MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Biến thể Omicron xuất hiện như lời nhắc ‘đại dịch còn lâu mới kết thúc’ và đẩy thế giới vào cuộc chạy đua với thời gian

29-11-2021 - 11:24 AM | Tài chính quốc tế

Biến thể Omicron xuất hiện như lời nhắc ‘đại dịch còn lâu mới kết thúc’ và đẩy thế giới vào cuộc chạy đua với thời gian

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết rằng thế giới đang trong cuộc "chạy đua với thời gian" trước sự xuất hiện của biến thể Omicron. Các nhà khoa học và nhà sản xuất sẽ cần nhiều tuần để tìm hiểu đầy đủ về biến thể mới này.

Khi có thêm nhiều ca ghi nhận nhiễm biến thể Omicron, các chính phủ trên khắp thế giới huy động để đối phó với biến thể mới. Bộ trưởng Y tế các quốc gia G7 có cuộc họp khẩn vào ngày 29/11. Các quốc gia cũng sẽ bắt đầu áp dụng các quy định về y tế công cộng mới.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện bởi các nhà khoa học Nam Phi. Ngày 25/11, họ đã đưa ra cảnh báo về số đột biến cao bất thường của biến thể mới. Kể từ đó, hàng chục trường hợp xác nhận mắc biến thể mới trên toàn thế giới. Ngoài Nam Phi, biến thể đã được tìm thấy ở Botswana, Bỉ, Canada, Australia, Hà Lan, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Đức, Israel, Italia, Cộng hòa Séc và Hồng Kông.

Giáo sư thống kê sinh học Sheila Bird cho rằng tình hình hiện tại nên được nhìn nhận là "đáng cảnh giác" thay vì "đáng báo động" cho đến khi biết thêm nhiều thông tin hơn.

Biến thể "cần quan tâm"

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể Omicron (B.1.1.529) là một "biến thể cần quan tâm".

WHO hôm 26/11 cho biết các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm và một số đột biến phát hiện trên biến thể mới rất đáng lo ngại.

Song, WHO nhấn mạnh rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác định xem liệu biến thể này có dễ lây lan hơn hay không, liệu nó có gây ra bệnh nặng hơn và liệu nó có thể tránh vắc xin hay không.

Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên môn về Covid-19 của WHO, tuyên bố hôm 26/11 rằng: "Biến thể này có một số lượng lớn các đột biến và một số đột biến có các đặc điểm đáng lo ngại". Bà cho biết thêm rằng các nghiên cứu đang được tiền hành. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cần thêm thời gian để tìm hiểu và WHO sẽ cung cấp thông tin mới sớm nhất có thể.

Lệnh cấm đi lại và các yêu cầu cách ly mới

Omicron xuất hiện và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới là một lời nhắc nhở không mấy dễ chịu rằng: Đại dịch còn lâu mới kết thúc.

Một số quốc gia như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Canada, Rwanda đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Nam Phi. Nhiều quốc gia khác cấm du khách đến từ các quốc gia bao gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

Nhưng Nam Phi và một số quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm đi lại lên tiếng cho rằng đây là sự phân biệt đối xử vô căn cứ.

"Những hạn chế này là phi lý và phân biệt đối xử bất công đối với đất nước của chúng tôi và các quốc gia láng giềng ở Nam Phi của chúng tôi. Lệnh cấm đi lại không được các khoa học xác minh, cũng như sẽ không có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Điều duy nhất lệnh cấm đi lại tạo ra chính là gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế của các nước bị ảnh hưởng và làm suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi của họ sau đại dịch", Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu hôm 28/11.

Tổng thống Lazarus Chakwera của Malawi cũng chỉ trích các lệnh cấm đi lại. Ông nói rằng chúng "không cần thiết" vì các biện pháp đưa ra phải dựa trên các cơ sở khoa học, chứ không phải chứng sợ người da đen Afrophobia.

Nhiều chuyên gia cho biết các nhà khoa học Nam Phi xứng đáng được khen ngợi vì khả năng nhanh chóng xác định các rủi ro bắt nguồn từ biến thể mới.

Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, khẳng định: "Nam Phi có năng lực và khả năng giải trình tự gen rất, rất tốt... chắc chắn Nam Phi và bất kỳ quốc gia nào khác không nên bị kỳ thị vì đã báo cáo và đã làm đúng". Tuy nhiên, Head nói rằng lệnh cấm đi lại, nếu được áp dụng đúng cách, có thể đóng vai trò trong việc kiểm soát sự bùng phát.

Ông nói rằng các các quốc gia đang áp dụng hạn chế đi lại để chạy đua với thời gian, tăng tốc độ triển khai tiêm chủng. Nếu chỉ thực hiện đóng cửa biên giới và thực hiện lệnh cấm là xong thì điều này hoàn toàn không tốt cho bất kỳ quốc gia nào. Vị chuyên gia cho rằng thay vì quay lưng với các quốc gia phát hiện biến thể mới, điều các nước nên làm là hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tài chính hoặc vắc xin cho họ.

Theo CNN

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên