MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất lực vì không bao giờ đủ khả năng mua nhà, người trẻ Hàn Quốc vung tiền mua đồ xa xỉ

18-10-2021 - 20:13 PM | Tài chính quốc tế

Bất lực vì không bao giờ đủ khả năng mua nhà, người trẻ Hàn Quốc vung tiền mua đồ xa xỉ

Những người ở độ tuổi 20 và 30 Hàn Quốc chia sẻ, giá nhà ở Seoul và những thành phố lớn khác đã tăng đến mức họ không có khả năng mua. Do đó, việc tiết kiệm tiền để mua nhà là điều vô nghĩa.

Khi Covid-19 lần đầu gây thiệt hại với nền kinh tế Hàn Quốc vào tháng 2/2020, không ai nghĩ rằng thị trường hàng xa xỉ ở quốc gia này sẽ chứng kiến sự bùng nổ.

Theo chỉ thị của chính phủ, người dân buộc phải ở nhà trong thời gian chống dịch. Cũng như các nhà hàng, quán café và cửa hàng bách hóa, những cửa hàng đồ xa xỉ bị hạn chế hoạt động sau 9h tối. Gần đây, giờ mở cửa được kéo dài thêm chỉ 1 tiếng.

BOK ước tính, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm nay sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 2,2%, do chi tiêu của hộ gia đình sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trong. Thế nhưng, nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ lại tăng bất ngờ.

Nếu đại dịch không xảy ra, một số người sẽ đi du lịch nước ngoài và chi tiền ăn uống tại các nhà hàng hạng sang. Tuy nhiên, khi đại dịch kéo dài gần 2 năm, một lượng lớn người dân Hàn Quốc lại đặt mục tiêu sở hữu những món đồ xa xỉ.

Theo Korea Times, người Hàn Quốc yêu thích hàng xa xỉ vì nhiều lý do, nhưng lớn nhất là tình trạng khan hiếm. Ở trường hợp của Chanel, một câu nói nổi tiếng được nhiều người truyền tai nhau đó là "một người thậm chí không thể sở hữu sản phẩm của hãng này dù họ có tiền". Hãng đồ hiệu Pháp đã tăng giá sản phẩm 3 lần trong năm nay và chuẩn bị cho một đợt tăng nữa vào tháng 11.

Do giá thường xuyên tăng cao, một số người mua nhắm đến các sản phẩm của Chanel nhằm mục đích bán lại với giá cao hơn. Họ là những "reseller", chờ đợi hàng giờ trước khi các cửa hàng đồ xa xỉ mở cửa và mua nhiều túi xách, phụ kiện trước khi hết hàng. Họ sẽ rao bán lại trên mạng với giá cao hơn.

Theo báo cáo của Ủy ban Chiến lược và Tài chính Quốc hội Hàn Quốc, nước này đã nhập khẩu hơn 350 tỷ won (293,32 triệu USD) túi xách xa xỉ chỉ trong tháng 8. Tháng 8/2019, con số này là 177,5 tỷ won và tăng 240,3 tỷ won vào 1 năm sau đó. Ngoài ra, so với số lượng các sản phẩm xa xỉ được nhập khẩu trước Covid-19 cách đây 2 năm, con số này tăng gần 99%.

Theo đó, các khu mua sắm đang tận dụng xu hướng này. "3 ông lớn" ngành bán lẻ Hàn Quốc - Lotte Department Store, Shinsegae Department Store và Hyundai Department Store, đều tích cực triển khai các kế hoạch marketing để mở thêm nhiều cửa hàng đồ xa xỉ trong các trung tâm mua sắm của mình. Doanh thu từ các sản phẩm xa xỉ là nguồn thu lớn thứ 3 của các cửa hàng này, sau đồ gia dụng và đồ thể thao.

Ngoài ra, nhân khẩu khẩu học trong hoạt động mua hàng xa xỉ ở Hàn Quốc cũng có sự thay đổi. Thế hệ Y đang gia nhập nhóm khách hàng tích cực mua đồ hiệu – vốn chủ yếu là người trung niên.

Những người ở độ tuổi 20 và 30 Hàn Quốc chia sẻ, giá nhà ở Seoul và những thành phố lớn khác đã tăng đến mức họ không có khả năng mua. Do đó, việc tiết kiệm tiền để mua nhà là điều vô nghĩa. Bởi vậy, họ đổ tiền vào mua túi Chanel và giàu Gucci. Hơn nữa, lãi suất siêu thấp cũng làm giảm sức hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm. Điều này đã thúc đẩy nhiều bạn trẻ tập trung vào hiện tại hơn là lên kế hoạch cho một tương lai không chắc chắn.

Lotte Shopping – công ty vận hành Lotte Department Store, dự kiến doanh thu sẽ tăng 30% trong quý III năm nay. Trong khi đó, doanh thu từ các sản phẩm xa xỉ tại Shinsegae Department Store trong dịp lễ Chuseok năm nay đã tăng 39,1%. Hyundai Department Store cũng đạt mục tiêu lợi nhuận từ 61-65 tỷ won.

Theo Park Sang-jun, nhà phân tích tại Kiwoom Securities, đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch đã không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ hàng hiệu này. Ông cho biết, họ sẽ tiếp tục ghi nhận doanh số tăng mạnh.

Tuy nhiên, hàng hiệu "lên ngôi" cũng tạo cơ hội cho thị trường hàng giả hàng, hàng nhái. Các sản phẩm xa xỉ tăng giá mỗi năm và nhóm thu nhập thấp, trung bình không đủ khả năng chi trả. Bởi vậy, họ tìm đến "hàng fake".

Số lượng hàng giả, hàng nhái các sản phẩm xa xỉ nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng lên hàng năm và đạt mức cao kỷ lục. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, họ đã xử lý 1.866 vụ nhập lậu túi xách giả trong vòng 4 năm qua. Tổng giá trị của những sản phẩm này sẽ lên tới 467,9 tỷ won nếu chúng hàng thật.

Tham khảo Korea Times

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên