MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn hoạt động "Sale and leaseback" của Vietjet

01-01-2017 - 07:29 AM | Doanh nghiệp

Báo cáo mới đây của CTCK Rồng Việt giải thích về mô hình "sale and leaseback" trong ngành hàng không, hé lộ Vietjet lấy đâu ra tiền để mua hàng trăm máy bay đắt tiền.

Sale and leaseback (bán và thuê lại) là một hình thức hết sức phổ biến trong ngành hàng không. Về cơ bản, một giao dịch sale and leaseback được tiến hành theo thứ tự như sau:

B1: Hãng hàng không (ví dụ là Vietjet) ký hợp đồng mua máy bay với các nhà sản xuất (Airbus hoặc Boeing) đồng thời phải trả trước một khoản tiền dao động từ 1-5% giá trị hợp đồng.

B2: Vietjet thỏa thuận việc bán và thuê lại những máy bay này với các công ty cho thuê (leasing companies, chẳng hạn là GECAS) trước thời điểm nhận bàn giao máy bay. Sau đó, tại thời điểm giao máy bay, Vietjet sẽ (1) tiếp nhận máy bay, (2) dùng tiền từ GECAS để thanh toán cho Airbus và (3) chuyển giao các giấy tờ sở hữu máy bay cho GECAS. Hợp đồng thuê thường kéo dài từ 6-12 năm, với phí thuê cố định hàng tháng (khoảng 500 ngàn đến 750 ngàn USD/tháng)

B3: Sau khi hết thời hạn của hợp đồng thuê, máy bay sẽ được trả lại cho công ty cho thuê. Trường hợp hãng hàng không kết thúc hợp đồng trước thời hạn thường sẽ phải chịu một khoản phạt.

Như vậy hãng Vietjet đã không phải bỏ toàn bộ tiền ra để mua máy bay, chỉ cần đặt cọc, rồi dùng tiền của công ty cho thuê máy bay để trả cho hãng sản xuất máy bay.

Hoạt động sale and leaseback mang lại những lợi ích như sau:

1. Nếu hãng hàng không đặt mua máy bay từ nhà sản xuất với số lượng lớn sẽ được hưởng chiết khấu có thể lên đến 40-50%. Nhờ đó, họ thường sẽ có một khoản lợi nhuận từ việc bán lại cho các công ty cho thuê. Như vậy, hãng hàng không vừa có thể phát triển đội bay, vừa có dòng tiền để tài trợ cho các hoạt động khác, thay vì phải bỏ ra một số tiền lớn để mua máy bay theo cách thông thường.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các công ty cho thuê vẫn chấp nhận thỏa thuận sale and leaseback với các hãng hàng không thay vì mua trực tiếp từ Airbus hoặc Boeing. Có một vài lý do như sau

- Có những công ty không có tín nhiệm tín dụng tốt bằng các hãng hàng không. Do đó, họ không có khả năng mua trực tiếp với mức chiết khấu tốt bằng.

- Để được hưởng chiết khấu cao, các công ty cho thuê cũng phải mua máy bay với số lượng lớn. Tiền đầu tư cao, trong khi chưa chắc nhu cầu thuê máy bay đã nhiều. Thông thường, mỗi chiếc máy bay cần cho thuê trong 8-15 năm mới hòa vốn.

- Lợi nhuận mà các hãng hàng không thu được từ sale and leaseback cũng sẽ được cân nhắc vào giá cho thuê. Nói cách khác, lợi nhuận cao thì giá thuê cũng sẽ cao hơn và ngược lại. Như vậy, lợi nhuận được ghi nhận một lần vào lúc mua máy bay có thể nhiều, nhưng phần chi phí thuê hàng tháng sẽ bù trừ đáng kể khoản này theo thời gian.

2. Trong trường hợp hoạt động thuê lại là thuê hoạt động (như của Vietjet), máy bay và các khoản nợ liên quan sẽ không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của hãng hàng không. Công ty vì vậy cũng không ghi nhận khấu hao cho các máy bay này nên có lợi nhuận cao hơn. Đây có thể coi như một cách để làm đẹp sổ sách. Tuy nhiên, lưu ý rằng đến 2019, IFRS quy định các công ty cũng sẽ phải ghi nhận các khoản này vào bảng cân đối giống như thuê tài chính.

3. Rủi ro giá thị trường của máy bay bị giảm nhanh hơn giá trị sổ sách cũng được chuyển cho bên cho thuê. Điều này là hết sức quan trọng vì trong ngành hàng không, máy bay có khả năng bị lỗi thời và giảm giá rất nhanh khi mà Airbus và Boeing thường xuyên cải tiến và đưa ra mẫu mới.

Những điểm bất lợi của sale and leaseback

1. Việc tài trợ đội bay bằng hình thức sale and leaseback thường sẽ dẫn đến chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Do khoản phí này là cố định, nếu tỉ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa.

2. Do là đi thuê nên máy bay sẽ phải chịu những giới hạn về mặt hoạt động, chẳng hạn như chỉ được bay và đậu tại những địa điểm nhất định.

Tổng kết lại, sale and leaseback giúp các hãng hàng không phát triển đội bay mà không cần nhiều vốn. Ngoài Vietjet Air, Indigo của Ấn Độ cũng là một hãng hàng không phát triển thần tốc nhờ mô hình này. Mặt khác, vì những điểm bất lợi đã nêu mà không phải hãng hàng không nào cũng triệt để áp dụng hoạt động sale and leaseback. Southwest Airline, hãng hàng không giá rẻ của Mỹ là một ví dụ khi mà họ có thể tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi hơn. Hay như Ryanair thì mua máy bay và tìm cách bán lại trước khi giá thị trường giảm xuống mức thấp.

Hà Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên