MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ

Nước Mỹ “bị đối xử tồi tệ” là luận điểm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thường nói kể từ khi tranh cử cho đến nay. Nhưng cường quốc số 1 thế giới mà “bị chèn ép” hay con số thâm hụt thương mại 500 tỉ USD mỗi năm của Mỹ chứa đựng bí mật gì?

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 1.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất của năm 2018 là những cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump với các đối tác lớn: Mỹ, Đức, Canada, Mexico... Lý do chính là Trump tố cáo các đối tác giao thương "không công bằng", phá giá đồng tiền (ví dụ: giữ đồng nhân dân tệ yếu để hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn), đánh cắp công nghệ, khiến cho xuất khẩu của Mỹ bị trì trệ, không bì kịp với lượng hàng Mỹ nhập khẩu. Hậu quả, như Trump thường xuyên cáo buộc, là lượng thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ qua nhiều thập niên gần đây.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 2.

Thâm hụt thương mại, định nghĩa là nhập khẩu trừ xuất khẩu, là thước đo nói lên tình hình buôn bán hàng hoá, dịch vụ giữa Mỹ với thế giới. Nếu thâm hụt thương mại là âm, Mỹ đang sản xuất và bán được nhiều hàng hóa và dịch vụ cho thế giới hơn là Mỹ mua của thế giới. Ngược lại, nếu thâm hụt thương mại là dương, Mỹ đang mua nhiều hàng hoá, dịch vụ của thế giới hơn là lượng Mỹ bán được.

Về mặt thống kê, Trump nói đúng: kể từ năm 1980, Mỹ đã bắt đầu thâm hụt thương mại nặng nề và ngày càng nhiều. Năm 2017, thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là 375,6 tỉ USD, với Đức là 63,7 tỉ USD, và với Hàn Quốc 23,1 tỉ đô. Cộng tất cả lại, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ hằng năm vào khoảng hơn 500 tỉ USD trong những năm gần đây. Nói cách khác, mỗi năm người Mỹ tiêu thụ 500 tỉ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn số lượng sản xuất trong nước.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Trump chỉ đúng về mặt số liệu. Đằng sau những con số thâm hụt thương mại kia là một sự thật phức tạp hơn là việc điểm mặt chỉ tay, tố cáo thế giới không công bằng với Mỹ như cách mà Nhà Trắng đang làm. Nước Mỹ có thực sự dễ bị đối tác dắt mũi không? Người Mỹ có thực sự đang tiêu xài vượt khả năng không?

Câu trả lời đơn giản là không. Thâm hụt thương mại thực ra chỉ đang thể hiện khả năng tiêu thụ mạnh mẽ của người Mỹ từ những nguồn thu nhập quốc tế khác. Vì những lý do khách quan, những nguồn thu nhập này đã bị bỏ ra khỏi phần thu nhập ở tài khoản vãng lai (current account) của nước Mỹ, tạo ra ảo giác nước Mỹ nghèo hơn so với thực tế.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 4.

Thâm hụt thương mại song phương năm 2018 của Mỹ.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 5.

Trump, cũng như nhiều người khác, có vẻ tin rằng xuất khẩu là tốt, còn nhập khẩu là xấu. Dù gì đi chăng nữa, xuất khẩu làm tăng thu nhập và tài sản của một quốc gia, trong khi nhập khẩu làm điều ngược lại. Dưới quan điểm này, con số thâm hụt 500 tỉ USD mỗi năm là tin xấu cho nước Mỹ.

Hoá ra, Trump không phải là người đầu tiên nghĩ như thế này, mà đây là tư duy rất phổ biến của châu Âu từ những năm 1400, có tên là "Chủ nghĩa Trọng Thương" (Mercantilism – chú trọng vào thương mại). Chủ nghĩa này đề xuất các chính sách tăng cường xuất khẩu và hạn chế hết sức nhập khẩu, nhằm thu về càng nhiều vàng bạc cho ngân khố quốc gia càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 18, chủ nghĩa trọng thương gặp rất nhiều chỉ trích và ngừng là tư tưởng chủ đạo của phương Tây.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 6.

Sự bãi bỏ rào cản thương mại và chủ nghĩa trọng thương đã giúp nước Anh bùng nổ thương mại và vươn lên vị trí nền kinh tế số 1 thế giới ở thế kỷ 19.

Thứ nhất, những người tin vào chủ nghĩa trọng thương, như Trump, thường quên đi "lợi thế tương đối" của một quốc gia. Thử giả sử nước Mỹ có thế mạnh để sản xuất ô tô, nhưng không có thế mạnh sản xuất thép. Một người theo chủ nghĩa trọng thương sẽ đề xuất Mỹ làm hoàn toàn chiếc ô tô trong nước, từ khâu sản xuất thép đến khâu ráp ô tô để tối đa xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Nhưng đây không phải là điều tối ưu. Mỹ sẽ tốt hơn nếu tập trung dành toàn bộ nguồn lực của mình để làm điều Mỹ có thế mạnh, đó là sản xuất ô tô sử dụng thép nhập khẩu, thay vì phải tự sản xuất và sử dụng thép nội địa mua với giá cao hơn.

Chỉ trích thứ hai cho rằng chính sách này không bền vững. Lý do là lượng vàng bạc tích tụ được do xuất khẩu quá nhiều sẽ làm tăng lượng tiền trong nền kinh tế và tạo ra lạm phát trong nước. Giá hàng hóa nội địa sẽ ngày càng đắt so với giá hàng nhập khẩu, khiến nhập khẩu trở nên hấp dẫn, phản lại tác dụng của các chính sách hạn chế nhập khẩu.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 7.

Chỉ trích cuối cùng và cơ bản nhất là: con người tiêu thụ hàng hoá, không phải vàng bạc. Ý tưởng của chủ nghĩa trọng thương cũng giống như một cá nhân nhịn ăn, nhịn mặc, dùng hết nguồn lực để tạo ra hàng hóa buôn bán cho người khác để tích lũy vàng suốt đời. Người thông minh là người biết kiếm tài sản và tiêu thụ dần tài sản qua thời gian, chứ không chỉ luôn luôn tích luỹ. Một quốc gia cũng thế.

Chính quyền Trump cũng có vẻ chuộng chính sách phát triển của 6 thế kỉ trước, áp thuế nhập khẩu lên đối tác, cắt thâm hụt thương mại để cuối cùng người chịu ảnh hưởng là người Mỹ: phải mua từ thép đến thức ăn trong siêu thị với giá cao hơn. Mỹ sẽ thu nhiều tiền hơn từ xuất khẩu, trong khi lượng hàng hóa Mỹ có thể tiêu thụ được lại giảm đi.

Một ví dụ về tác hại của chiến tranh thương mại là giá thuế áp lên thép nhập khẩu của Trump đã tăng giá sản xuất cho General Motors, công ty sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ, lên hơn 1 tỉ đô mỗi năm. Đây là một yếu tố thúc đẩy General Motors vừa đóng cửa 5 xưởng sản xuất ô tô ở Mỹ và Canada, cắt giảm 15.000 việc làm.

Nói tóm lại, mặc dù luồng tư tưởng "xuất khẩu là tốt, nhập khẩu là xấu" đã không còn là tư tưởng chủ đạo trong chính sách giao thương từ 3 thế kỉ trước, tư tưởng này dường như đang quay trở lại.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 8.
Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 9.

Một câu trả lời đơn giản nhất để giải thích thâm hụt thương mại của Mỹ là nước Mỹ chỉ đang sử dụng "tối ưu" túi tiền của mình mà thôi.

Để đơn giản hóa vấn đề, thử tưởng tượng thương mại quốc gia như thu chi của một gia đình. Các gia đình thường tiết kiệm nhiều hơn mỗi khi có thu nhập cao hơn trung bình, để dành tiền đối phó với những lúc thu nhập bị thấp hơn (như khi mất việc chẳng hạn). Ngược lại, những lúc khốn khó, chúng ta sẽ muốn tạm thời vay mượn để tiêu thụ.

Một quốc gia cũng thế. Thâm hụt thương mại là một kế hoạch thu chi hoàn toàn tối ưu trong những lúc nền kinh tế gặp khó khăn, phát triển chậm hơn bình thường. Trong những năm thuận lợi, nền kinh tế xuất khẩu, giảm nhập khẩu, tạo ra thặng dư thương mại, tăng tài sản quốc gia.

Bí ẩn 500 tỉ USD thâm hụt thương mại mỗi năm của nước Mỹ - Ảnh 10.

Dưới góc nhìn này, thâm hụt thương mại không phải là điều gì xấu, mà chỉ là phản ứng tối ưu của một quốc gia của một nền kinh tế đang gặp khó khăn mà thôi.

Điểm yếu của lời giải thích này? Mỹ đã thâm hụt thương mại được gần 30 năm! Lời giải thích trên có thể giải thích chu kỳ kinh tế, bấp bênh của vài quý đến vài năm. Nhưng với một vấn đề kinh niên như thâm hụt thương mại của Mỹ, có lẽ chúng ta cần một lời giải thích khác "kinh niên" hơn.

Kỳ tới: Chuyện tiêu hoang quá mức và thu nhập ngầm ít người biết của nền kinh tế Mỹ

Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Harvard
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Châu Thanh Vũ

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên