"Bí mật bẩn thỉu" của bitcoin
Theo Alex de Vries – chuyên gia phân tích blockchain tại PwC, tổng lượng điện tiêu thụ được sử dụng trong quá trình đào bitcoin đã tăng 30% trong tháng trước. Vries cho rằng cứ với đà tăng này ở phạm vi rộng hơn nữa, tiền số sẽ “giết chết” hành tinh này.
Đồng tiền số này đã khiến thị trường tài chính quốc tế đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với mức tăng giá chóng mặt sau khi nhà đầu tư đổ xô vào loại tài sản chỉ tồn tại trong không gian mạng. Thế nhưng quá trình khai thác bitcoin được thực hiện bởi những hệ thống siêu máy tính của các “thợ đào” miệt mài đi tìm “kho báu” đang tạo ra những hệ lụy hoàn toàn thực tế: có nơi lượng năng lượng khổng lồ được sử dụng để chạy các hệ thống máy tính này đang làm ô nhiễm môi trường.
8 nhà kho, mỗi cái có chiều dài 100m tọa lạc ở miền Bắc Trung Quốc, là một ví dụ điển hình. Đó là những “trang trại” khai thác bitcoin của Bitman Technologies ở Nội Mông với khoảng 25.000 chiếc máy tính chạy suốt ngày đêm để giải các thuật toán hóc búa đã được mã hóa. Toàn bộ máy móc được chạy bằng điện sản sinh từ than đá. Và ở Trung Quốc số lượng những mỏ khai thác như vậy đang tăng lên nhah chóng.
Theo Digiconomist Bitcoin Energy Consumption Index, trên phạm vi toàn cầu tổng lượng điện được sử dụng để đào bitcoin có thể tương đương với lượng tiêu thụ điện của 3 triệu hộ gia đình Mỹ. Càng có nhiều bitcoin được tạo ra thì các bài toán phải giải càng khó hơn, đồng nghĩa sẽ ngốn nhiều điện hơn.
“Hoạt động khai thác bitcoin ngày càng bẩn”, Christopher Chapman – chuyên gia phân tích của Citigroup nói.
Trên một số sàn giao dịch giá bitcoin đã tăng hơn 2.000% trong 1 năm qua, chạm đỉnh 17.900 USD. Sàn CBOE bắt đầu cung cấp hợp đồng tương lai bitcoin hôm 11/12 vừa qua và ngay trong ngày đầu giao dịch giá đã lên tới 18.850 USD. Từ chỗ là “thú vui” của dân công nghệ năm 2009, đến nay bitcoin đã trở thành 1 hiện tượng toàn cầu.
Theo nghiên cứu được công bố hồi tháng 4 năm nay bởi 2 giáo sư ĐH Cambridge, Trung Quốc, đất nước có 60% sản lượng điện được tạo ra từ than đá, là nơi có nhiều mỏ khai thác bitcoin nhất. Nước này chiếm khoảng 25% tổng lượng điện được tiêu thụ để tạo ra các đồng tiền kỹ thuật số.
Khoảng 58% các mỏ khai thác tiền số lớn nằm ở Trung Quốc, theo sau là Mỹ nhưng tỷ lệ chỉ là 16%. Trung Quốc cũng là nước sản xuất và tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới. Những trang trại ở các tỉnh như Tân Cương, Nội Mông và Hắc Long Giang đều dựa vào than đá.
Lượng điện tiêu thụ trong quá trình đào tiền số được so sánh với nhiều thứ, từ sản lượng của 1 nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn đến tổng lượng tiêu thụ của toàn bộ người dân Đan Mạch. Tuy nhiên, có 1 điều chắc chắn ai cũng phải đồng ý: con số đã tăng vọt đặc biệt là sau khi giá bitcoin tăng gấp 4 lần chỉ sau 3 tháng.
Theo Alex de Vries – chuyên gia phân tích blockchain tại PwC, tổng lượng điện tiêu thụ được sử dụng trong quá trình đào bitcoin đã tăng 30% trong tháng trước. Vries cho rằng cứ với đà tăng này ở phạm vi rộng hơn nữa, tiền số sẽ “giết chết” hành tinh này.
Một số chuyên gia phân tích bác bỏ lời cảnh báo này, cho rằng nhu cầu sử dụng điện để khai thác tiền số chỉ chiếm khoảng 0,1% tổng lượng tiêu thụ điện của toàn thế giới. Hơn nữa công nghệ còn được cải tiến, giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
Tuy nhiên trong cơn sốt hiện nay, các thợ mỏ luôn tìm đến những nơi có giá điện rẻ nhất. Giá điện ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ hay châu Âu. Dựa trên giá điện và yêu cầu ngày càng cao về tốc độ xử lý, các chuyên gia ước tính chi phí phụ trội để tạo ra 1 bitcoin mới sẽ tăng gấp đôi từ mức 6.611 USD của quý IV lên 14.175 USD trong quý II/2018. Ở thời điểm đầu năm 2017 con số chỉ là 2.856 USD. Với chi phí phụ trội tăng lên, các rủi ro mà thợ mỏ gặp phải ngày càng lớn nếu như giá quay đầu giảm.
Dẫu vậy không phải tất cả mỏ đào tiền số đều “bẩn”. Các máy tính ở Iceland lấy điện từ các nhà máy địa nhiệt. Kể cả ở Trung Quốc, một số mỏ ở Tứ Xuyên và Vân Nam dùng thủy điện.