MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bất ngờ chưa, bạn đang đứng trên 6 triệu tấn rác" - Vì sao người Trung Quốc có thể tự hào về điều này?

09-11-2023 - 20:22 PM | Tài chính quốc tế

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Bài viết được Sohu (Trung Quốc) đăng tải ít giờ trước.

"Bất ngờ chưa, bạn đang đứng trên 6 tấn rác"

Đường cao tốc vành đai Tây An là một dự án quan trọng nằm trong quy hoạch mạng lưới đường cao tốc của Tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).

Dự án có tổng chiều dài 270 km và là đường cao tốc hai chiều, 6 làn xe với tốc độ thiết kế lên tới 120 km/h.

Vào tháng 12/2015, đoạn phía bắc của cao tốc được gọi Tuyến vành đai phía Bắc Tây An đã được hoàn thành và thông xe. Nó có chiều dài 122 km và sử dụng tới 6 triệu tấn nguyên vật liệu.

Tuy nhiên câu chuyện về nhiều triệu tấn nguyên vật liệu này đến từ đâu mới là thứ cần quan tâm.

"Bất ngờ chưa, bạn đang đứng trên 6 triệu tấn rác" - Vì sao người Trung Quốc có thể tự hào về điều này? - Ảnh 1.

Được biết trong giai đoạn thiết kế, dự án được kế hoạch để sử dụng các nguyên vật liệu truyền thống - tuy nhiên do thiếu vốn và giá vật liệu xây dựng rất cao nên dự án đã bị đình trệ.

Điều tình cờ là chính quyền Tây An lúc đó cũng đang có một mối lo khác đó là xử lý như thế nào với lượng lớn phế thải xây dựng còn sót lại sau khi xây dựng các tòa nhà.

Và thế là những người triển khai dự án đã nảy ra một ý tưởng rất táo bạo. Tại sao không tận dụng phế thải xây dựng? Những thứ đó có phù hợp cho đường cao tốc hay không?

Dĩ nhiên khi ý tưởng được đưa ra bàn thảo, một số người đã ngay lập tức bác bỏ nó vì cho rằng việc tận dụng phế thải có thể tạo ra các vấn đề gây mất ổn định cho đường như lún, thấm nước và tất cả khiến tuổi thọ của con đường không thể được đảm bảo.

Nhưng sau một loạt cuộc thảo luận và khảo sát, người Trung Quốc xác định rằng phương pháp xây dựng này là phù hợp nhất với hoàn cảnh lúc bấy giờ - gạt bỏ một số ý kiến phản đối.

Sau khi có quyết định cuối cùng, các đội thi công đã ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng tuyến cao tốc này.

"Bất ngờ chưa, bạn đang đứng trên 6 triệu tấn rác" - Vì sao người Trung Quốc có thể tự hào về điều này? - Ảnh 2.

Người Trung Quốc "biến rác thành đường" như thế nào?

Có lẽ độc giả đang tự đặt ra câu hỏi rằng người Trung Quốc đã làm điều khó tin kể trên như thế nào?

Bước đầu tiên dự án cần phải làm trước khi tiến hành xây dựng đó là thu gom phế thải xây dựng, sàng lọc chi tiết để loại bỏ những thứ không thể tận dụng.

Tiếp theo, tất cả nguyên liệu cần được xử lý bằng cách nghiền thành các mảnh có đường kính dưới 15 cm - lúc này khâu chuẩn bị đã được hoàn tất.

Nói tới việc làm đường, hầu hết chúng ta đều biết rằng các công đoạn sẽ bắt đầu từ việc san rải đá dăm hoặc sỏi có kích cỡ đồng đều, sau đó lu lèn bằng xe lu để tạo thành một cấu trúc nền đồng nhất.

Bước tiếp theo là rải nhựa đường - và sau khi nhựa đường khô thì một con đường đã được hình thành.

Ở Tuyến vành đai phía Bắc Tây An, các mảnh phế thải xây dựng có đường kính dưới 15 cm đã được trộn lẫn với đá dăm trước khi được san rải và rải nhựa đường.

Lý do là vì thử nghiệm cho thấy gạch vỡ và bê tông vỡ trong phế thải xây dựng có khả năng kết nối với đá dăm để cho ra cấu trúc nền rất ổn định.

Không những vậy, loại nền này có khả năng thoát nước rất tốt và không bị co rút và giãn nở do thay đổi nhiệt độ dẫn đến nứt vỡ - khiến những con đường kiểu này có thể bền bỉ hơn nhiều.

Về tính thẩm mỹ, người ta không thể phát hiện lớp nền bằng phế thải xây dựng vì sau khi nhựa đường khô, nó đã che phủ hết các chi tiết.

"Bất ngờ chưa, bạn đang đứng trên 6 triệu tấn rác" - Vì sao người Trung Quốc có thể tự hào về điều này? - Ảnh 3.

Tái chế 6 triệu tấn phế thải có tốn kém không?

Thực tế là theo hồ sơ được lưu lại, đường cao tốc được xây dựng theo phương pháp này đã tiết kiệm được khoảng 170 triệu Nhân dân tệ (khoảng 570 tỷ đồng) so với phương pháp xây dựng truyền thống.

Không những vậy, việc giải quyết lượng lớn phế thải xây dựng đã giúp chính quyền Tây An tiết kiệm khoảng 250 triệu Nhân dân tệ (khoảng 873 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc sử dụng phương pháp xây dựng này còn tiết kiệm được 170.000 tấn vôi sống và 32.000 tấn than, giảm hơn 40 triệu mét khối lượng khí thải carbon dioxide.

Đồng thời nó cũng giúp tiết kiệm 3.000 mẫu đất (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,667 mét vuông) dành cho bãi chôn lấp rác.

Từ các số liệu kể trên, không khó để nhận ra việc sử dụng phương pháp làm đường này quả thực khá tiện lợi và rẻ hơn so với phương pháp truyền thống.

"Bất ngờ chưa, bạn đang đứng trên 6 triệu tấn rác" - Vì sao người Trung Quốc có thể tự hào về điều này? - Ảnh 4.

Theo Hoài Giang

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên