Bầu Đức rất có “ý thức” về nợ nần: 5 năm giảm gần 1 tỷ đô vay nợ
Năm 2016, HAGL gánh trên vai khối nợ hơn 36.000 tỷ đồng. Giữa năm 2022, khối nợ còn 14.600 tỷ. Các ngân hàng bắt đầu có thể “thở phào” khi thu hồi dần những món nợ từ doanh nghiệp của người đàn ông từng giàu nhất sàn chứng khoán.
- 22-09-2022CTCK ra báo cáo phân tích về HAGL sau nhiều năm bỏ qua: Sự kết hợp "độc đáo" giữa heo và chuối?
- 08-09-2022HAGL Agrico sắp giải thể một công ty con do hoạt động không hiệu quả
- 27-08-2022HAGL đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu con heo trong 2023, bắt đầu bán gà từ tháng 11
Ngày 22/9, CTCP Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (mã chứng khoán: HAG) đã công bố thông tin về việc trả một phần nợ gốc trái phiếu do công ty phát hành năm 2016.
Số nợ gốc trái phiếu HAGL dự kiến trả là 605 tỷ đồng, lấy từ tiền thu nợ của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (mã chứng khoán: HNG) và nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai đang triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.700 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nếu hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu này, HAGL sẽ dùng 500 tỷ đồng để trả nợ gốc đối với khoản vay trái phiếu tại BIDV.
Điều này cho thấy quyết tâm xoá hết nợ của ông Đoàn Nguyên Đức như đã nói tại buổi ra mắt sản phẩm Bapi - Heo ăn chuối HAGL: “Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều.”
Cú bắt tay với tỷ phú Trần Bá Dương và hành trình giảm nợ từ 36.000 tỷ còn 14.600 tỷ
Tính đến ngày 30/6, tổng nợ của HAGL là hơn 14.600 tỷ đồng, có hơn 9.000 tỷ đồng là nợ vay, phần lớn trong đó là nợ trái phiếu với 6.440 tỷ đồng. Hiện nay, ngân hàng BIDV là trái chủ của khoản trái phiếu lớn nhất của HAGL với 5.876 tỷ đồng.
Dù tổng nợ tăng thêm 872 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng kết quả này đã thể hiện nỗ lực xoá/giảm nợ trong nhiều năm qua của bầu Đức.
Năm 2016, tổng nợ của bầu Đức lên đến hơn 36.000 tỷ đồng, tổng nợ vay cũng hơn 27.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm rưỡi, tổng nợ của HAGL đã giảm 21.500 tỷ đồng, nợ vay cũng giảm 18.000 tỷ đồng.
Nợ của HAGL bắt đầu giảm từ năm 2017. Cụ thể, tổng nợ giảm 900 tỷ và tổng nợ vay giảm hơn 4.500 tỷ đồng. Trong năm này, HAGL phát hành 137,5 triệu cổ phiếu HAG để chuyển đổi với lô trái phiếu chuyển đổi trị giá 1.100 tỷ đồng của, tỷ lệ chuyển đổi là 1 trái phiếu: 125 cổ phiếu, mức giá chuyển đổi là 8.000 VND/cổ phiếu.
HNG cũng phát hành 43,3 triệu cổ phiếu HNG để chuyển đổi với 433 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi. Ngoài ra, 697 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi được HNG và các trái chủ tiến hành thực hiện thoả thuận hoán đổi nghĩa vụ nợ trái phiếu này bằng cách cấn trừ khoản nợ vay trị giá 697 tỷ đồng của HNG đối với HAGL.
Năm 2018, tổng nợ của HAGL tiếp tục giảm 4.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2018, HAGL đã phát hành hơn 2.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 0%, không có tài sản đảm bảo. Trái chủ lớn nhất là Thaco, trái chủ khác chỉ chiếm 220 triệu đồng. Lô trái phiếu trên đáo hạn vào tháng 8/2019.
Thaco còn cho HAGL vay tín chấp ngắn hạn 746 tỷ đồng với lãi suất từ 6% - 6,5%. Ngày 8/8/2018, Thaco ký kết chiến lược với HAGL và Công ty nông nghiệp HAGL Agrico, qua đó Thaco sở hữu 35% cổ phần của HAGL Agrico.
Ngoài ra, trong năm 2018, HNG còn phát hành riêng lẻ 119,7 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ phải trả thành vốn cổ phần.
