Be vs. Go-Viet: Cuộc đua của những kẻ đến sau tới vị trí số 2 trong làng gọi xe
Dù Grab rất mạnh, nhưng Be và Go-Viet vẫn đang miệt mài chiến đấu, chỉ có điều cách của 2 ứng dụng này đi rất khác.
- 30-03-2019Chân dung CEO Go-Viet vừa từ chức: Học Harvard, từng làm việc nhiều năm tại BIDV
- 29-03-2019Khủng hoảng nhân sự ở Go-Viet: CEO Nguyễn Vũ Đức từ chức, một giám đốc cấp cao khác cũng rời công ty?
- 03-03-2019Go-Viet chính thức tăng chiết khấu, áp dụng chính sách hủy chuyến "hà khắc" hơn
Những ngày vừa qua, thông tin Giám đốc điều hành và một Giám đốc cấp cao khác của Go-Viet đã từ chức đã gây xôn xao thị trường gọi xe, bởi Go Viet đang ở thế cạnh tranh mạnh mẽ với Be trong cuộc đua giành vị trí số 2, bám đuổi "lão làng" Grab.
Thử nghiệm từ tháng 7/2018, Go Viet chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào khoảng tháng 8/2018, dưới sự hậu thuẫn của Go Jek. Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên bên ngoài Indonesia của họ. Be là ứng dụng thuần Việt, ra mắt muộn hơn vào giữa tháng 12/2018. Để cạnh tranh với "lão làng" Grab vốn chiếm thế thượng phong, "kẻ đến sau" như Go-Viet và Be phải "đốt tiền" để gia tăng số lượng người dùng một cách nhanh chóng.
Be: Đốt tiền cho siêu khuyến mại
Sau Tết Nguyên đán, sự hiện diện của bóng áo vàng Be trên đường phố ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, việc liệu Be có đủ sức khuyến mãi lâu dài để cạnh tranh với các đối thủ khác hay không thì đó vẫn là một ẩn số.
Trước mắt có thể thấy, Be có tiềm năng để thành đối thủ đáng gờm, cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ đã phát triển mạnh trước đó. Cũng là người đến sau như Go-Viet, Be đã chủ động tạo ra một chỗ đứng vững chắc trên thị trường đặt xe Việt bằng cách đưa ra nhiều chính sách thu hút tài xế và khách hàng.
Phủ sóng ở cả TPHCM và Hà Nội khả năng gọi Be ở thời điểm hiện tại đều dễ hơn trước Tết với chính sách khuyến mại khá rộng rãi và tối ưu lên tới 15 – 20 chuyến trong vòng 15 ngày. Mức khuyến mại hấp dẫn từ 50% tới giảm thẳng 20.000đ, 30.000đ mỗi cuốc xe.
Với những nỗ lực chạy đua cùng các đối thủ khác, Be (thuộc tập đoàn Be Group) đang cho thấy khát khao chiếm lĩnh thị trường.
Chú trọng về cả số lượng và chất lượng khuyến mãi các đơn hàng nên số người sử dụng Be và tài xế đầu quân cho Be cũng tăng lên đáng kể, thu hút một lượng khách rất lớn từ Grab và Go-Viet.
Hiện Be cũng đang thông báo tuyển dụng mảng giao đồ ăn, hứa hẹn một cuộc chiến "đốt tiền" khác, gay cấn và khốc liệt hơn nữa.
Be thu hút khách hàng bằng cách tung thật nhiều mã khuyến mãi, thậm chí các cuốc xe dưới 2km (không phải giờ cao điểm) với giá 0 đồng. Đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ được thoải mái trải nghiệm với ứng dụng mà không phải bỏ tiền túi.
Theo ước tính của một nhân sự trong ngành, mỗi tháng Be có thể tiêu tốn tới hơn 5 triệu USD tiền khuyến mại. Với đà này tới cuối năm, Be có thể tiêu tới 50 triệu USD.
Câu hỏi đặt ra là nếu như vậy thì Be có đủ vốn để đua tranh vị trí số 2 và nhăm nhe vượt Grab không? Trong bối cảnh hiện tại, Uber và Lyft đang nộp hồ sơ IPO ở Mỹ, các nhà đầu tư sẽ có góc nhìn kỹ hơn về ngành gọi xe và có thể sẽ cẩn thận hơn trong việc rót tiền.
Go-Viet: Dồn sức vào mảng giao đồ ăn
Be hiện là đối thủ sừng sỏ nhất của Go-Viet về tài chính lẫn tiềm lực. Trong cuộc cạnh tranh giữa Go-Viet và Be, nỗ lực cạnh tranh giành thị phần của Go-Viet thể hiện rõ qua việc "đốt tiền" vào các chương trình khuyến mãi khủng của Go – Food với mức chiết khấu ưu đãi tối đa cho tài xế.
Tuy nhiên, đối nghịch với Be, khuyến mại của Go-Viet gọi xe thường rất thấp, chỉ tối đa 10.000đ/cuốc. Thay vào đó, ở dịch vụ Go-Food có khuyến mại tới 50% và số tiền tối đa lớn hơn nhiều, miễn phí vận chuyển tại Hà Nội. Tại TPHCM, hình ảnh xế Go-Viet xếp hàng mua đồ ăn tại các cửa hàng khá phổ biến.
Điểm trừ rõ rệt với Go-Viet so với Be là hãng mới chỉ nhắm đến đối tượng xe hai bánh, chỉ có Go- Bike chứ không có Go-Car 4 hay 7 chỗ. Nền tảng công nghệ của ứng dụng Go-Viet thực tế cũng chưa nổi trội, hệ thống định vị và xác định hành trình của tài xế chưa thật sự chính xác.
Vừa qua, Go-Viet quay lại chiết khấu 20% như các đối thủ khác, tuy nhiên giá cước Go-Viet thấp hơn nên khiến xế không mặn mà chạy dịch vụ xe ôm Go-Bike.
Nhưng nhờ sức mạnh tài chính, Go-Viet "ghi điểm" khi thể hiện quyết tâm "đốt tiền" Go Food và mức chiết khấu thấp cho tài xế. Đánh giá sơ bộ, Go-Viet chú trọng xoay sang Go-Food, để cạnh tranh vào ngách. Tuy Food là một ngách cũng đang dần chật chội với Now, Grab-Food và nhiều công ty nhỏ khác như Lixiapp, Loship, nhưng xem ra còn nhiều dư địa tăng trưởng hơn.
Giao diện khi sử dụng Go - Food
Việc Go-Viet tập trung và đẩy mạnh chiến dịch phổ rộng Go-Food nhờ chiếm ưu thế từ số lượng các tài xế đăng ký làm cho Go-Viet rất lớn. Go Food cũng liên kết với hầu hết các mặt hàng phổ biến mà người tiêu dùng cần và tung ra hàng loạt ưu đãi giảm giá lên tới 50- 60 % cho mỗi mặt hàng khi đặt qua app.
Hơn thế, Go-Viet sẽ không còn phải "educate" thị trường. Nhiều người dùng đã hiểu thế nào là xe ôm công nghệ, quen thuộc cách sử dụng app. Ứng dụng mượt, trải nghiệm dịch vụ tốt, món ăn khá đầy đủ, tài xế thân thiện, miễn cước phí vận chuyển 2km đầu tiên trong thời gian ra mắt, thời gian giao nhanh tương tự các dịch vụ khác. Có thể hỗ trợ đặt nhiều đơn hàng cùng một lúc vì vậy vừa đi Go-Bike và đặt Go-Food để tới công ty có thể ăn luôn.
Dù mới ra mắt nhưng Go-Food cũng đem được trải nghiệm tốt cho người dùng điều này cũng chứng minh những công nghệ mà Go-Viet đang sở hữu đem lại thật sự tốt. Có thể thấy, Go-Food là một trong các dịch vụ giao đồ ăn hứa hẹn trong tương lai cũng sẽ thu hút được khách hàng sử dụng riêng cho mình.
Go-Food trong app Go-Viet được thiết kế dễ nhìn, dễ dùng và dễ thấy khuyến mãi với cái tên khá thú vị ở nhiều chuyên mục như khuyến mãi, ghiền đồ uống, bữa sáng Yummy, món ngon ba miền, ẩm thực năm châu, giờ ăn vặt...
Liệu rằng, chi khoản tiền lớn như vậy để mua thị trường lấn sân vào " ngách " giao đồ ăn như thế có thực sự khả thi? Hay Go-Viet sẽ dốc tiền vào lựa chọn khác mới mẻ và độc lạ hơn. Cụ thể, Go-Viet sẽ phải chuyển hướng sang thị trường không đụng độ với Grab như Go-Tix (mua vé), Go-Massage, Go-Mec (đi mua thuốc Tây hộ). Khi đó, Go-Viet sẽ cạnh tranh với Now nhưng Now "nhẹ kí" hơn Grab, khả năng thống lĩnh thị trường tiêu thụ cao hơn.
Kết
Cạnh tranh ở thị trường gọi xe khá khốc liệt, các công ty phải cố gắng tìm ra hướng phát triển mới, bởi nếu chọn cách đấu với Grab bằng đốt tiền (khi mỗi vòng huy động vốn của Grab lên tới 4 - 5 tỷ USD) là điều gần như không thể.
Trí thức trẻ