MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bé gái 2 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, nguyên nhân chính là do thói quen chăm sóc của người bố mà nhiều người mắc phải: Chiều con hóa ra lại “hại” con

18-11-2021 - 23:20 PM | Sống

Mặc dù hao tổn rất nhiều công chăm sóc song nhiều bậc phụ huynh vẫn không hiểu tại sao con mình lại bị suy dinh dưỡng. Có lẽ, chính bố mẹ cũng không ngờ được rằng con bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng là do những sai lầm trong cách chăm sóc của mình.

Tiểu Anh (bút danh), năm nay hơn 2 tuổi, bị viêm phổi cấp cần phải nhập viện. Mấy lần trước thấy con bị bệnh mẹ của bé đã tự cho con uống thuốc. Mấy lần đầu bệnh cũng thuyên giảm. Tuy nhiên, bệnh bất ngờ trở nặng khiến bố mẹ phải cấp tốc đưa bé đi cấp cứu.

Sau khi thăm khám chi tiết, bác sĩ trưởng khoa Nhi của bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu, Trung Quốc đưa ra kết luận ngoài bệnh viêm phổi, Tiểu Anh còn bị suy dinh dưỡng nặng. 2 tuổi mà Tiểu Anh cao 88cm và chỉ nặng 9kg thấp hơn nhiều so với bình thường (12-13kg).

Bác sĩ nói với bố mẹ bé rằng bệnh viêm phổi cần được điều trị tích cực, nhưng không thể không kể đến vấn đề suy dinh dưỡng. Nếu tình trạng dinh dưỡng của trẻ không được cải thiện, trẻ vẫn có thể dễ bị nhiễm trùng và ốm sau khi xuất viện.

Bé gái 2 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, nguyên nhân chính là do thói quen chăm sóc của người bố mà nhiều người mắc phải: Chiều con hóa ra lại “hại” con - Ảnh 1.

Tiểu Anh được cấp cứu tại bệnh viện Chữ thập đỏ Hàng Châu, Trung Quốc do viêm phổi và suy dinh dưỡng nặng. Ảnh: Aboluowang

Sau khi tình trạng viêm phổi của Tiểu Anh được kiểm soát và ổn định, bác sĩ đã mời Chương Hồng Anh, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và Chế độ ăn, hướng dẫn cách chăm sóc cho các bậc phụ huynh. Sau khi tìm hiểu, phó trưởng khoa Chương nghi ngờ về chế độ ăn của Tiểu Anh: "Anh chị có thường cho con ăn vặt không?"

Mẹ bé ngay lập tức trả lời: "Chúng tôi không bao giờ cho bé ăn quà vặt."

Ông bố bên cạnh thì thào: "Không phải. Những lúc vợ không có nhà, tôi thường chiều theo ý con và cho con ăn đồ ăn nhanh."

Hóa ra khi vợ không ở nhà, người bố thường cho bé ăn thức ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh ngọt và đồ uống có ga. Những thực phẩm này vừa tiện lợi, nhanh gọn, vừa là món ăn yêu thích của bé. Lúc đầu, người bố còn băn khoăn nhưng thấy con ăn ngon miệng nên vui vẻ bỏ qua mà không để ý đến những thay đổi trong quá trình trưởng thành và phát triển của con.

Giờ đây, người cha bị thừa cân, còn cô con gái lại bị suy dinh dưỡng. Qua đó, bác sĩ cảnh báo: Cha mẹ nên chú ý hơn đến con cái, bỏ ăn vặt và dành nhiều thời gian hơn cho bữa tối.

Bé gái 2 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, nguyên nhân chính là do thói quen chăm sóc của người bố mà nhiều người mắc phải: Chiều con hóa ra lại “hại” con - Ảnh 2.

Ngày nay, mặc dù kinh tế đã phát triển hơn rất nhiều, vấn đề chăm sóc trẻ em cũng được xã hội chú ý song tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn xảy ra. Ảnh minh họa: Huanqiu

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng bao gồm thiếu năng lượng, protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Theo báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới của Tổ chức Unicef, trên thế giới cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ thiếu dinh dưỡng. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, cơ thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Những "con số biết nói" này đã dấy lên thực trạng số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không đáp ứng đủ và đúng nhu cầu đang rất báo động.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, các nguyên nhân hầu như xuất phát từ chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thói quen ăn uống không lành mạnh.

