Bé gái 13 tuổi ở TP.HCM nhảy lầu 8 tự tử, khi biết lý do ai cũng giật mình vì có nhiều cha mẹ mắc phải
Do không đồng ý với hành động của mẹ, bé gái 13 tuổi đã nhảy từ lầu 8 chung cư xuống tự tử.
- 21-11-2019Giáo sư ĐH Harvard khẳng định: Nghèo khó không khiến con nỗ lực phấn đấu, chỉ bố mẹ giàu có mới giúp con thành đạt
- 10-11-2019Trách phạt chỉ kích thích sự nổi loạn, muốn con ngoan ngoãn, bố mẹ chỉ cần áp dụng 7 biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả sau
- 01-11-2019Bố mẹ bỏ con gái nhịn đói đứng ngoài cửa, dắt con trai vào ăn buffet liên tục suốt 2 tiếng và sự thật bất ngờ về kiểu ăn mà ai cũng nghĩ “khách khôn hơn ông chủ nhà hàng”
Ngày 21/11, thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (quận 1, TP.HCM) cho biết, đêm 20/11, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhi L.A.Q. (ngụ quận 10) được Trung tâm cấp cứu 115 chuyển đến. Theo thông tin ban đầu, bệnh nhi Q. nhảy từ lầu 8 chung cư.
Kết quả khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhi Q. bị dập gan. Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, đang được theo dõi sát, điều trị bảo tồn gan. Ngoài ra, các bác sĩ tâm lý sẽ thăm khám, tư vấn tâm lý cho bé.
Bệnh nhi Q. đang được bác sĩ theo dõi.
Trò chuyện với bác sĩ, bệnh nhi Q. cho biết do mẹ kiểm tra điện thoại của mình nên em giận và nhảy lầu 8 chung cư vào lúc 20h30 ngày 20/11. Tuy nhiên, may mắn là khi rơi xuống đến lầu 2 thì em trúng mái tôn, sau đó rơi xuống trúng xe máy. Bệnh nhi tiếp đất trong tư thế nằm sấp, nghiêng về bên phải.
Bác sĩ CK.I Phạm Hoàng Minh Khôi, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: "Các bé trong độ tuổi dậy thì tính tình nhạy cảm, ít nghe lời người lớn và đôi khi khá bướng bỉnh".
Bác sĩ Khôi cho biết thêm: "Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ bị chấn thương do tự tử. Nguyên nhân thường là do trẻ đi chơi về trễ và bị bố mẹ la nên có hành động gây hại cho bản thân mình. Do đó các bậc cha mẹ cần nhẹ nhàng theo sát con để nắm bắt tâm lý con trẻ, có hướng tác động kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra".
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Hậu quả của việc “giọt nước tràn ly”
Phân tích hành động nhảy lầu của bé Q., chuyên gia Tâm lý nổi tiếng Lê Khanh cho biết, trẻ trong độ tuổi tiền dậy thì (10-14 tuổi) thường khó khống chế hành vi vì khả năng kiểm soát cảm xúc lúc này đang bị xáo trộn do sự thay đổi tâm sinh lý.
Trong trường hợp của bé Q., có thể khi muốn kiểm soát điện thoại, mẹ đã có những hành động hay lời nói không mang tính thuyết phục nên đã gây ra phản ứng ngoài tầm kiểm soát của con. Tuy nhiên, có lẽ đây là hành động “giọt nước tràn ly” vì có thể trước đó, mẹ đã có những hành động giám sát hay lời lẽ gây tổn thương cho con, nên con mới mất bình tĩnh đến vậy!
Thực tế, nhiều cha mẹ không dành nhiều thời gian trao đổi tâm tình với con cái và tạo mối quan hệ tương tác 2 chiều. Thay vào đó cha mẹ nôn nóng nghĩ là mình có quyền giám sát các khu vực riêng tư hay đồ dùng cá nhân, đặc biệt là điện thoại – nơi lưu giữ những tang chứng, vật chứng về các mối quan hệ của con.
Đây đều là những sai lầm kinh điển khi thực thi quyền làm phụ huynh. Điều này khiến con cho rằng bố mẹ đã xâm phạm quyền riêng tự do cá nhân (và đúng là như vậy) nên thường có những phản ứng dữ dội như trường hợp kể trên. Một số trường hợp khác, con trở nên trầm cảm, cắt đứt mọi giao tiếp với bố mẹ.
Cha mẹ quản lý thế nào để không gây ức chế cho con?
Chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Muốn quản lý con, điều đầu tiên là cha mẹ phải tỏ ra quan tâm đến các sở thích và tính cách của con. Chính điều này sẽ giúp bố mẹ có cách cư xử phù hợp.
Thứ hai, bố mẹ phải tôn trọng những gì thuộc về cá nhân của con. Điều sai lầm lớn nhất là cha mẹ tự cho mình quyền bước vào “vùng lãnh thổ” của con mà chưa được sự đồng ý. Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể phản ứng trước những hành vi này. Trong trường hợp muốn quản lý, không gì tốt hơn việc bố mẹ trở thành người bạn của con, tạo những buổi trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Bố mẹ tôn trọng sự riêng tư của con thì con mới bộc lộ những mối quan hệ giao tiếp của mình với người khác.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần phải tỏ ra tin tưởng con, cứ tin tưởng những gì con nói, con hứa mà đừng tìm cách bắt chẹt con. Tỏ ra không tin tưởng chính là cách tốt nhất để cắt đứt mối quan hệ “mẹ-con”, đặc biệt là với trẻ trong độ tuổi mới lớn”.
“Con có thể gặp trở ngại, thách thức và có khi là thất bại, nhận một số bài học. Nhưng đó là điều cần thiết để con trưởng thành”, chuyên gia Lê Khanh đưa ra lời khuyên.
Helino