin Reuters, việc chính phủ nới lỏng quy định mua nhà đối với người nước ngoài đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt. Có thể kể đến sự kiện tập đoàn Vingroup đã tổ chức nhằm giới thiệu các dự án cao cấp, chủ yếu giành cho người nước ngoài hoặc Việt kiều tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vingroup cho biết họ đã nhận được tiền đặt cọc cho 112 căn hộ chỉ trong 2 giờ đồng hồ.

Còn tại dự án The Eastern, chủ đầu tư cũng cho biết có đến 70% căn hộ tại The Eastern (quận 9, TPHCM) được bán từ tháng 5 đến tháng 7/2015 là cho người nước ngoài hoặc được mua để cho các nhân viên quốc tế làm việc tại Việt Nam thuê.

Ngoài yếu tố khách hàng quốc tế, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng là một nguyên nhân khiến thị trường BĐS ấm lên nhanh chóng. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam đang có sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6,28% nửa đầu năm nay, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2008.

Chủ tịch hiệp hội bất động sản TPHCM, ông Lê Hoàng Châu cho biết hiện Việt Nam có khoảng 4,2 triệu Việt kiều trên thế giới và khoảng 30.000 giám đốc điều hành nước ngoài đang làm việc dài hạn tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo số liệu của CBRE, số căn hộ bán ra tại thành phố Hồ Chí Minh nửa đầu năm 2015 đã tăng 174% so với cùng kỳ năm 2014, còn tỷ lệ này tại Hà Nội là 91%. Giá bình quân của một căn hộ cao cấp tại Hà Nội là 1.600 USD/m2 và thành phố Hồ Chí Minh là 1.800 USD/m2, cao hơn so với mức 1.450 USD/m2 và 1.600 USD/m2 năm 2014.

Trước sự bứt phá mạnh mẽ của thị trường trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các ban ngành giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo thị trường bất động sản không rơi vào tình trạng bong bóng một lần nữa. Các doanh nghiệp nhà nước cũng được chỉ đạo không đầu tư ngoài ngành nhằm tránh hậu quả như khủng hoảng trước đây.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản phải chứng minh mức vốn pháp định tối thiểu 1 triệu USD và phải có bảo lãnh của ngân hàng trước khi bán nhà hình thành trong tương lai.

Những dự án đầy tham vọng

Các công ty bất động sản tại Việt Nam đang thực hiện 2 dự án đầy tham vọng tại TPHCM, nhằm xây dựng những tòa cao ốc thuộc hàng cao nhất thế giới. Công trình thứ nhất là Landmark 81 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư đã được khởi công vào tháng trước. Dự án thứ hai mang tên Empire City Tower 86 do  Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế vương làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ được thực hiện trong quý thứ III tới đây.

Theo một báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu của Mỹ JLL, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố tăng trưởng nhanh nhất trong số 120 thành phố được tổ chức này theo dõi. Đại diện JLL tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi thấy rằng rất nhiều nhà đầu tư và công ty bất động sản quốc tế đang cố gắng để tham gia thị trường Việt Nam".

Bên cạnh đó, Reuters nhận định thị trường Việt Nam còn có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Nghiên cứu của Viện Nomura cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam mới chỉ có tổng giá trị 21 tỷ USD vào năm 2014, thấp hơn so với mức 89 tỷ USD của Thái Lan và 241 tỷ USD của Singapore.

Lan Nhi

Reuters

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên