MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn 7 triệu người biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ

10-08-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Bí ẩn 7 triệu người biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ

Đại dịch đã thúc đẩy những thay đổi căn bản trong lực lượng lao động Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ đang ở trong đợt hồi phục lịch sử. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì có 1 điều bất thường đang diễn ra: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động hiện ở mức thấp nhất trong hơn 4 thập kỷ trở lại đây và số việc làm trống nhưng không tuyển được người ở mức cao kỷ lục. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư phải tự hỏi: người lao động đã đi đâu mất rồi?

Ở thời điểm dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, có hơn 23 triệu người Mỹ thất nghiệp. Kể từ đó đến nay khoảng một nửa trong số này đã tìm được việc làm, nhưng so với thời điểm trước khi Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa thì vẫn thiếu gần 7 triệu việc làm.

Báo cáo việc làm tháng 7 cho thấy đã có thêm 943.000 việc làm mới – cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động (tính bằng cách lấy số lượng người đang có việc làm hoặc đi tìm việc làm chia cho tổng số dân trong độ tuổi lao động) vẫn đang mắc kẹt ở mức thấp nhất kể từ những năm 1970 trong suốt gần 1 năm nay.

Bí ẩn 7 triệu người biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng vẫn có nhiều vị trí không tuyển nổi người - Ảnh 1.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp nhất kể từ những năm 1970.

Có những yếu tố nhất thời liên quan đến Covid-19 đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, ví dụ như trợ cấp thất nghiệp hậu hĩnh, tình trạng không có sẵn dịch vụ chăm sóc trẻ em và những lo ngại về mức độ lây lan của biến chủng Delta. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với những xu hướng dịch chuyển mang tính dài hạn, bao gồm già hóa dân số và những công nghệ sẽ khiến một số loại việc làm biến mất. Đây là những xu hướng đã xuất hiện từ trước dịch nhưng lại tăng tốc trong đại dịch.

Thực ra thì từ lâu nay các chuyên gia kinh tế đã dự đoán quy mô lực lượng lao động sụt giảm sẽ trở thành lực cản kéo lùi tăng trưởng kinh tế. Từ trước dịch, cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào trạng thái "đình trệ kinh niên". Đại dịch gây ra một số điểm bất thường trong số liệu tăng trưởng, ví dụ gần đây tạo ra mức tăng trưởng đột phá nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái và điều đó giúp giảm bớt sự bi quan. Tuy nhiên về dài hạn rất có thể chính cuộc khủng hoảng Covid sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn.

Những người lao động bị gạt ra bên lề (dù là bị sa thải, trở thành người không còn khả năng lao động vì bệnh tật hay do doanh nghiệp đóng cửa) sẽ rất khó quay trở lại thị trường lao động vì các kỹ năng của họ dần mai một. Trong tháng 6, số lao động Mỹ bị thất nghiệp trong ít nhất 1 năm lên tới 2,9 triệu người, chiếm khoảng 29% tổng số người thiết nghiệp.

Dưới đây là những con số cụ thể về các yếu tố khiến quy mô lực lượng lao động Mỹ bị thu hẹp.

Dân số

2019 là năm đầu tiên trong nhiều thập kỷ số dân trong độ tuổi lao động (định nghĩa là những người từ 15 đến 64 tuổi) bị sụt giảm. Câu chuyện tiếp tục lặp lại trong năm 2020.

Hãy đổ lỗi cho thế hệ baby boomers. Mặc dù những người lớn tuổi nhất trong nhóm sinh ra trong giai đoạn 1946 – 1964 đã đến tuổi nghỉ hưu từ 1 thập kỷ trước, số người thuộc thế hệ baby boomers rời khỏi thị trường lao động đã tăng vọt trong đại dịch. Số liệu thống kê của Pew Research cho thấy con số của năm 2020 gấp đôi so với năm trước đó. Một số nghỉ hưu sớm hơn dự định, tận dụng giá cổ phiếu và giá nhà tăng cao trong khi số khác đơn giản là mất việc làm vì dịch bệnh và khó có thể tìm được việc mới.

Bí ẩn 7 triệu người biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng vẫn có nhiều vị trí không tuyển nổi người - Ảnh 2.

Số lượng người baby boomers nghỉ hưu tăng vọt trong năm ngoái.

Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây nói rằng nghỉ hưu sớm là một trong những lý do khiến các công ty khó tìm được các ứng viên chất lượng. "Đó là những người đã có hàng chục năm kinh nghiệm, tích lũy kiến thức. Chúng ta chưa thấy xuất hiện thế hệ tiếp theo sẽ thay thế họ, sẵn sàng làm cùng một khối lượng công việc như vậy. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến đà hồi phục của nền kinh tế".

Tự động hóa

Trong lịch sử các cuộc suy thoái kinh tế đều đẩy mạnh những thay đổi trên thị trường lao động. Bằng chứng rõ ràng nhất là kể từ những năm 1990, tăng trưởng việc làm sẽ không theo kịp tăng trưởng GDP trong những năm sau suy thoái. Một nghiên cứu được Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia công bố năm 2012 cho thấy 88% các việc làm dễ dàng bị thay thế bởi tự động hóa bị mất đi ở Mỹ trong những năm 1980 đã biến mất chỉ trong 12 tháng suy thoái kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, những thứ như khai báo tự động, các kiot có màn hình cảm ứng và những thực đơn có mã QR xuất hiện nhan nhản tại các siêu thị, nhà hàng, hiệu thuốc. Nguy cơ lây Covid càng khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho cả phần cứng và phần mềm để giảm tiếp xúc với khách hàng.

Theo nghiên cứu của Oxford Economics, 45% trong số 7 triệu việc làm mất đi ở Mỹ là những việc dễ bị tổn thương trước tự động hóa, dẫn đầu là các ngành bán lẻ, sản xuất và kinh doanh ăn uống. "Công nghệ đã có từ 10-15 năm trước nhưng chưa được áp dụng, giờ thì đã được áp dụng rất nhanh. Chúng ta sẽ không thể quay lại như trước dịch", Stefania Albanesi, giáo sư kinh tế tại ĐH Pittsburgh nói.

Bí ẩn 7 triệu người biến mất khỏi thị trường lao động Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng vẫn có nhiều vị trí không tuyển nổi người - Ảnh 3.

Tình trạng nghiện thuốc

Đại dịch đã làm đảo ngược một cuộc chiến mà nước Mỹ đã phải rất vất vả mới giành được các tiến bộ. Ít nhất kể từ giữa những năm 1990, có 1 "đại dịch" đã thầm lặng lan truyền trong lực lượng lao động Mỹ. Tỷ lệ thiệt mạng do dùng thuốc quá liều tăng 30% trong năm 2020, lên mức kỷ lục 92.183 người theo CDC Mỹ. Khoảng 3/4 trong số đó là kết quả của các thuốc gây nghiện.

Những khó khăn về kinh tế, sự cô đơn khi giãn cách và các dịch vụ y tế bị gián đoạn là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Chăm sóc trẻ em

Trong đại dịch, hàng triệu cha mẹ đã phải rời thị trường lao động vì các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em đóng cửa. Nhiều người quay trở lại khi trường học tái mở cửa, và đến tháng 9 tới sẽ có nhiều người quay trở lại hơn nữa sau kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, đặc biệt là với phụ nữ, Covid đã làm thay đổi căn bản sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong tháng 6, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của nữ giới là 56,2%, thấp hơn so với mức trung bình 60,3% của thế kỷ này.

Ở nhiều vùng của nước Mỹ, cha mẹ của những đứa trẻ vẫn chưa đến tuổi đến trường đang phải đối mặt với tình trạng "bình thường mới" đáng buồn. Nếu như chi phí chăm sóc trẻ còn tăng nhanh hơn cả trước dịch, mà một phần là do nhiều gia đình đã chuyển ra khỏi thành phố để định cư ở ngoại ô, các bậc cha mẹ khó có thể quay trở lại với những công việc có thu nhập thấp.

Các thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã đề xuất gói chi tiêu trị giá 3.500 tỷ USD cho an sinh xã hội, trong đó bao gồm hỗ trợ các hộ gia đình và đầu tư cho hệ thống chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên số phận của gói chi tiêu này vẫn rất mơ hồ.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên