MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt tín dụng bất động sản

03-07-2015 - 16:29 PM | Bất động sản

Các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, các dự án thu hồi vốn thời gian dài... nằm trong diện cần phải giám sát chặt chẽ khi giải ngân.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa được công bố, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cho vay nhưng phải đảm bảo cơ cấu tín dụng phù hợp. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đề nghị cơ quan này có biện pháp giám sặt chặt khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, các dự án thu hồi vốn thời gian dài...

Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng bất động sản đã tăng 10,89%, tăng nhanh gấp đôi so với tăng trưởng dư nợ chung toàn hệ thống là 5%. Theo đó, tín dụng bất động sản tăng được giải thích là do thị trường này có dấu hiệu ấm lên. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có khoảng 14.000 giao dịch bất động sản thành công. Hiện nay, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 330.000 tỷ đồng, tăng 70% so với thời điểm đầu năm 2012, là giai đoạn siết chặt tín dụng bất động sản.

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2014, Thủ tướng đã lưu ý đến vấn đề này, và nhấn mạnh phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng bong bóng bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý. Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước VN có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Ngày 25/6 vừa qua lãnh đạo của 4 đơn vị gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và NHNN, chia sẻ với báo chí rằng tín dụng BĐS tăng nhanh đều là tín hiệu tốt, tuy nhiên, cũng phải cảnh giác với bong bóng BĐS và nhu cầu ảo. Một số ý kiến trong cuộc họp cho thấy lo ngại bong bóng bất động sản có thể trở lại, khi vốn ngân hàng đổ vào mạnh. Nhưng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tín dụng tăng thời gian qua chủ yếu là ở phân khúc nhà đầu tư bán nhà trực tiếp, không qua trung gian, bán cho nhu cầu thực. Nhờ vậy, bong bóng và nguy cơ phát sinh nợ xấu được hạn chế.

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên