Bên nào cũng đòi giấy đăng ký xe bản chính là khó cho dân
Người dân tuân thủ cả hai loại pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và giao dịch bảo đảm là khó cho người dân. Nếu tiếp tục xử phạt với người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế.
- 16-07-2017Lo bị phạt, khách hàng dừng mua ô tô trả góp
- 13-07-2017Gỡ vướng ngân hàng giữ giấy đăng ký ô tô: Triệu người ngóng chờ
- 09-07-2017Rối bời mua ô tô thế chấp!
Cục trưởng Cục Quản lý xử phạt vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho biết, hiện có khoảng 1,3 triệu các phương tiện giao thông đang thực hiện việc thế chấp tại các ngân hàng.
Ông Sơn nêu thực tế, khi tham gia giao thông, những người điều khiển phương tiện giao thông có thế chấp sử dụng bản sao đăng ký xe có công chứng và chứng nhận của các tổ chức tín dụng nhận thế chấp.
CSGT xử phạt vi phạm hành chính theo NĐ 46 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ), mức phạt tiền đối với ô tô và xe máy áp dụng theo tinh thần, khi tham gia giao thông điều khiển phương tiện là ô tô, xe máy không có đăng ký xe.
“Điều này dẫn đến sự hoang mang, ý kiến của người dân, có tình trạng nhiều người đang có ý định thực hiện phương thức thế chấp tại NH và tổ chức tín dụng để mua ô tô, xe máy cũng dừng việc này lại”, ông Sơn cảnh báo.
Ông cũng cho biết đã nhận được ý kiến phản ánh của một số NH và tổ chức tín dụng, luật sư... cũng như ý kiến của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Hiệp hội NH...
Quá trình nghiên cứu, Bộ tư pháp thấy đây là vấn đề liên quan đến nhiều quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và về giao thông đường bộ. Trong khi đó các quy định pháp luật khác có liên quan như pháp luật về chứng thực quy định bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ pháp luật có quy định khác.
“Chúng tôi thấy thời gian qua lực lượng CSGT thực hiện việc xử phạt theo NĐ 46 là có cơ sở pháp lý, trên cơ sở thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ và xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng giữ bản chính đăng ký phương tiện thế chấp là một thực tiễn. Các NH vì sự bảo đảm trong an toàn trong hoạt động kinh doanh của họ để tránh rủi ro cao, tránh nợ xấu”, ông Sơn nhận định.
Đồng thời, ông chỉ ra thực tế, hệ thống pháp luật hiện nay chưa đồng bộ: “Pháp luật chưa thống nhất đồng bộ, chưa bảo đảm rõ ràng, minh bạch để ai cũng hiểu giống nhau”
Vì vậy, người dân muốn thế chấp để mua xe thì người nhận thế chấp yêu cầu phải có bản chính. Do pháp luật quy định như vậy nên NH không đưa vào hợp đồng nhận thế chấp, mà đưa vào dưới hình thức người thế chấp làm đơn nhờ NH, tổ chức tín dụng giữ hộ.
Đang đề xuất cách xử lý lên Thủ tướng
“Người dân tuân thủ cả hai loại pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ và giao dịch bảo đảm là khó cho người dân. Nếu tiếp tục xử phạt với người không mang theo giấy đăng ký xe bản chính có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tài chính, kinh tế, người dân có thể không thực hiện việc thế chấp vay vốn nữa”, ông Sơn nói.
Hơn nữa, trong điều kiện pháp luật có những điểm không quy định cụ thể về việc người tham gia giao thông phải mang bản chính giấy đăng ký xe, phương tiện giao thông cũng là vấn đề cần nghiên cứu, kiến nghị đề xuất xử lý.
Theo ông Sơn, việc cân nhắc thực tiễn pháp luật đang có sự thống nhất đồng bộ, đây cũng là thực tế phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật trong bối cảnh CP đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh, tiềm lực của các thành phần kinh tế, chủ trương là kích thích tiêu dùng trong nước...
“Cân nhắc tất cả những yếu tố trên, Bộ Tư pháp đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất phương án giải quyết trước mắt cũng như giải pháp dài hơi hơn. Đây là vấn đề nóng, văn bản gửi mang tính chất hỏa tốc. Khi Thủ tướng có xem xét, cân nhắc, quyết định sẽ thông tin đến cơ quan báo chí sau”, ông Sơn cho hay.
Đồng thời ông cũng cho rằng về lâu dài phải sửa đổi hệ thống pháp luật cho đồng bộ; bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước đối với giao dịch bảo đảm, giao thông đường bộ.
Vietnamnet