MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Nguyễn Xuân Anh: "Đừng tiếc tiền cho môi trường mà đánh mất biển Đà Nẵng"

09-03-2017 - 16:18 PM | Xã hội

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không ngại ngần đi vào cống thoát để kiểm tra việc nước thải chảy tràn ra ngoài khiến bãi biển bị xé toạc.

Sáng 9/3, ông Nguyễn Xuân Anh , Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cùng lãnh đạo các Sở Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp phát triển nông thôn đã đi thị sát, kiểm tra tình trạng sạt lở tại biển Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Tình trạng bãi biển Mỹ Khê kéo dài từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn bị xâm thực mạnh từ Tết Nguyên đán đến nay. Nhiều đoạn nước lấn sâu vào đất liền tạo nên các ao xoáy, cây cối bị bật lòi rễ. Nhiều đoạn bờ biển bị sóng ngoạm vào đất liền đến hơn 20m.

Sóng biển còn cuốn cả vật dụng kinh doanh của các điểm phục vụ du khách. Đây là lần đầu tiên biển Đà Nẵng bị xâm thực mạnh gây sạt lở như vậy.

Biển Đà Nẵng đang bị xâm thực mạnh.
Biển Đà Nẵng đang bị xâm thực mạnh.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng cho biết nguyên nhân của hiện tượng sạt lở là do các yếu tố tự nhiên.

Theo đánh giá của Sở, hiện tượng bờ biển sạt lở đều diễn ra hàng năm nhưng hiện nay bị nặng là do dòng chảy theo mùa thay đổi bất thường, do dòng Rip (dòng nước chảy rút xa bờ) và địa hình đáy biển không đồng nhất.

"Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên không phải do ảnh hưởng của các công trình xây dựng. Khu vực biển này không có bất cứ công trình nào. Vị trí này bị sạt lở thì vị trí khác bị bồi lấp", ông Nam báo cáo với bí thư Nguyễn Xuân Anh.

Ông Nam cũng cho biết hiện có nhiều cống xả nước từ khu vực dân cư ra biển Đà Nẵng đang bị quá tải khi có mưa. Nước mưa chảy tràn ra ngoài khiến bờ biển bị xé toạc tạo thành từng dòng chảy rất mất mỹ quan.

Ông Mai Mã, Giám đốc công ty xử lý nước thải Đà Nẵng, cho hay có 5 cống xả thải chảy ra biển.

"Nước chảy tràn ra ngoài mỗi lần mưa khiến gần 5.000 khối cát trôi xuống biển. Công nhân sau đó phải dùng máy ủi cát để lấp lại nên rất tốn kém.

Tôi đề xuất thành phố cho mua thêm 5 máy bơm mới để bơm nước về khu xử lý tập trung. Thành phố cũng cần nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát nước ngầm ra biển, không để nước chảy tràn ra bãi biển như hiện nay.

Chi phí cho dự án này hết khoảng 20 đến 25 tỉ đồng nhưng đảm bảo an toàn lâu dài cho biển Đà Nẵng", ông Mã nói.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh kiểm tra hiện trường biển Đà Nẵng bị sạt lở
Bí thư Nguyễn Xuân Anh kiểm tra hiện trường biển Đà Nẵng bị sạt lở

Ông Nguyễn Xuân Anh cho hay vấn đề không nằm ở kinh phí, nếu dự án trên có hiệu quả thì cần triển khai ngay.

"Đừng tiếc tiền cho môi trường mà đánh mất biển Đà Nẵng. Các đồng chí cần nghiên cứu nhanh để thực hiện ngay. Biển đang sạt lở cũng cần theo dõi liên tục và có cách khắc phục.

Đà Nẵng sắp bước vào mùa trọng điểm du lịch. Khách các nơi đến tắm biển mà thấy biển bị xói lở, xâm thực như vậy là mất hình ảnh lắm. Mấy cái cống này nước mưa tràn ra ngoài thì ít nhiều cũng gây ngứa, bẩn nước biển", bí thư Xuân Anh nói.

Ông Nguyễn Xuân Anh kiểm tra cống xả nước thải gây xói lở biển Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Anh kiểm tra cống xả nước thải gây xói lở biển Đà Nẵng.

Bí thư Đà Nẵng cũng cho rằng biển Đà Nẵng đang vô cùng đơn điệu, không có sức sống, chưa tạo được thiện cảm với du khách.

"Mấy anh nhìn đi, chỉ có mấy cây dừa lèo tèo. Các anh cần xem xét coi trồng cây gì để tạo bóng mát cho khách nghỉ ngơi.

Vừa rồi thành phố cử người đi Trung Quốc học nước họ việc trồng cây tạo cảnh quan rồi. Học hết cơm gạo thì về áp dụng cho địa phương mình chứ.

Các anh hãy coi biển Đà Nẵng như cái sân nhà mình, chăm sóc như chăm sóc ngôi nhà mình mới đẹp lên được", ông Xuân Anh nhấn mạnh.

Theo Đình Thức

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên