Bầu cử Mỹ: Trump dùng chiến lược gì để “lội ngược dòng” trước Biden?
Ứng viên Joe Biden đang dẫn trước nhưng Tổng thống Trump đã có chiến lược riêng với hy vọng sẽ “lội ngược dòng” như trong cuộc bầu cử năm 2016.
- 04-06-2020Cuộc đua bầu cử và khủng hoảng kép ở Mỹ
- 05-05-2020Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống D. Trump vượt qua ông J. Biden trong cuộc thăm dò tại Iowa
- 25-04-2020Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Trump đối mặt nguy cơ giảm phiếu bầu khi nhiều cử tri già tử vong vì COVID-19
Trở lại đường đua
Tổng thống Trump đang có kế hoạch tái khởi động các chiến dịch mít tinh vận động trong 2 tuần nữa nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn 5 tháng nữa là chính thức diễn ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
5 tháng tới không phải một thời gian dài nhưng lại là khoảng thời gian có ý nghĩa quyết định với các ứng viên tranh cử. "Cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ và quyết định cuối cùng của cử tri chưa thực sự diễn ra cho đến thời điểm 5 tháng tới, kể từ giờ đến tháng 11. Cách đây 5 tháng là một bối cảnh hoàn toàn khác: trước đại dịch, trước khi biểu tình lan rộng, trước khi nền kinh tế lao đao và trước khi cuộc điều tra luận tội diễn ra", Whit Ayres - một chuyên gia từng tiến hành nhiều cuộc trưng cầu dân ý nhận định.
"Người Mỹ sẵn sàng hành động trở lại và Tổng thống Trump cũng vậy. Sự quay lại của nước Mỹ vĩ đại là một thực tế và các cuộc mít tinh sẽ vô cùng sôi nổi. Các bạn sẽ lại thấy những đám đông đầy hào hứng mà Joe Biden buồn ngủ chỉ có thể mơ về một sự kiện như vậy", Brad Parscale - giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump nhận định trên Politico.
Các đồng minh của Tổng thống Trump hiện lo ngại rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump và cách điều hành đất nước của ông. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy Tổng thống Trump bị ông Biden dẫn trước ở những bộ phận cử tri như người da trắng chưa tốt nghiệp đại học, người cao tuổi và các tín đồ Thiên chúa giáo. Với việc ông Biden chính thức trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ vào tuần trước, bộ phận chiến lược tranh cử của Tổng thống Trump sẽ tập trung hơn vào việc công kích ông Biden và tránh đề cập đến các khía cạnh thuộc về cá nhân ông Trump.
"Khi Joe Biden buồn ngủ bắt đầu bước ra ngoài vòng tròn cử tri ủng hộ, ông ta sẽ phải bừng tỉnh", Jason Miller, cố vấn mới trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump đồng thời từng là cố vấn truyền thông cấp cao trong chiến dịch năm 2016 của nhà lãnh đạo Mỹ cho hay.
Theo quan điểm của đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump, các cuộc mít tinh là một cách để khơi dậy tinh thần các cử tri ủng hộ ông Trump và thể hiện nhiệt huyết của nhà lãnh đạo Mỹ trong nỗ lực tái tranh cử. Họ cố gắng khắc họa hình ảnh một Donald Trump trái ngược với Joe Biden - ứng viên chủ yếu vẫn tập trung ở bang quê nhà của ông là Delaware và chưa tổ chức bất kỳ chiến dịch lớn nào kể từ mùa xuân.
Tổng thống Trump cũng chưa tổ chức cuộc mít tinh nào kể từ tháng 3, song trong những tuần gần đây, ông thường tận dụng các sự kiện chính thức để ghé thăm các bang dao động. Nhà lãnh đạo Mỹ đã sẵn sàng trở lại đường đua chính trị sắp tới khi một số nhân viên phụ trách gây quỹ cho chiến dịch của ông đã lên kế hoạch cho tháng này.
Đánh trúng tâm lý cử tri
Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao của ông nhận ra rằng họ cần hành động quyết liệt để vừa củng cố nền tảng cử tri trung thành, vừa cải thiện vị trí của ông Trump trong lòng các cử tri khác tại một số bang quan trọng. Chiến dịch của ông Trump từng khẳng định họ có một "rương chiến" khổng lồ nhờ việc gây quỹ và các chiến dịch truyền thông số. [Rương chiến (war chest) là nguồn ngân quỹ được quyên góp để sử dụng cho một chiến dịch vận động nào đó-ND].
Tuy nhiên, các khoản đóng góp, các nhà hoạt động bảo thủ và các cựu nhân viên tổ chức chiến dịch đã ít nhiều bị xao lãng do các thông điệp và chiến lược từ chiến dịch của Tổng thống Trump những tháng gần đây giữa bối cảnh nền kinh tế Mỹ lao đao và ông Trump phải nỗ lực để kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Một số cố vấn chính trị cũng phàn nàn về sự thiếu hợp tác giữa chiến lược của ông Trump, Nhà Trắng với các đồng minh và cố vấn bên ngoài, cũng như các tổ chức được đảng Cộng hòa ủng hộ.
Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có kế hoạch khởi động cỗ máy tranh cử trong những ngày sắp tới với sự tập trung mạnh mẽ vào các mối quan tâm của cử tri, từ vấn đề tội phạm cho tới quan hệ với Trung Quốc và vấn đề nhập cư, các trọng tâm chiến lược từng giúp ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử năm 2016.
Tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa năm đó, Donald Trump đã tuyên bố rằng: "Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tôi là một ứng viên của luật pháp và trật tự. Những vấn đề như tội phạm và bạo lực từng khiến chúng ta phiền toái sẽ rất sớm chấm dứt. Bắt đầu từ ngày 20/1/2017, sự an toàn sẽ được khôi phục”.
Năm 2020, thông điệp đó 1 lần nữa được lặp lại giữa bối cảnh các cuộc biểu tình vụ George Floyd lan rộng khắp nước Mỹ. Donald Trump tuyên bố ông là “Tổng thống của Pháp luật và Trật tự", đồng thời chỉ trích các nhà hoạt động xã hội và một số thành viên đảng Dân chủ vì đã ủng hộ phong trào ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát, lực lượng chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội và thực thi luật pháp.
Ngoài ra, không phải ngẫu nhiên, thời gian gần đây, Tổng thống Trump có những tuyên bố gay gắt với Trung Quốc và không ít lần dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại với nước này. Trong các cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành, khi được hỏi liệu quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có phải mối đe dọa với Mỹ hay không, 62% những người tham gia tán thành với nhận định này, đây là mức tăng đáng kể so với con số 48% của năm 2018. Cựu Phó Giám đốc CIA John McLaughlin cũng bình luận rằng: "Hiện nay là thời điểm mà tôi thấy có sự nhất trí cao nhất giữa các học giả, các nhà chính sách và công chúng về việc Trung Quốc là một đe dọa nghiêm trọng với chúng ta".
Hôm 5/6, ông Trump đã tuyên bố: “Hòa thuận với Trung Quốc là điều tốt. Tuy nhiên, tôi không rõ liệu điều ấy có được duy trì hay không. Hy vọng tôi có thể sớm cho các bạn biết điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng Trung Quốc muốn hòa hợp với chúng ta rất nhiều, nhưng chúng ta đã tạo dựng được một nền tảng sức mạnh to lớn. Do vậy, khi gặp bất ổn chúng ta có thể chấm dứt thỏa thuận”. Giữa bối cảnh người dân Mỹ ngày càng cảm nhận sâu sắc về mối đe dọa từ Trung Quốc, Tổng thống Trump muốn chứng minh rằng ông sẵn sàng hành động và luôn đặt “Nước Mỹ trên hết” cho dù phải đưa ra những quyết định cứng rắn nhất với đối tác quan trọng này.
Lợi thế “độc quyền” của Trump
Tổng thống Trump có thể bị ông Biden dẫn trước trong những cuộc khảo sát gần đây nhưng một thực tế không thể phủ nhận là ông Trump có nền tảng cử tri trung thành và nhiệt huyết hơn.
Theo một cuộc khảo sát trên toàn quốc do SSRS tiến hành cho CNN, cứ 10 cử tri thì có 7 người bỏ phiếu cho ông Trump chủ yếu bởi vì họ ủng hộ ông, bất kể ông thể hiện cách lãnh đạo đất nước như thế nào. Trong khi đó, chỉ có 37% cử tri ủng hộ ông Biden cho biết họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông.
Ngoài ra, theo Newsweek, mặc dù ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump vì một số vấn đề như khả năng xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19, các cuộc biểu tình và mối quan hệ với Trung Quốc song ông Trump vẫn được đánh giá cao hơn về khả năng khôi phục nền kinh tế.
Trong cuộc khảo sát của CNN, ông Trump dẫn trước ông Biden 5 điểm trong lĩnh vực kinh tế với 51% người được hỏi nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ xử lý vấn đề này tốt hơn ông Biden. Cuộc khảo sát của Fox News thì cho thấy 45% cử tri tin tưởng vào khả năng khôi phục nền kinh tế của ông Trump trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Biden là 42%.
Những tín hiệu tích cực từ tỷ lệ thất nghiệp và thị trường chứng khoán Mỹ những ngày gần đây cũng ít nhiều đem lại các lợi thế nhất định cho ông Trump. Theo đó, chiến lược tranh cử của ông Trump sẽ nhấn mạnh vào việc tỷ lệ thất nghiệp giảm trong tháng 5 để thuyết phục cử tri rằng Tổng thống là ứng viên phù hợp nhất có khả năng khôi phục nền kinh tế, thậm chí cả khi tỷ lệ thất nghiệp vượt quá thời kỳ tồi tệ nhất trong cuộc Đại Suy thoái.
Dù vậy, một trong những thách thức thời gian tới trong chiến dịch của ông Trump là cải thiện sự ủng hộ của các cử tri cao tuổi với nhà lãnh đạo Mỹ. Phó Tổng thống Biden hiện đang dẫn trước ở bộ phận cử tri này, những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.
"Tổng thống Trump đã có một thời điểm khó khăn khi nền kinh tế suy thoái, đại dịch càn quét và sau đó là những cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước sau vụ George Floyd. Tuy nhiên, khi tất cả mọi thứ được cân bằng và chúng ta đưa ra lựa chọn, theo suy đoán của tôi, Tổng thống Trump sẽ khôi phục được sự ủng hộ và đánh bại ông Biden với sự cách biệt đáng kinh ngạc. Tôi dự đoán điều này sẽ thể hiện rõ ràng vào khoảng giữa tháng 9", Newt Gingrich - cựu Chủ tịch Hạ viện - một đồng minh lâu năm của ông Trump nhận định với Politico./.
VOV