Sang năm 2019, tổng nợ của HAGL giảm mạnh hơn gần 9.500 tỷ đồng, nợ vay giảm 7.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giảm nợ trái phiếu. Năm 2019, HAGL cũng trả được hơn 3.800 nợ trái phiếu thường.
Bên cạnh đó, vào ngày 9/8/2019, HNG đã hoàn tất việc phát hành thêm 221,7 triệu cổ phiếu phổ thông cho Thaco và trái chủ khác để chuyển đổi 221.710 trái phiếu chuyển đổi phát hành năm 2018. Trong năm, Thaco cũng cho HAGL vay hơn 1.700 tỷ đồng.
Cũng trong năm này, giữa HAGL và Thaco tiếp tục diễn ra nhiều thương vụ. Cụ thể, HNG đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương và các công ty con, Công ty TNHH Đông Pênh và các công ty con, công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên cho Thadi – công ty con của Thaco, thu về gần 7.000 tỷ đồng và lãi hơn 1.000 tỷ đồng.
Năm 2020, tổng nợ HAGL lại tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng. Trong năm này, Thagrico đã cho HAGL vay tín chấp ngắn hạn hơn 5.100 tỷ đồng. Vào ngày 31/12/2020, HAGL đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong An Đông Mia và công ty con – Công ty TNHH MTV Hoàng Anh Lumphat cho Thagrico với tổng giá trị chuyển nhượng là 2.350 tỷ đồng, lãi 660 tỷ đồng.
Trong năm 2020, công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai bán hơn 93 triệu cổ phiếu HNG và HAGL bán 6 triệu cổ phiếu HNG khiến tỷ lệ sở hữu của HAGL tại HNG giảm xuống còn 40,29%. Tuy nhiên, do bầu Đức khi đó vẫn là Chủ tịch HĐQT HNG cùng với trong 6 thành viên HĐQT HNG có 3 đại diện của HAGL nên HNG vẫn là công ty con của HAGL và hợp nhất kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính.
Sang năm 2021, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco đã thay bầu Đức làm Chủ tịch HĐQT HNG cùng với việc HAGL giảm tỷ lệ sở hữu HNG về còn 16,07%, kết quả kinh doanh của HNG không còn hợp nhất với báo cáo tài chính của HAGL. Trong năm 2021, tổng nợ HAGL giảm gần 13.500 tỷ đồng, HAGL cũng đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu 930_HAGL_2016 trị giá 735 tỷ đồng phát hành năm 2016.
Các khoản phải thu khổng lồ từ Nhóm An Phú và HAGL Agrico
Về các khoản phải thu, đến 30/6/2022, tổng giá trị các khoản phải thu của HAGL là gần 9.000 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu về cho vay là hơn 6.900 tỷ đồng. Trong đó, HAGL cho CTCP Lê Me vay 2.900 tỷ đồng, HNG vay gần 2.000 tỷ, CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Tây Nguyên vay 953 tỷ đồng, ...
Vào năm 2017, khoản phải thu của HAGL lên đến hơn 16.000 tỷ, chiếm phần lớn trong số đó là nợ phải thu của nhóm An Phú với hơn 10.500. Năm 2018, HAGL đã thu được 2.975 tỷ đồng từ nhóm này.
Năm 2019, số nợ phải thu nhóm An Phú lại tăng lên 10.500 tỷ đồng nhưng chỉ còn ở các doanh nghiệp CTCP Chăn nuôi Gia Lai, CTCP Lê Me, CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Đầu tư Bất động sản An Phú, công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Thăng Long, CT TNHH Tư vấn đầu tư Xây dựng Thanh Bình, CT TNHH Thương mại Dịch vụ Minh Tuấn. Trong đó, Chăn nuôi Gia Lai và Lê Me đã vay đến gần 10.200 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019
Sang năm 2020, HAGL đã thu hồi được gần 5.800 khoản phải thu từ CTCP Chăn nuôi Gia Lai, khiến tổng giá trị khoản phải thu giảm mạnh.
Năm 2021, do không còn hợp nhất với HNG nên danh mục khoản phải thu của HAGL có thêm khoảng 2.000 tỷ từ HNG.
Trong 6 tháng đầu năm, HAGL cũng thu hồi được hơn 1.400 tỷ đồng phải thu từ cho vay CTCP Lê Me.
Nhịp sống thị trường