Một số phụ huynh trẻ thiếu kinh nghiệm nuôi con lập ra chế độ dinh dưỡng không khoa học gây mất cân bằng dinh dưỡng. Hơn thế nữa, bố mẹ thường ăn vặt và bỏ bữa sáng trước mặt con khiến trẻ bắt chước theo. Chiều chuộng trẻ quá mức, không để trẻ tự ăn, vừa bú vừa chơi... Những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thói quen ăn uống tốt của trẻ.

Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng đến phát triển của trẻ

Bé gái 2 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, nguyên nhân chính là do thói quen chăm sóc của người bố mà nhiều người mắc phải: Chiều con hóa ra lại “hại” con - Ảnh 3.

Một nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng đã chỉ ra rằng hậu quả của suy dinh dưỡng có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Phụ nữ từng bị suy dinh dưỡng khi còn nhỏ hoặc ở tuổi vị thành niên đến khi lớn lên có khả năng bị suy dinh dưỡng khi mang thai. Ảnh: Internet

Suy dinh dưỡng làm bé chậm phát triển trí não, phản xạ chậm, thiếu linh hoạt, tiếp thu kém. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh ở trẻ tăng cao. Khi bé bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng yếu sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập như: nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu chảy... làm bé càng thêm biếng ăn, gầy guộc.

Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Bé sẽ bị chậm phát triển chiều cao và cân nặng so với bình thường. Nếu kéo dài, tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến vóc dáng và thể trạng khi trẻ trưởng thành.

Phương pháp điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ

Bé gái 2 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, nguyên nhân chính là do thói quen chăm sóc của người bố mà nhiều người mắc phải: Chiều con hóa ra lại “hại” con - Ảnh 4.

Hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới đang có chế độ ăn không lành mạnh và cần được thay đổi. Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em không đơn thuần chỉ là có đủ thức ăn cho trẻ ăn mà trên hết là phải có thức ăn lành mạnh cho trẻ. Ảnh: Sinanews

- Môi trường: Tạo cho bé không gian thoáng đãng, sạch sẽ và thoải mái, tắm rửa thường xuyên. Vì nếu ở một môi trường ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, gần các mầm bệnh khiến bé mệt mỏi, chán ăn, khó chịu, hay quấy khóc. Làm cho bé kém hấp thu và càng gầy hơn.

-Tẩy giun: Trẻ nhỏ hay đùa nghịch, cầm nắm thậm chí cho vào miệng bất cứ thứ gì trong tầm với, người lớn chúng ta không thể kiểm soát hết được. Vì thế bạn nên tẩy giun cho bé theo đúng định kỳ như chỉ dẫn của bác sĩ tùy vào độ tuổi của bé.

- Tiêm ngừa: Cần tiêm ngừa cho trẻ đầy đủ theo các khuyến cáo của bộ Y tế. Các loại vac-xin phòng bệnh sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn, tăng đề kháng để có thể chống lại các loại bệnh như suy dinh dưỡng tốt hơn.

- Tạo dựng thói quen tập thể dục cho bé: việc khuyến khích bé vận động cơ thể sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả, tăng cường miễn dịch, thúc đẩy tăng chiều cao, tăng cường đốt cháy năng lượng và kích thích bé thèm ăn, ăn ngon miệng hơn và đẩy lùi suy dinh dưỡng.

- Chế độ ăn: cần cân bằng và bổ sung đúng, đủ lượng chất cơ thể trẻ đang thiếu hụt. Không nên dồn mọi loại chất dinh dưỡng cho trẻ, vì điều nãy sẽ có thể gây nguy hiểm hơn cho trẻ.

Trẻ lớn và phát triển nhanh, cha mẹ cần chú ý theo dõi sự tăng trưởng của trẻ, thường xuyên đi khám sức khỏe và điều trị kịp thời nếu phát hiện bất thường. Bài học nuôi dạy trẻ không hề dễ dàng, cũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà đòi hỏi cha mẹ phải tiếp tục tìm tòi, khám phá, đúc kết để tạo nên những bước tiến trong cuộc sống sau này.

Theo Aboluowang

Minh Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên