Biến cố Vạn Gia Long và những khoản cho vay cá nhân lớn của DLG
DLG có các khoản phải thu hàng trăm tỷ đồng với Vạn Gia Long.
‘Biến cố’ Vạn Gia Long
Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến kết luận cuộc họp giải quyết về kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại Dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM.
Dự án Dragon Court còn có tên là Dự án Đức Long Golden Land hoặc Sunshine Apartment do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này là thành viên của Đức Long Gia Lai Land - công ty được đầu tư bởi Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG).
Theo văn bản, Phó chủ tịch UBND TP HCM đề nghị giao Thanh tra thành phố chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc có liên quan đến dự án Đức Long Golden Land sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM để điều tra hoặc làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Chưa có kết quả điều tra nhưng việc này có thể ảnh hưởng đến đầu tư của Vạn Gia Long và cũng có những liên quan đến DLG khi tập đoàn này hiện có hàng trăm tỷ đồng giao dịch liên quan tới Vạn Gia Long.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, DLG có khoản phải thu dài hạn khác 300 tỷ đồng đối với Vạn Gia Long. Đây là khoản góp vốn của Đức Long Gia Lai Land cùng Vạn Gia Long để thực hiện dự án Căn hộ cao cấp Sunshine Apartment theo hợp đồng ngày 10/5/2016. Thời gian hợp tác 3 năm và lợi nhuận được phân chia theo tỷ lệ vốn đầu tư của các bên.
Bên cạnh đó, trong khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng, DLG cũng có khoản phải thu 20,9 tỷ đồng đối với Vạn Gia Long. Đây là khoản phát sinh mới trong năm nay.
Một khoản phát sinh mới khác liên quan đến Vạn Gia Long là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn gần 3 tỷ đồng. Cùng với đó, DLG cũng phải thu về lãi cho vay ngắn hạn hơn 1 tỷ đồng từ Vạn Gia Long. Ngoài ra, DLG có thêm khoản phải thu về cho vay dài hạn với Vạn Gia Long là gần 9,5 tỷ đồng.
Như vậy tính đến 30/9, tổng các khoản phải thu cả ngắn hạn và dài hạn từ Vạn Gia Long là hơn 333 tỷ đồng.
Những khoản cho vay mượn cá nhân lớn
Ngoài các khoản cho vay đối với các tổ chức, DLG còn có nhiều giao dịch cho vay mượn với các cá nhân với giá trị lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trong nhóm cho vay mượn ngắn hạn, tổng giá trị cho vay đối với các cá nhân hơn 442 tỷ đồng. Trong đó một số cá nhân vay mượn lượng tiền lớn trên 50 tỷ đồng như Hồ Thị Mỹ Trinh, Nguyễn Tân Tiến, Nguyễn Thị Anh Thư...
Tính đến 30/9, khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn của DLG là 1.318 tỷ đồng, chiếm 34% tài sản ngắn hạn. Riêng các cá nhân đã vay trên 440 tỷ, chiếm 11% tài sản ngắn hạn.
DLG cho các cá nhân vay mượn hàng trăm tỷ đồng.
Đối với các khoản cho vay dài hạn, các cá nhân cũng vay mượn của Tập đoàn con số trên 385 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Tấn Đạt vay đến 211 tỷ đồng, Nguyễn Thanh Tâm vay 80 tỷ đồng…
Tài sản dài hạn của DLG tính đến 30/9 đạt gần 4.500 tỷ đồng, riêng các cá nhân đã vay 385 tỷ đồng chiếm gần 9% tài sản dài hạn của công ty.
Giá cổ phiếu giảm phân nửa
Về hoạt động kinh doanh, doanh thu 9 tháng của DLG tăng nhẹ lên mức 2.113 tỷ đồng. Dù vậy, gánh nặng chi phí lãi vay lớn (244 tỷ đồng) khiến lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ bằng phân nửa cùng kỳ, đạt 33,5 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu của DLG cũng có sự khác biệt. Không phải mảng bất động sản, bến xe, gỗ hay phân bón, mà bán linh kiện điện tử mới là mảng đem về doanh thu lớn nhất cho tập đoàn này.
Mảng linh kiện điện tử trong quý III đóng góp gần 519 tỷ đồng vào doanh thu của DLG, tương đương khoảng 67% nguồn thu của công ty. Trong số 9 công ty con của DLG, chỉ có 1 đơn vị liên quan đến sản xuất linh kiện điện tử là công ty Mass Noble Investments Limited, có trụ sở chính tại British Virgin Islands, một trong những thiên đường thuế trên thế giới. Vốn điều lệ của Mass Noble là 14,58 triệu USD, tương đương 340 tỷ đồng.
Với đà giảm của kết quả kinh doanh cùng việc liên quan đến Vạn Gia Long, giá cổ phiếu DLG trên thị trường đã sụt giảm mạnh từ đầu năm với mức giảm 48%. Giá cổ phiếu hiện chốt phiên 7/12 tại 1.850 đồng/cp.
NDH