Bí quyết dạy con tính kỷ luật của người Nhật: Cách trẻ cư xử phụ thuộc vào phản ứng của cha mẹ, đừng bao giờ khiển trách, trừng phạt con ở chỗ đông người
Kate Lewis, nhà văn tự do người Mỹ hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã chia sẻ những trải nghiệm thú vị của bản thân về cách rèn luyện tính tự lập cho trẻ của người Nhật mà cô đã chứng kiến.
- 03-10-2018Bố mẹ chẳng cần làm gì nhiều, chỉ dạy con được 3 điều này thì dù đứa nào nhút nhát cũng sẽ trở nên tài giỏi hơn người
- 26-09-2018Không muốn biến con thành người chỉ biết “há miệng chờ sung”, cha mẹ nhất định phải dạy con 4 bài học này
Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất của tôi khi mới chuyển đến Nhật Bản là trẻ con ở đây có tính kỷ luật bẩm sinh. Tôi hình dung ra những đứa bé nhỏ xíu nhưng tự động nghe lời bố mẹ một cách tuyệt đối, lặng lẽ tuân thủ các quy tắc một cách chính xác từ khi mới chào đời.
Chuyến đi đầu tiên của chúng tôi trên tàu điện dường như đang chứng thực điều ấy. Những đứa trẻ thậm chí chưa đầy 2 tuổi ngồi ngoan ngoãn và trật tự trên ghế tàu trong khi con tôi bắt đầu nhảy nhót, làm trò và biến các hành khách trên tàu trở thành… khán giả. May mắn là dường như những người đi tàu không bận tâm lắm đến trò đùa của trẻ con. Trong khi tôi thì thầm những lời khiển trách với cậu con trai thì các bà mẹ Nhật lại toát ra vẻ bình tĩnh khi con cái họ chịu ngồi ngoan ngoãn bên cạnh.
Con trai tôi không hề cư xử khiếm nhã hay sai trái. Đó chỉ đơn giản là một sự khác biệt rõ ràng trong văn hóa giữa cách một đứa trẻ Mỹ thể hiện và cách những đứa trẻ Nhật Bản đồng trang lứa được dạy dỗ. Tôi bắt đầu tự hỏi, người Nhật đã rèn luyện tính tự lập cho con cái của họ như thế nào? Làm sao để đưa những đứa trẻ vào khuôn khổ với những hành vi chuẩn mực ngay từ bé?
Tôi không phải là người mẹ Mỹ duy nhất tự hỏi mình câu hỏi này. Tìm kiếm một đứa trẻ Nhật Bản cư xử không tốt đã trở thành một thói quen của những người bà mẹ quốc tế như tôi bất cứ khi nào chúng tôi đưa con đến công viên và viện bảo tàng. Nếu bắt gặp một đứa trẻ đang giận dữ, chúng tôi liền thở phào nhẹ nhõm. Không chỉ riêng con cái của chúng tôi mới cư xử như thế. Tuy nhiên, bố mẹ Nhật dường như không can thiệp gì cả. Đứa trẻ sẽ ngồi trên mặt đất, khóc và la hét ở sân chơi hoặc công viên, và bố mẹ dường như không mấy quan tâm.
Cách ứng xử với những đứa trẻ bướng bỉnh
Trong một lần giận dữ của con trai tôi khi sắp lên tàu điện tuyến Yamonote Line xuất phát từ Shinjuku để về nhà, tôi đã hoàn toàn bất lực. Cậu con trai bướng bỉnh không chịu đi chỉ vì không muốn về nhà bằng xe điện. Tôi không có cách gì kiềm chế được sự cáu kỉnh vô lý của thằng bé bởi đang bận ôm con gái nhỏ. Nó cố gắng tìm cách rời tàu trước khi tàu chuyển bánh. Tôi chỉ có thể thì thầm lời xin lỗi với những hành khách trên tàu phải chịu đựng cảnh này. Vào lúc đó, tôi chỉ ước có ai đó can thiệp bởi hoàn toàn bất lực khi muốn ép con vào kỷ luật.
Sau này, tôi có tâm sự với cô giáo dạy tiếng Nhật về câu chuyện ở trên, có đề cập đến một cụm từ tiếng Anh mô tả độ tuổi ẩm ương của trẻ: "the terrible two's". Cô gật đầu và cười: "Chúng tôi gọi đó là ma no nisai. Độ tuổi quái quỷ". Tuy nhiên, khi tôi hỏi người Nhật làm cách nào để xử lý hành vi của trẻ ở độ tuổi đó, cô chỉ mỉm cười đầy bí ẩn.
Nghệ thuật Shitsuke (kỷ luật)
Một ngày nọ, tôi vô tình phát hiện lý do tại sao mình chưa bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ Nhật Bản bị phạt. Hôm đó, trên một chuyến tàu khác, một đứa trẻ cũng bướng bỉnh và nhất quyết không chịu về nhà như con trai tôi lần trước. Người bố nhanh chóng kéo cả nhà ra khỏi tàu. Khi cánh cửa đóng lại và đoàn tàu bắt đầu chạy, tôi thấy anh ngồi xuống cạnh con trai giữa sân ga vắng vẻ và bắt đầu la mắng.
Trong khi tôi cố gắng tập trung vào việc ngăn chặn những hành vi xấu của con, thì các bậc cha mẹ Nhật Bản dường như lúc nào cũng kiên nhẫn chờ đợi đến thời điểm riêng tư để thảo luận. Tôi bắt đầu nhận thấy điều này ở khắp mọi nơi - cha mẹ cúi xuống phía sau các cột trụ trong nhà ga xe lửa, ở rìa công viên hay trong xe hơi – và khi đó họ mới bắt đầu trò chuyện với con cái.
Bên cạnh giữ thể diện cho trẻ, dạy con chốn riêng tư cũng là cách phụ huynh giữ thể diện cho mình. Ở Nhật Bản, kỷ luật được gọi là shitsuke - từ này cũng thường dùng với nghĩa là giáo dục hay nuôi dưỡng. Bố mẹ chính là tấm gương để con trẻ noi theo. Và trong trường hợp của tôi, nói chuyện riêng với con chắc chắn sẽ hiệu quả hơn là giận dữ và quát mắng giữa một chuyến tàu đông đúc.
Khiển trách hành vi chứ không trừng phạt trẻ
Một gia đình ở Hokkaido, Nhật Bản đã gây ra một cuộc tranh luận mang tính quốc tế sau khi đuổi đứa con 7 tuổi khỏi ô tô vì những hành vi sai trái. Họ lái xe đi và khi quay trở lại, cậu bé đã biến mất. Họ may mắn tìm được con sau vài ngày, nhưng các nhà tâm lý trẻ em trên toàn thế giới đồng ý rằng chỉ nên trừng phạt hành vi chứ không nên trừng phạt trẻ.
Điều quan trọng hơn là chúng ta nên dạy trẻ bằng cách làm gương cho chúng. Thông qua những hành động phù hợp của người lớn được lặp đi lặp lại, đứa trẻ sẽ ghi nhớ và tự điều chỉnh hành vi của mình.
Như khi đến thăm trường mẫu giáo (yochien) của con trai, tôi nhìn thấy những đứa trẻ sinh hoạt theo một lịch trình nghiêm ngặt, lặp đi lặp lại các bài hát, trò chơi, hành vi lịch sự như xếp giày gọn gàng và ngồi ngay ngắn, cho đến khi tất cả trở thành thói quen.
Savvytokyo