MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Big Bang II: London còn lại gì sau Brexit

04-09-2016 - 07:59 AM | Tài chính quốc tế

Sự kiện các cử tri bỏ phiếu chọn rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit) vừa qua khiến trung tâm tài chính London (City of London) bị xáo trộn. Tuy nhiên chính hoàn cảnh khắc nghiệt lại tạo ra một cuộc cách mạng khiến the City buộc phải tự làm mới mình.

Đó là một buổi sáng mùa đông lạnh giá của những năm 1970. David Mayhew đang đi lại như con thoi trên những con phố của the City. Nhiệm vụ của ông là gì? Chặn đứng đà lao một cơn khủng hoảng trên thị trường tài chính. NHTW Anh yêu cầu sự hỗ trợ của Mayhew cùng một số nhà môi giới nổi tiếng khác.

Nhóm đặc biệt này kêu gọi các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí đang sở hữu các cổ phiếu blue-chip trên TTCK Anh mua thêm cổ phiếu để hỗ trợ thị trường. Nhờ động thái này, giá cả đã dần dần bình phục và đảm bảo sự ổn định của cả hệ thống tài chính. Dù có mục đích tốt, ngày nay những hành động kiểu như vậy sẽ bị cho là phạm luật.

Cảnh tượng một vài nhà đầu tư cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn có thể điều khiển cả thị trường đã không còn nữa. Từ năm 1983, Thủ tướng Margaret Thatcher bắt đầu quá trình cải tổ thị trường tài chính Anh và gieo mầm cho bộ dạng mới của the City.

Được thông qua ngày 27/10/1986, cuộc cải tổ ấy được đặt tên là “Big Bang” – nhằm thể hiện những tác động lớn lao đến the City giống như vụ nổ đã tạo nên vũ trụ. Cũng chính sự kiện này đã dọn đường để London trở thành trung tâm tài chính của thế giới.

30 năm sau, the City đang đứng trước một vụ nổ Big Bang khác. Thị trường tài chính vẫn đang hồi hộp đón đợi những ảnh hưởng mà Brexit mang lại. Ngân hàng và tài chính đóng góp vào nền kinh tế Anh nhiều hơn bất cứ ngành nào khác. Khoảng 35% hoạt động dịch vụ tài chính bán buôn và 59% phí bảo hiểm của EU diễn ra ở London, giúp Anh có thặng dư thương mại 72 tỷ USD với EU trong năm 2014.

Mặc dù lao động nhập cư là một trong những nguyên nhân chính khiến người Anh quyết dứt áo ra đi, gần 11% trong tổng số 360.000 lao động của the City đến từ các nước châu Âu. Là thành viên của EU mang lại cho Anh hai lợi ích quan trọng: nguồn lao động chất lượng cao và hàng hóa Anh có thể tự do thâm nhập thị trường EU. Cả hai lợi ích này đang bị đe dọa.

Trong nguy có cơ

Tuy nhiên Pierre – Henri Flamand, chuyên gia đến từ quỹ đầu cơ GLG Partners, nhận định cũng có thể sự kiện này sẽ trở thành một vụ nổ Big Bang nữa trong mối quan hệ giữa Anh với thế giới. Brexit có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa Anh và các nước ở châu Á và châu Phi – nơi có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.

Giống như Flamand, một số tiếng nói ở the City đang vẽ ra một tương lai tươi sáng. Họ không tập trung vào việc xóa bỏ trật tự cũ mà vào viễn cảnh tự do mà việc rời khỏi EU mang lại.

Những định chế tài chính nước ngoài như Goldman Sachs, Citigroup và JPMorgan Chase hiện đang xem xét lại hoạt động ở nước Anh, và những thành phố vẫn ao ước có được vị trí của London như Paris, Frankfurt và Warsaw thì đang đưa ra những lời chào mời hấp dẫn để cướp công ăn việc làm của London.

Tuy nhiên, dù điều này đe dọa vị thế của London, hoàn cảnh hiện nay cũng giống với vụ nổ Big Bang của những năm 1980. Một chân trời mới sẽ mở ra, và chính London sẽ tự quyết định vận mệnh của mình.

Thời gian sẽ đem đến cho chúng ta câu trả lời, bây giờ hãy cùng nhìn lại London của ngày nay.

1986 – 2016: Sàn chứng khoán London (LSE)

Năm 1986, trung bình mỗi ngày có 20.000 chứng khoán được giao dịch trên LSE. Giờ đây con số là 990.000

Năm 1986, khối lượng giao dịch mỗi ngày là 700 triệu bảng. Con số của năm 2016 là 5,07 tỷ bảng.

Các nhà hoạch định chính sách vẫn luôn có quyền lực rất lớn trong thế giới tài chính. Thậm chí cho đến ngày nay các chính sách của Thatcher vẫn còn ảnh hưởng lên the City. Vì chính sách xóa bỏ những rào cản chắn giữa dịch vụ ngân hàng, tư vấn đầu tư và giao dịch chứng khoán năm 1986, gần như toàn bộ các định chế tài chính ở the City – từ SG Warburg và Schroders đến Morgan Grenfell và Cazenove – đều bị các ngân hàng lớn của phố Wall hay của châu Âu nuốt trọn.

Trong số những cái tên nổi tiếng của những năm 1980, chỉ còn Lazard và Rothschild còn tồn tại. UBS, Citigroup, Deutsche Bank và JPMorgan dẫn đầu làn sóng thâu tóm, phổ cập mô hình ngân hàng Mỹ đến the City.

Theo Sir Simon Robertson, cựu Chủ tịch của Goldman Sachs ở châu Âu, the City đặc biệt thành công là vì đó là nơi mà người nước ngoài có thể tự do hoạt động. Nhờ mức độ quốc tế hóa cao mà the City thu hút được các ngân hàng đầu tư Mỹ và các cấu trúc tài chính cũng phát triển ngày càng phức tạp hơn. Sàn LSE biến đổi từ những phương thức giao dịch thô sơ truyền miệng sang hệ thống giao dịch điện tử.

Lord Sterling – cố vấn cấp cao của Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh, nhớ lại cuộc trò chuyện với người lãnh đạo quá cố của Goldman Sachs là John Weinberg ở thời điểm đó. Weinberg đã rất hào hứng với những cơ hội mà người Mỹ mang lại. “Nhờ Big Bang mà chúng ta sẽ chỉ mất 5 năm để làm những thứ mà đáng ra sẽ mất 25 năm để hoàn thành”.

Thu Hương

FT

Trở lên trên