"Biệt đội săn virus" - Bí quyết giúp Hàn Quốc đánh bại làn sóng Covid-19 thứ hai
Hiện Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm không xác định được nguồn gốc thấp nhất thế giới – khoảng 8%, so với mức hơn 50% ở các nước mới xuất hiện làn sóng thứ hai trong thời gian gần đây.
- 27-07-2020Covid-19 tại Mỹ: “Quả bom” Florida phát nổ
- 27-07-2020Thảm cảnh của Mỹ: Hàng chục triệu người có thể bị "trục xuất" khỏi nhà, báo động nguy cơ lây COVID-19
- 26-07-2020Diễn biến dịch Covid-19 tại Nhật Bản diễn biến hết sức phức tạp
Hồi tháng 5, khi dịch Covid-19 tái bùng phát ở các câu lạc bộ đêm tại thủ đô Seoul, các quan chức y tế Hàn Quốc đã nhanh chóng triển khai một lực lượng đặc biệt gồm các nhà dịch tễ học, chuyên gia dữ liệu và các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm.
Kết quả điều tra cho thấy virus đã lây từ 1 người khách đã đến câu lạc bộ đêm sang 3 người khác, gồm 1 sinh viên, 1 tài xế taxi và đặc biệt là 1 công nhân làm việc cùng với 4.000 người khác trong kho hàng.
Ngay lập tức hàng nghìn đồng nghiệp, người thân trong gia đình và các mối tiếp xúc khác của bệnh nhân đã được tiếp cận. Chỉ từ 1 người mà 9.000 người có liên quan đã được xét nghiệm. 2 tuần sau, Hàn Quốc có thể kiểm soát ổ dịch ở kho hàng này và số ca nhiễm dừng lại ở con số 152.
Công việc kể trên của đội phản ứng tức thì cho thấy Hàn Quốc – từng là quốc gia có mức độ dịch bệnh nặng thứ hai thế giới – đã làm như thế nào để có thể khống chế dịch bệnh mà không cần đến những biện pháp phong tỏa đang làm xáo trộn cuộc sống thường ngày ở khắp nơi trên thế giới. Ở thời điểm mà các thành phố từ Los Angeles đến Melbourne và Tokyo đang oằn mình đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, cách làm của Hàn Quốc cho thấy một trong những kế hoạch ứng phó với dịch bệnh thành công ít nhất là cho đến hiện tại.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Hàn Quốc chưa từng bao giờ giảm xuống 0, nhưng trong 2 tháng qua con số chỉ nằm trong khoảng 30-60 ca sau khi đạt đỉnh hơn 800 ca hồi tháng 2. Ở Mỹ, chỉ riêng Los Angeles đã có 2.014 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ.
Chiến lược của Hàn Quốc cũng đối lập với những biện pháp phong tỏa hà khắc hơn được áp dụng ở một số tỉnh thành của Trung Quốc hay New Zealand. Theo đó quốc gia châu Á này sẽ phát hiện những điểm nóng nguy hiểm, tập trung dập dịch ở những điểm nóng này. Cuộc sống thường ngày và hoạt động kinh doanh ở những nơi không có nguy cơ sẽ tiếp tục diễn ra bình thường.
"Chúng tôi sẽ vào cuộc khi có nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng và công việc chính là tìm ra mối liên hệ giữa các ca nhiễm và ngăn dịch bùng lên", Kwon Doungkyok, lãnh đạo của Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) và là người phụ trách nhóm điều tra đặc biệt nói.
Hiện Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ ca nhiễm không xác định được nguồn gốc thấp nhất thế giới – khoảng 8%, so với mức hơn 50% ở các nước mới xuất hiện làn sóng thứ hai trong thời gian gần đây.
Chiến lược của Hàn Quốc thành công một phần là nhờ những gì nước này học được từ thực tế khủng khiếp của đợt 1 – điều mà các nước phương Tây không có. Trong tháng 2 và tháng 3, chỉ 1 ổ dịch ở nhà thờ đã gây ra hơn 14.000 ca nhiễm và gần 300 ca tử vong. Tuy nhiên kể từ đó đến nay Hàn Quốc đã ngăn chặn được làn sóng thứ hai.
KCDC có khoảng 100 chuyên viên điều tra dịch tễ, so với chỉ 2 người khi dịch MERS bùng phát năm 2015. Họ sục sạo ở mọi nơi có nguy cơ bùng dịch, từ các nhà thờ cho đến câu lạc bộ cầu lông hay câu lạc bộ xe hơi. Những nơi có nguy cơ thấp sẽ được xử lý bởi địa phương, trong khi đội phản ứng tức thì tập trung vào những nơi có nguy cơ cao.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng có những biện pháp để truy dấu vết tiếp xúc và mở rộng xét nghiệm. Ví dụ Đài Loan và Đức đã sàng lọc thành công. Tuy nhiên gần đây nhiều nước đang gặp khó khăn. Tháng này số ca nhiễm ở Melbourne (Úc) đã tăng cao kỷ lục một phần bởi vì chiến lược chống dịch không được thiết kế riêng cho nhóm người nhập cư. Ấn Độ thành công bước đầu ở khu ổ chuột Dharavi của Mumbai nhưng lại chưa thể nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Theo Jung Ki-suck, cựu giám đốc CDC và hiện là giáo sư tại ĐH Hallym, bí quyết của Hàn Quốc là khả năng điều tra dịch tễ trên từng bệnh nhân – công đoạn đóng vai trò quan trọng vì nhờ đó mà có thể khoanh vùng, giảm quy mô ổ dịch và thậm chí ngăn ca nhiễm mới xuất hiện.
Tất nhiên khó có thể nhân rộng các biện pháp của Hàn Quốc – quốc gia có khoảng 51 triệu dân – ở những quốc gia đông dân hơn. Và châu Á cũng hưởng lợi từ hệ thống camera giám sát mà người dân ở nhiều nước phương Tây khó lòng chấp nhận. Ở Hàn Quốc, để truy dấu vết tiếp xúc, các chuyên viên điều tra có thể xem lại những thước phim được camera giám sát ghi lại với thời lượng lên tới hàng trăm giờ, lục tung dữ liệu trên điện thoại di động và giao dịch thẻ tín dụng.
Hiện giờ về cơ bản Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm mới đều là ca nhập cảnh. Tuy nhiên "biệt đội săn virus" biết rằng dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào. "Những ổ dịch lớn mà chúng tôi từng chứng kiến xuất hiện chỉ trong nháy mắt. Chỉ cần bỏ qua 1 liên kết nhỏ hoặc 1 chi tiết rất nhỏ, làn sóng lây nhiễm có thể nhanh chóng quay trở lại ngay lập tức", Kwon nói. Thế giới đang chứng kiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thủ đô tài chính châu Á – Hồng Kông – đã sạch bóng virus trong vài tháng nhưng đột ngột bị tấn công trở lại.