MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Nguyễn Xuân Anh: Tầm nhìn mới của Đà Nẵng sau 20 năm cất cánh

28-12-2016 - 10:33 AM | Xã hội

Sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với những thay đổi nhanh chóng mang tính bước ngoặt, TP. Đà Nẵng tiếp tục hướng tới những mục tiêu lớn bằng 6 giải pháp mũi nhọn để đưa Thành phố vào danh sách những đô thị lớn của cả nước.

Nhân dịp TP. Đà Nẵng kỷ niệm 20 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1996-2016), Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã dành cho phóng viên Báo điện tử Chính phủ thường trú miền Trung -Tây Nguyên cuộc phỏng vấn về thành tựu đạt được cũng như quyết tâm phát triển của thành phố biển này.

Quyết định “cởi trói” cho Đà Nẵng

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, cách đây 20 năm (1996), Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Xin ông đánh giá về sự kiện này?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Đây là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử phát triển của Đà Nẵng.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Với mong muốn phát triển xứng đáng với vị trí, tiềm năng của Đà Nẵng, năm 1989, tại Đại hội Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ IV (lúc đó còn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) đã thống nhất kiến nghị với Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cần có một cơ chế hợp lý cho Đà Nẵng vì Thành phố không thể bứt phá khi còn nằm trong cơ chế cũ (chỉ tương đương cấp huyện).

Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã chính thức thảo luận và đề nghị Trung ương tách Đà Nẵng thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để tiến hành chia tách tỉnh sau này.

Năm 1996, tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quang Được đã nêu vấn đề “tìm cơ chế phù hợp hơn để không kìm hãm và nâng cấp Đà Nẵng đang là một yêu cầu khách quan bức xúc”.

Sau khi xem xét đề nghị chia tách Đà Nẵng từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp lãnh đạo Trung ương ủng hộ đề xuất này. Tại kỳ họp lần thứ 10 (từ ngày 15/10 đến 12/11/1996), Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó tách tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Với cơ chế, chính sách cho một thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã được “khoác lên mình một chiếc áo” phù hợp hơn, tạo sức bật cho sự phát triển một cách mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực như 20 năm vừa qua.


Cầu sông Hàn - một biểu tượng của TP. Đà Nẵng hiện đại. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Cầu sông Hàn - một biểu tượng của TP. Đà Nẵng hiện đại. Ảnh: VGP/Minh Hùng

5 thành tựu lớn

Dù mới qua một chặng đường không dài, chỉ 20 năm, Đà Nẵng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Vậy những nét nổi bật của thành tựu đó là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Tôi xin khái quát những điểm nổi bật về thành tựu của Đà Nẵng thời gian qua.

Thứ nhất, Thành phố đã thực hiện công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị một cách mạnh mẽ như một “đại công trường”, với hơn 110.000 hộ dân đồng thuận di dời, giải tỏa. Cùng với quyết tâm cao và sự đồng thuận xã hội rộng rãi, thành phố đã có cách làm mới về huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là chủ trương “khai thác quỹ đất, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng”, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo sức bật mới cho Đà Nẵng đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ.

Không gian đô thị không ngừng được mở rộng, từ chỗ diện tích vùng nội ô chật hẹp đã mở rộng đến 21.300 ha, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997; từ chỗ chỉ có 360 đường phố, thì hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường; những khu dân cư mới, khang trang với cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại, cùng với nhiều dịch vụ tiện ích cơ bản đã thay thế những xóm làng cũ kỹ, lạc hậu.

Với quan điểm phát triển hạ tầng giao thông làm khâu đột phá, đi trước một bước trong tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật đô thị, Đà Nẵng đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến đường huyết mạch, hàng chục cây cầu mới kết nối đồng bộ đô thị và nhiều công trình trọng điểm khác. Thành phố tổ chức kiến thiết đô thị một cách táo bạo, quyết liệt và có tầm nhìn, nhất là chủ trương “mở rộng bờ sông, kéo dài bờ biển” đã làm bộ mặt thành phố thay đổi rõ nét, theo hướng hiện đại, khang trang, đẹp đẽ với biển là mặt tiền thoáng đãng, đôi bờ sông Hàn ngày một thơ mộng hơn cùng những công trình kiến trúc hiện đại, độc đáo.

Thứ hai, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2015, tổng thu nhập bình quân đầu người ước đạt 3.059 USD, tăng khoảng 7 lần so với năm 1997. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 18.227 tỷ đồng so với 1.164,4 tỷ đồng so với năm 1997, tổng vốn đầu tư phát triển ước đạt 34.275 tỷ đồng so với 1.625 tỷ đồng năm 1997… Dịch vụ phát triển mạnh mẽ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại. Giá trị sản xuất dịch vụ ước tăng 12,1%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 16,8%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%/năm.

Du lịch phát triển nhanh, từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2011-2016, tổng lượt khách đến Đà Nẵng ước đạt 21,9 triệu người, tăng 20,1%/năm, trong đó khách quốc tế ước 5,6 triệu lượt, tăng 25,5%/năm; doanh thu từ du lịch tăng 30,6%/năm, năm 2016 ước đạt 15.979 tỷ đồng.

Thứ ba, Đà Nẵng đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Năm 1997, thành phố có 18,67% nhà ở là nhà tranh tre, vách đất... thì đến nay, hầu như không còn những ngôi nhà loại này. Ngành y tế được đầu tư mở rộng cả quy mô và chất lượng, nhiều bệnh viện được xây dựng mới khang trang, hiện đại với số giường bệnh tăng gấp 3 lần so với năm 1997, chất lượng khám chữa bệnh tốt với nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; nhiều trường đại học trong và ngoài công lập, kể cả các trường đại học quốc tế được hình thành cùng với hệ thống trường cao đẳng và dạy nghề đang dần đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm đào tạo nhân lực quan trọng.

Các chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có” và gần đây là Đề án thực hiện “Thành phố 4 an” giàu tính nhân văn được ban hành và thực hiện tích cực. Nhờ vậy, chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn đứng vị trí cao so với cả nước trong những năm gần đây.

Thứ tư, thành phố đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nền hành chính được xây dựng hiện đại, theo hướng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thứ năm, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo, không để bị động bất ngờ. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì và triển khai sâu rộng cùng với hoạt động tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Nhờ đó, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn được bảo đảm.

Thưa ông, vậy những nhân tố nào để Đà Nẵng nhanh chóng trở thành điểm sáng trong quá trình chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội trong 20 năm qua?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Kết quả đạt được của Đà Nẵng là tổng hòa của nhiều nhân tố, đó là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được tăng cường; tinh thần gắn bó với dân, trọng dân, hiểu dân, lo cho dân của cả hệ thống chính trị được thực thi nghiêm túc và thiết thực. Bên cạnh đó là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo thành phố, bằng cách làm mới, nhiều sáng tạo; là sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động của HĐND, Mặt trận, đoàn thể với các cơ quan chính quyền đã tạo đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Thành phố đã kế thừa, phát huy kinh nghiệm tích luỹ từ các thời kỳ trước; bằng sự nỗ lực không ngừng, sáng tạo, linh hoạt, đoàn kết một lòng của nhân dân; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của các địa phương bạn, nhất là của tỉnh Quảng Nam cùng bạn bè quốc tế đã giúp Đà Nẵng phát triển như hiện nay.

Trong những nhân tố trên, nổi bật chính là sức mạnh đoàn kết trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân khi “Đảng nói dân tin - Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo - chính quyền làm dân ủng hộ”, qua đó khích lệ, cổ vũ mọi người đóng góp tài sức vào công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố, tạo nên thương hiệu “Người Đà Nẵng”, “Đà Nẵng tình người”, “Thành phố của những sự kiện”…


Khu dân cư mới Vũng Thùng. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Khu dân cư mới Vũng Thùng. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Tập trung 6 mũi nhọn

Vậy trong những năm tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào những mũi nhọn nào để “trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại…” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI đề ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Để thực hiện được mục tiêu trên, những năm tới, bên cạnh tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, Đà Nẵng quyết tâm khắc phục hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và dự báo tình hình sắp tới để có chủ trương phù hợp, tìm ra các động lực mới để xây dựng và phát triển… Trong đó, thành phố tập trung thực hiện 6 nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư. Tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Thông báo 363/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về xây dựng và phát triển Đà Nẵng, trọng tâm là xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố. Tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế, Đề án phát triển doanh nghiệp gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai Đề án thu hút đầu tư, Đề án phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tập trung thực hiện đột phá về phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả tăng trưởng trên các ngành, lĩnh vực. Thực hiện tốt Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch. Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết hoạt động thương mại với du lịch, đầu tư; quy hoạch, khuyến khích hình thành các trung tâm mua sắm, ẩm thực, chợ đêm, khu vui chơi giải trí tập trung quy mô lớn, cửa hàng miễn thuế khu vực trung tâm Thành phố.

Tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; quy hoạch chi tiết trung tâm nghề cá lớn và cảng cá động lực tại Đà Nẵng. Thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh, môi trường và thông minh hơn. Triển khai và quản lý thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc, môi trường đô thị thành phố. Phát triển không gian đô thị thành phố theo hướng mở rộng không gian đô thị về phía Tây, Tây Nam, Nam Thành phố, có quy mô thích hợp, có phân khu chức năng hợp lý, quy hoạch các trung tâm chuyên ngành, tạo nền tảng hình thành đô thị hiện đại, gắn với quy hoạch không gian ngầm, phát triển giao thông thông minh, hiện đại. Đẩy nhanh xây dựng các công trình trọng điểm, các công trình hoàn thiện, khớp nối hạ tầng thiết yếu, xử lý nước thải, xử lý môi trường; nghiên cứu đầu tư xây dựng thành phố thông minh. Có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; đầu tư cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị, dân cư cũ, xuống cấp gắn với khớp nối hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị cũ và mới.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Tạo chuyển biến thực sự trên các lĩnh vực quản lý trật tự, mỹ quan đô thị, trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường…

Thứ tư, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Đề án chương trình thành phố “4 an”, gắn với các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”; tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung đấu tranh trấn áp, kiềm chế các loại tội phạm; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra, khuyến khích đầu tư và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, gắn với chương trình thành phố “5 không”, “3 có”. Triển khai đồng bộ Đề án giảm nghèo; thực hiện tốt các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội…


Khu đô thị biển Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Khu đô thị biển Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Thứ năm, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2020, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tuyến cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế chất lượng cao; giảm quá tải bệnh viện và kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, đấu tranh khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Xin trân trọng cảm ơn Bí thư Thành ủy!

Theo Minh Hùng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên