Vietnam Airlines cũng muốn mua Nhà ga hành khách T1, Nội Bài
Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được mua Nhà ga hành khách T1 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
- 01-03-2015Chuyển nhượng cảng hàng không: Nên hay không?
- 25-02-2015[Địa ốc 24h]: Nóng chuyện bán sân bay Phú Quốc, xây cảng hàng không Long Thành, IPO Triển lãm Giảng Võ
- 25-02-2015Vietjet muốn mua lại nửa sân bay quốc tế Nội Bài
- 25-02-2015Năm 2015, tập trung cổ phần hóa thành công ACV và bán sân bay Phú Quốc
“Tại nhiều nước trên thế giới, hiện rất phổ biến việc các hãng hàng không lớn có nhà ga riêng tại sân bay căn cứ để phục vụ riêng các chuyến bay, hành khách của mình. Hình thức này phù hợp với chủ trương xã hội hoá cơ sở hạ tầng sân bay của Bộ GTVT”, văn bản do Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng không VN Phạm Viết Thanh ký nêu rõ.
Từ đây, Vietnam Airlines đề nghị Bộ GTVT cho phép mua lại nhà ga quốc nội T1 tại CHK quốc tế Nội Bài để quản lý điều hành và sử dụng phục vụ cho hành khách, chuyến bay của Tổng công ty đi/đến (quốc nội) sân bay Nội Bài.
“Cách thức này sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trực tiếp được giao quản lý sử dụng tìm biện pháp giảm chi phí trong vận tải hàng không, nâng cao hiệu quả kinh doanh; Linh hoạt và chủ động trong sắp xếp khai thác tại nhà ga, phòng chờ, các quầy và mặt bằng trong nhà ga để nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện trong khai thác”, ông Thanh nói và cho biết, quản lý và chịu trách nhiệm trực tiếp sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận lợi cho hành khách.
Phương thức mua được Vietnam Airlines đề xuất là mua trực tiếp nhà ga T1, định giá theo quy định hiện hành. Vietnam Airlines sẽ huy động vốn của Tổng công ty, các doanh nghiệp có vốn góp đồng thời với việc huy động vốn của các doanh nghiệp, cá nhân bên ngoài.
Xin được nhắc lại, cách đây không lâu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hùng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được Bộ nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại CHK quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm.
Trước đó, để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án mới như CHK quốc tế Long Thành cũng như một số hạng mục đầu tư ở các sân bay khác nhằm phát triển chung cơ cấu hạ tầng GTVT, trong đó có hạ tầng hàng không, Bộ GTVT chủ trương xã hội hoá đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không theo hình thức nhượng quyền khai thác, hoặc bán một số nhà ga hoặc cả sân bay.
>>>Chuyển nhượng cảng hàng không: Nên hay không
Theo Thanh Bình
Báo giao thông