MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh ung thư khó phát hiện dễ nhầm lẫn nhất: Nếu có 2 dấu hiệu này phải đi khám ngay

18-07-2018 - 22:14 PM | Sống

Ung thư tuyến tụy là một trong những căn bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao trên thế giới. Theo số liệu thống kê, chỉ có 20% bệnh nhân ung thư tuỵ có thời gian sống trên 2 - 3 năm.

Phát hiện khi bệnh đã muộn

TS Hoàng Đình Chân – Nguyên bác sĩ Bệnh viện K trung ương chia sẻ, các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư gan và ung thư tuỵ là những bệnh ung thư phát hiện muộn nhiều nhất. Đa số bệnh nhân phát hiện khi đã ở giai đoạn trễ.

Mới đây, trường hợp của chị V.T.M trú tại Thanh Xuân, Hà Nội là bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y. Chị M qua đời sau khi phát hiện ung thư tuỵ vài tháng khiến nhiều đồng nghiệp cũng như bạn bè tiếc thương.

Căn bệnh ung thư không trừ một ai, trong đó có ung thư tuỵ. TS Hoàng Đình Chân chia sẻ, dù có là bác sĩ cũng ít người phát hiện được triệu chứng sớm của ung thư tuỵ vì bệnh mơ hồ khó phát hiện.

So với một số căn bệnh ung thư khác về đường tiêu hóa, tỷ lệ sống ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy gần như thấp nhất. Hầu hết bệnh nhân ung thư tụy sau khi điều trị bằng phẫu thuật chỉ sống được khoảng 2-3 năm, tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật cũng khá lớn.

Còn với những bệnh nhân giai đoạn sau, không thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật thì đa số người bệnh đều không sống quá 1 năm sau khi phát hiện bệnh. Vì thế, ung thư tuỵ được xem là bệnh ung thư hiểm nhất.

 Bệnh ung thư khó phát hiện dễ nhầm lẫn nhất: Nếu có 2 dấu hiệu này phải đi khám ngay - Ảnh 1.

Bệnh nhân Vũ Văn Q. 52 tuổi, Hà Nội đang điều trị tại Bệnh viện Hưng Việt bị ung thư tuyến tuỵ phát hiện khi bệnh đã bước sang giai đoạn rầm rộ.

Ông Q. không có dấu hiệu gì, khi xuất hiện vàng da, vàng mắt ông mới đi kiểm tra nhưng bác sĩ bệnh viện huyện kê thuốc viêm gan mà không đoán ra bệnh từ tuỵ. Chỉ đến khi ông đau bụng, đau ngày, đau đêm lúc nào cũng âm ỉ.

Chị gái ông Q. vừa qua đời vì ung thư hạch nên cả nhà giục ông đi kiểm tra. Kết quả tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ cho biết ông bị u tuỵ, theo dõi K tuỵ. Không tin bị ung thư tuỵ ông kiểm tra thêm 2 bệnh viện nữa và bệnh viện nào cũng dương tính với K tuỵ.

Ông Q. đã được mổ tại Bệnh viện Đại học Y. Đến nay ông điều trị hoá trị mong bệnh tiến triển tốt hơn.

Vàng da, đau lưng dấu hiệu của ung thư tuỵ

TS Hoàng Đình Chân cho biết, tuỵ vốn nằm sâu trong ổ bụng. Chính vì thế, việc chẩn đoán những căn bệnh liên quan đến tụy cũng rất khó khăn.

 Bệnh ung thư khó phát hiện dễ nhầm lẫn nhất: Nếu có 2 dấu hiệu này phải đi khám ngay - Ảnh 2.

Ung thư tuỵ là bệnh ung thư hiểm.

Để chẩn đoán cũng như phát hiện ung thư tuyến tuỵ, bác sĩ thường dựa vào các dấu hiệu lâm sàng như vàng da do tắc mật… Nhiều người nghĩ, chỉ ung thư gan mới vàng da nhưng bác sĩ Chân cho biết, trong ung thư tuỵ nếu u chèn ép vào cuống gan sẽ xuất hiện vàng da.

Mệt mỏi và chán ăn cũng là dấu hiệu ung thư tụy. Cơ thể lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi như không có năng lượng.

Ngoài ra, dấu hiệu của ung thư tuỵ nữa là, bệnh nhân có các cơn đau bụng âm ỉ chứ không phải những cơn đau dữ dội. Đặc biệt, những cơn đau thường có xu hướng đẩy ra phía sau lưng.

Một số người có biểu hiện ngứa ở một số vùng da như lòng bàn tay, bàn chân, ngúa xuất hiện nhiều vào nửa đêm hoặc sáng sớm.

Nguyên nhân của bệnh ung thư tuỵ cũng chưa xác định rõ. Các bác sĩ cảnh báo các yếu tố như di truyền, đái tháo đường, bệnh nhân hút thuốc lá, lười vận động, béo phì.

TS Chân chia sẻ, ăn uống cũng là nguyên nhân khiến bệnh ung thư tuỵ gõ cửa. Chế độ ăn giàu chất béo và thịt được chế biến ở nhiệt độ cao như thịt nướng, rán… có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

Chuyên gia khuyến cáo, mỗi người hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau xanh để cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ bệnh tật.

Việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị, giúp hạn chế tình trạng bệnh di căn, tiết kiệm chi phí điều trị, giản thiểu đau đớn cho bệnh nhân.

Theo Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên