Bình Định có 5 dự án điện mặt trời nối lưới được phê duyệt, với tổng công suất 529,5 MWp
Đến cuối năm 2020, tỉnh Bình Định có 2.091 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 221,61 MWp. Trong đó có 246 hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên với tổng công suất 205 MWp.
- 21-06-2021Sẽ xử nghiêm các dự án điện mặt trời vi phạm
- 19-06-2021Giám đốc GWEC khu vực châu Á đề xuất cơ chế giá FIT mới cho điện gió để không gặp khó như điện mặt trời
- 18-06-2021Phát hiện một số tồn tại trong đầu tư xây dựng điện mặt trời
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có báo cáo về việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Theo đó, về tình hình đầu tư phát triển điện mặt trời nối lưới trên địa bàn tỉnh Bình Định, có 5 dự án điện mặt trời nối lưới đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 529,5 MWp.
Đến cuối năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đưa vào vận hành phát điện là 415,5 MWp. Hiện còn 1 dự án đang triển khai giai đoạn 2 với quy mô công suất 114 MWp.
Các dự án điện mặt trời nối lưới trên địa bàn tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng cơ bản tuân thủ đầy đủ các quy định trong các giai đoạn quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư và đưa vào vận hành theo quy định của pháp luật.
Đối với tình hình đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, để việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà đảm bảo theo quy định, Sở Công thương đã có các văn bản triển khai đến các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh về hướng dẫn thực hiện việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, tăng cường quản lý việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.
Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 2.091 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 221,61 MWp. Trong đó có 246 hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên với tổng công suất 205 MWp.
Riêng đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên các mái nhà xưởng tại các khu công nghiệp là 23 hệ thống, với tổng công suất 24,08 MWp và lắp đặt trên công trình trang trại là 63 hệ thống với tổng công suất 60,925 MWp.
Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp giảm chi phí tiền điện hàng tháng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần giảm tổn thất điện năng truyền tải, phân phối và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trên thực tế, các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh Bình Định cơ bản tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng. Các dự án điện mặt trời mái nhà đầu tư tại các khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định.
Đặc biệt, riêng đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên các mái nhà xưởng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Đồng thời, để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, hầu hết các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà đều có trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên các công trình trang trại nông nghiệp, qua kiểm tra các chủ đầu tư đã lập tờ khai kinh tế trang trại có xác nhận của UBND cấp xã theo quy định.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) trong các giai đoạn như quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư, nghiệm thu và đưa vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án điện gió đã đưa vào vận hành, đang triển khai thi công xây dựng công trình, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các sở, ban ngành liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.