Bí mật của đại gia đình chiến thắng quy luật “không ai giàu 3 họ": Tiền của nhà chất như núi nhưng đứa trẻ nhỏ nhất cũng phải góp vốn vào công ty
Gia đình Walmart đã chiếm vị trí đầu bảng Fortune trong suốt 8 năm liên tiếp, tất cả là nhờ triết lý truyền đời của huyền thoại Sam Walton.
Doanh nghiệp gia đình có thể tồn tại bao nhiêu thế hệ? Đây luôn là một chủ đề được quan tâm trong thế giới kinh doanh. Bởi dù "triều đại gia tộc" rực rỡ đến đâu thì vẫn có không ít trường hợp tiêu vong do thế hệ sau không đủ khả năng đảm nhận.
Theo "Báo cáo khảo sát doanh nghiệp gia đình hiện đại Trung Quốc" do Forbes công bố năm 2015, trong số 884 công ty gia đình niêm yết trên cổ phiếu A, chỉ có 111 công ty được kế thừa và chiếm 12,5%.
Nhà kinh tế học người Mỹ Gregory Clark tin rằng ngay cả ở Anh thời trung cổ đã có sự biến động giữa các tầng lớp xã hội khác nhau. Một nửa số con cái của các gia đình thuộc tầng lớp trên không thể tránh được cảnh "thất thế".
Tuy nhiên, trong lịch sử vẫn còn những gia tộc có thể duy trì gia sản cho nhiều thế hệ tương lai. Một ví dụ điển hình ở đây là gia đình Walton đứng sau công ty nổi tiếng của Mỹ Walmart .
Từ doanh nhân Sam Walton vay cha vợ 20.000 USD để mở cửa hàng tạp hóa đầu tiên vào năm 1951 đến gia tộc giàu nhất thế giới vào năm 2019, gia đình Walton cho đến nay đã trải qua ba thế hệ liên tục phát triển.
Chủ nhân của Walmart chính là hình mẫu cho các doanh nhân ngày nay.
1. Một "triều đại" được tạo ra bởi nhà lãnh đạo giỏi toàn diện
Là gia đình giàu nhất thế giới, gia đình Walton nắm trong tay giá trị ròng lớn hơn của Warren Buffett.
Trong bảng xếp hạng của Forbes về các gia đình giàu nhất Hoa Kỳ năm 2020, gia đình Walton đứng đầu danh sách. Các thành viên trong gia đình có tổng tài sản trị giá 247 tỷ USD. Gia đình này nắm giữ 48% cổ phần của Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất thế giới.
Câu chuyện về Walmart bắt nguồn từ người sáng lập Sam Walton. Ông sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Oklahoma, Hoa Kỳ vào năm 1918. Giống như nhiều thanh niên Mỹ ở các thị trấn nhỏ, Sam đã làm nhiều công việc từ khi còn là một đứa trẻ như nuôi thỏ, vắt sữa bò, giao báo và làm bồi bàn trong một nhà hàng...
Năm 1936, ông được nhận vào Đại học Missouri để học kinh tế. Trong những năm đại học, ông là cầu thủ chính của đội bóng đá và chủ tịch hội sinh viên. Có thể nói, Sam là "sinh viên 5 tốt" điển hình phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, nghệ thuật và lao động từ khi còn nhỏ.
Năm 1943, Sam kết hôn với Helen, người cũng xuất sắc không kém. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, họ mở một cửa hàng tạp hóa ở Newport, Arkansas.
Sam mở cửa hàng Walmart đầu tiên vào năm 1962. Vào thời điểm ông qua đời năm 1992, Walmart đã là một công ty khổng lồ với 1.735 chi nhánh và doanh thu hàng năm là 43,5 tỷ USD.
Kinh nghiệm thành công của Sam Walton có thể được tóm tắt như sau: Hạ giá mua hàng hóa bằng cách mua số lượng lớn; thực hiện khái niệm "khách hàng là trên hết, khách hàng luôn đúng"; chiến lược mở rộng thông minh.
Ngoài ra, ông cũng là một người tham công tiếc việc như nhiều doanh nhân khác. Sam thường làm việc từ 6 giờ 30 sáng đến 7 hoặc 8 giờ tối. Ngay cả khi gia đình đi nghỉ mát, ông vẫn đến kiểm tra cửa hàng địa phương của mình ở nơi vừa đặt chân đến. Mọi người đều hy vọng rằng "cuộc sống có thể giống như kỳ nghỉ" nhưng Sam lại coi "đi nghỉ cũng là công việc".
Sau khi Sam Walton qua đời, dưới sự lãnh đạo của các nhà quản lý chuyên nghiệp Glass, Sodquith và con trai cả của ông là Robertson, Walmart Department Store tiếp tục có động lực phát triển và doanh thu tiếp tục tăng theo cấp số nhân.
2. Bí mật thành công đằng sau "gã khổng lồ" Walmart
Việc thừa kế di sản của gia đình Walton ảnh hưởng rất nhiều từ quan điểm của vợ chồng Sam. Ông và vợ Helen đều là những người Mỹ điển hình đến từ các thị trấn nhỏ. Họ đặc biệt coi trọng mối quan hệ trong gia đình.
Hai người luôn hòa thuận và là cặp vợ chồng điển hình ở một thị trấn nhỏ. Sự hài hòa và ổn định trong quan hệ vợ chồng là điều rất quan trọng đối với các doanh nhân. Nếu tình cảm vợ chồng rạn nứt, các hoạt động kinh doanh và tích lũy tài sản đều bị ảnh hưởng.
Giống như Rockefeller, Sam và vợ sống rất đạm bạc nhưng lại có những yêu cầu khắt khe đối với con cái. Dù đã trở thành người giàu nhất quốc gia vào năm 1985, Sam Walton vẫn giữ thói quen mặc quần áo rẻ tiền và lái một chiếc xe bán tải cũ nát.
Khi nói về việc giáo dục con cái, ông cho biết: "Các con tôi có thể cảm thấy rằng chúng bị sử dụng như nô lệ khi chúng còn nhỏ. Bởi vì tôi rất bận rộn và không có thời gian để làm những việc như cắt cỏ, vậy chúng không làm thì còn ai khác? Tôi hy vọng điều này sẽ giúp chúng hiểu được giá trị của sức lao động".
Robertson, con trai cả của Sam nhớ lại: "Hồi đó chúng tôi luôn làm việc ở cửa hàng, quét sàn và dọn hộp sau giờ học. Cha mẹ tôi cho chúng tôi ít tiền tiêu vặt hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa... Cha cũng yêu cầu tôi đầu tư tiền túi vào cửa hàng. Về sau, khoản đầu tư này đã giúp tôi trả tiền mua nhà".
Trước khi qua đời, ông chủ của Walmart đã để lại cuốn sách có tên "Thế giới giàu có". Ông từng tâm sự: "Tôi xuất bản hồi ký chỉ để lưu giữ cho các cháu và chắt của mình. Tôi hy vọng chúng sẽ không có thói quen ngông cuồng".
3. Sự phân bố quyền lực trong thời kỳ "hậu Sam"
Ông từng nói: "Nếu bạn không thể đạt được mục tiêu mà cổ đông đặt ra cho bạn, bạn cũng không nên quan tâm quá nhiều. Tuy điều này sẽ khiến cổ phiếu của bạn bị thiệt hại một chút tạm thời nhưng về lâu dài sẽ không ảnh hưởng quá lớn. Miễn là bạn thực sự tiến về phía trước, các nhà đầu tư vẫn sẽ ủng hộ bạn vì khoản đầu tư của họ sẽ tăng giá trong thời gian dài".
Sau khi Sam qua đời, vấn đề người thừa kế của Walmart trở thành ưu tiên hàng đầu cho sự tồn vong của công ty.
Sam và vợ có ba con trai và một con gái. Mặc dù cả bốn đều thừa hưởng những đặc điểm của cha mẹ như học giỏi, năng động nhưng họ lại không quan tâm đến hoạt động đặc thù của ngành bán lẻ. Ngoại trừ cậu con trai cả Robertson, 3 người con còn lại hầu như chưa bao giờ hỏi về chuyện của Walmart.
Robertson đã đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch, cố vấn pháp lý và các vị trí khác bên cạnh cha mình nhưng anh không phải là một nhà lãnh đạo giỏi tương tác với nhân viên. Dựa trên thực tế này, Sam đã thiết lập chính sách quản lý doanh nghiệp trước khi qua đời. Bốn người con của ông và vợ đều ủng hộ quyết định này.
Sự chuyển giao quyền lực của Walmart một phần là do gia đình Walton luôn có mối quan hệ hòa thuận. Mặt khác, đó cũng là do Sam rất có uy tín trong công ty và gia đình.
Nhiều năm sau, các Giám đốc điều hành công ty vẫn nói về "tư tưởng của Sam" và "đường lối của Sam" khi thảo luận về các vấn đề ra quyết định kinh doanh. Có thể nói ông là một nhà lãnh đạo tinh thần bất tử cho Walmart.
Sau Sam, Walmart không có nhà lãnh đạo quyền lực tuyệt đối và nó đã bước vào kỷ nguyên lãnh đạo tập thể. Ba người đứng đầu của công ty là Giám đốc điều hành Glass; Giám đốc điều hành Soderquis và con trai cả Robertson Walton với vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị.
Con trai cả của Sam là một nhà lãnh đạo thận trọng. Anh hiếm khi nhận lời phỏng vấn của giới truyền thông. Walmart đã phát triển nhanh chóng trong gần 30 năm theo mô hình lãnh đạo tập thể này.
Năm 2015, Robertson đã chuyển giao chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị cho con rể Regoli Penner. Và sự phát triển của "huyền thoại" Walmart vẫn được viết tiếp cho đến ngày nay...
Những bài học từ đế chế của Sam Walton có thể được tóm tắt như sau:
Trước hết, thế hệ doanh nhân đầu tiên cần có chiến lược ngay từ khi bắt đầu đồng thời quan tâm đến việc giáo dục con cái, đặc biệt là thái độ của họ đối với cuộc sống, gia đình và xã hội.
Thứ hai, thế hệ doanh nhân đầu tiên cần có đánh giá khách quan khi lựa chọn người kế thừa doanh nghiệp.
Cuối cùng, những người thừa kế trong gia đình phải có năng lực xử lý mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ với các nhà quản lý chuyên nghiệp trong việc ra quyết định kinh doanh.
Tổng hợp
Nhịp sống thị trường