MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bé gái 8 tuổi chảy máu mũi, xuất hiện ban đỏ và vết bầm tím, bác sĩ cảnh báo trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong

31-10-2020 - 21:06 PM | Sống

Cô bé bị chảy máu mũi trong nhiều ngày liên tiếp, chân tay xuất hiện ban đỏ và vết bầm tím kì lạ khiến bố mẹ lo lắng vội đưa đến bệnh viện khám.

Bác sĩ Tô Mân Dục, khoa nhi huyết học, bệnh viện CMU Children's Hospital, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhi (8 tuổi) sống tại Đài Loan. Cô bé bị chảy máu mũi trong nhiều ngày liên tiếp, chân tay xuất hiện ban đỏ và vết bầm tím kì lạ khiến bố mẹ lo lắng vội đưa đến bệnh viện khám.

Bé gái 8 tuổi chảy máu mũi, xuất hiện ban đỏ và vết bầm tím, bác sĩ cảnh báo trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong - Ảnh 1.

Cô bé bị chảy máu mũi trong nhiều ngày liên tiếp, chân tay xuất hiện ban đỏ và vết bầm tím.

Kết quả khám cho thấy cô bé mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát. Sau đó, cô bé đã nhập viện điều trị và theo dõi, các triệu chứng đã biến mất sau khi sử dụng thuốc, số lượng tiểu cầu hồi phục về mức bình thường, cô bé hiện đã được xuất viện và chỉ cần tái khám định kỳ.

Bác sĩ Tô Mân Dục giải thích, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (ITP) là do một rối loạn trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra các kháng thể nhầm lẫn phá hủy các tế bào tiểu cầu, khiến số lượng tiểu cầu giảm, mất khả năng đông máu và rò rỉ ra các mao mạch gây nên tình trạng xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.

Thông thường, bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát xảy ra ở trẻ em từ 2 - 6 tuổi, nhiều trường hợp có thể gây ra ban xuất huyết. Khoảng 80% không tìm được nguyên nhân thuộc nhóm tự phát, còn 20% là thứ phát do người bệnh mắc một số bệnh khác, chẳng hạn bệnh lupus ban đỏ, hội chứng Evans, nhiễm vi khuẩn HP, thành mạch máu yếu (ban xuất huyết do tuổi tác, ban xuất huyết do thuốc), nhiễm trùng và dị ứng cũng có thể gây ra ban xuất huyết, trong số đó, giảm số lượng tiểu cầu là phổ biến nhất.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là thời gian khởi phát bệnh dưới 3 tháng; Giai đoạn 2 là trạng thái tiểu cầu giảm được duy trì từ 3 tháng đến 1 năm; Giai đoạn 3 là giảm tiểu cầu trong hơn 1 năm và được xem là mãn tính. Hầu hết các trường hợp trẻ em được chẩn đoán mới khởi phát cấp tính, và khoảng 25% trẻ em bị bệnh sẽ phát triển thành mãn tính.

Bác sĩ khuyến cáo, tiểu cầu được xem là tiên phong tham gia vào quá trình đông máu trong cơ thể. Khi số lượng tiểu cầu giảm sẽ xảy ra tình trạng khó cầm máu, các triệu chứng là vết bầm tím, chảy máu lợi, chảy máu cam, tắc kinh… Nghiêm trọng hơn thậm chí có thể gây xuất huyết dạ dày, xuất huyết phổi, tiểu máu và xuất huyết não tự phát nguy hiểm đến tính mạng.

Bé gái 8 tuổi chảy máu mũi, xuất hiện ban đỏ và vết bầm tím, bác sĩ cảnh báo trường hợp nghiêm trọng có thể tử vong - Ảnh 2.

Bác sĩ Tô Mân Dục, khoa nhi huyết học, bệnh viện CMU Children's Hospital

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là căn bệnh thể hiện sự rối loạn đông cầm máu có thể khiến cơ thể người bệnh bầm tím hoặc chảy máu.

Sự xuất huyết xảy ra khi số lượng tiểu cầu (thành phần giúp đông máu và cầm máu) thấp một cách bất thường.

Khi bệnh xảy ra với trẻ em thì có thể là do một đợt nhiễm bệnh virus hay quai bị, cảm cúm hoặc có thể là do quá trình nhiễm trùng đã làm cho hệ miễn dịch bị rối loạn và gây ra tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Bệnh lý này rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trong giai đoạn từ 2 - 9 tuổi, nguyên nhân là do:

Do giảm tiểu cầu do kháng thể đồng chủng.

Do thuốc và hóa chất và có loại chưa rõ căn nguyên.

Do bị các bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi), nhiễm ký sinh trùng (sốt rét).

Ngoài ra, bệnh giảm tiểu cầu tự phát còn có thể do độc chất và tác dụng của một số loại thuốc gây ra, các loại thuốc có thể là thuốc hạ nhiệt, thuốc an thần, thuốc cảm cúm, kháng sinh...

Theo Ettoday

Theo Tú Uyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên