MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinaland ngưng phát hành “Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở”

31-03-2009 - 17:35 PM | Bất động sản

CTCP Đầu tư Bất động sản Viên Nam (Vinaland) đã chính thức ngưng việc phát hành “Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở” huy động vốn cho dự án căn hộ tại quận 7, TPHCM.

Trong thông báo gởi đến khách hàng của mình ngày 28-3, Vinaland đã xin phép được ngưng việc phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở sau khi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã đến kiểm tra và lập biên bản về việc này vào ngày 27-2 vừa qua.

Sự việc xảy ra khi công ty này hồi đầu năm đã đưa vào thử nghiệm mô hình huy động vốn bằng cách phát hành chứng quỹ tiết kiệm nhà ở. Mỗi chứng chỉ trị giá 5 triệu đồng, và chủ yếu dành cho cán bộ công nhân viên của công ty và một số khách hàng thân thiết bên ngoài. Mỗi chứng chỉ sẽ được chuyển đổi thành quyền mua một mét vuông sàn nhà với đơn giá gốc trong tương lai.

Tuy nhiên, chỉ mới hơn một tháng thử nghiệm chương trình này đã phải dừng lại khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc để kiểm tra làm rõ những vấn đề liên quan đến tên gọi và hình thức huy động vốn nói trên.

Theo biên bản kiểm tra thì việc phát hành chứng chỉ là hình thức vay tiền của khách hàng và là một giao dịch quan hệ dân sự, nhưng “từ ngữ dùng cho tên gọi mang tính đặc thù của các chuyên ngành khác nên gây nhiều tranh cãi”.

Biên bản cũng cho thấy "Chứng chỉ tiết kiệm nhà ở" của công ty này không phải là huy động vốn với hình thức tiền gửi tiết kiệm, cũng không phải giấy tờ có giá, và cũng không phải là hình thức phát hành chứng khoán.

Tuy nhiên, biên bản cũng chỉ ra một số điểm chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Chẳng hạn như công ty này cam kết trả lại toàn bộ tiền gốc và lãi suất với mức bằng 200% của lãi suất nếu như khách hàng không muốn mua căn hộ về sau này.

Điều này chưa phù họp với mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 476 trong Bộ Luật Dân sự 2005. Theo đó, mức lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, quy chế quỹ tiết kiệm của Vinaland không đề cập đến hợp đồng vay tiền, dù có lập nhưng chưa ký. Vì vậy quyền lợi của người mua chứng chỉ không được đảm bảo khi có xảy ra tranh chấp.

Công ty Vinaland cho biết đã đưa ra hai phương án để giải quyết vấn đề. Trong đó khách hàng có thể tiếp tục đầu tư vào dự án dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền và nhận giấy xác nhận nợ, hoặc nhận lại toàn bộ số tiền đã nộp để mua “Chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở” trong thời gian vừa qua.

Tính đến ngày 20-2-2009 đã có tổng cộng 66 khách hàng nộp tiền vào công ty để mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở với tổng số tiền hơn hai tỉ đồng.

Theo Đình Dũng
TBKTSG

thanhtu

Trở lên trên