Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?
Tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu vẫn diễn ra tại nhiều địa phương khu vực phía nam - Ảnh minh họa: LĐ
36 doanh nghiệp đầu mối, 17.000 cửa hàng bán lẻ, thế nhưng, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương, liệu chăng, công tác điều hành nhiên liệu này cũng bất ổn?
- 12-10-2022Địa phương duy nhất sở hữu cả sân bay quốc tế và cảng biển loại đặc biệt
- 11-10-2022Điểm nổi bật của địa phương đang nắm giữ hơn 90% trữ lượng dầu mỏ của cả nước
- 10-10-2022Quy mô GDP Việt Nam năm 2022 đạt bao nhiêu tỷ USD theo dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế?
Theo đó, thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua gặp bất ổn về nguồn cung . Đặc biệt, liên tục trong những ngày gần đây, hàng trăm cây xăng tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam phải tạm ngừng hoạt động do hết hàng, một số cây xăng chỉ bán cầm chừng hoặc tạm đóng cửa do nguồn cung không còn hàng.
Thực tế, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ này khẳng định, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Đồng thời cho hay, tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước. Chưa kể, nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Và theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng như trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000 m3 (gồm 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230.000 m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000 m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000 m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...
Lượng tồn kho vẫn đảm bảo, cửa hàng xăng dầu đóng cửa không phổ biến, vậy, tại sao sự bất ổn của thị trường xăng dầu vẫn kéo dài hơn tháng qua chưa chấm dứt? Có chăng, công tác điều hành đang bất ổn?
Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng ngày 07/10 vừa qua, lần thứ 2 trong 2 tháng, 36 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nêu ra những bất cập trên thị trường. Theo họ, điều hành xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua “có vấn đề”, gây bất lợi cho doanh nghiệp và bất ổn trên thị trường.
Các doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cho rằng, công tác điều hành của các cơ quan quản lý đang có vấn đề - Ảnh minh họa: TN
Các doanh nghiệp dẫn chứng Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định, thương nhân đầu mối và phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá điều hành do cơ quan quản lý công bố. Tuy nhiên, gần đây xảy ra tình trạng chiết khấu âm, tức các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách “lách” quy định để bán ra cho các cây xăng với giá cao hơn giá bán lẻ quy định, bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác.
Vì thế, khi cộng phí vận chuyển, doanh nghiệp bán hàng ra với mức giá thấp hơn khi họ nhập về, trong khi đó, cơ quan quản lý khi điều chỉnh giá chưa tuân theo quy định thị trường, kìm giá khiến bất ổn gia tăng.
Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cũng cho biết, nhà cung cấp thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng, trong khi nhiều giai đoạn, doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ vẫn phải bấm bụng bán, nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó trụ nổi…
Đáng nói, khi tình trạng bất ổn lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố và doanh nghiệp liên tục có kiến nghị, các cơ quan quản lý dường như “đùn đẩy trách nhiệm”.
Theo đó, trước khi quyết định điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính đưa ra ngày 07/10, Bộ Công Thương cho hay, đã ít nhất 4 lần đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh, nhưng chưa được đồng thuận. Bộ này cũng đánh giá, việc điều chỉnh chậm là nguyên nhân khiến chiết khấu giảm về 0, cửa hàng bán lẻ bị lỗ,...
Còn Bộ Tài chính lại cho rằng, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng, dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp…
Thông tin với báo chí về việc điều hành thị trường của các cơ quan quản lý, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, quản lý thị trường xăng dầu của Bộ Công Thương đang có vấn đề khi mà thị trường thay đổi rất nhanh chóng nhưng những gì diễn ra cho thấy cơ quan quản lý chưa theo kịp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trước hết là về cơ chế, rõ ràng là cơ chế giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối và bán lẻ là chưa rõ ràng, cụ thể. Tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp ở từng khâu chưa được đề cao, mới dẫn đến việc các cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu bị ép giá thông qua chiết khấu. Bất cập khác chính là cơ quan quản lý đã không tính đúng, tính đủ nhu cầu và sản lượng tiêu thụ của từng địa phương dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu trên thị trường.
“Cần phải cụ thể từng tháng, từng quý để đảm bảo nhu cầu, không để thiếu đột xuất. Thêm nữa thì khâu kiểm tra, phân phối hạn mức nhập khẩu đã có nhưng khâu kiểm tra, giám sát xem các đầu mối có nhập đúng, nhập đủ theo đúng thời hạn quy định hay không cũng là một đòi hỏi rất quan trọng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Diễn đàn Doanh nghiệp