MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bình yên trước cơn bão"

08-07-2016 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Giờ đây S&P 500 đang ở mức cao hơn cả trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Quan điểm đánh giá của nhà đầu tư chuyển từ “Brexit là một thảm họa” sang “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”. Nhưng sự thực thì không phải như vậy.

Cách đây 2 tuần, khi những tin tức về Brexit tràn ngập, các thị trường trên toàn cầu đồng loạt lao dốc. Chỉ trong 2 ngày chỉ số FTSE 250 của chứng khoán Anh đã mất khoảng 10% trong khi S&P 500 mất hơn 4%.

Tuy nhiên sau đó, thị trường đã nhanh chóng đảo chiều với tốc độ không hề thua kém. Giờ đây S&P 500 đang ở mức cao hơn cả trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Quan điểm đánh giá của nhà đầu tư chuyển từ “Brexit là một thảm họa” sang “Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”.

Nhưng trên thực tế thì mọi thứ có ổn không? Rất tiếc câu trả lời là không.

Về dài hạn, có quá nhiều dấu hỏi xoay quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Khi nào thì Anh chính thức ra đi? Anh sẽ ra đi theo cách nào hay thậm chí là thực sự thì Anh ra có ra đi hay không?

Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư cũng có rất nhiều thứ để lo lắng. Tất cả đều được thể hiện trên thị trường trái phiếu. Trước ngày bỏ phiếu lợi suất của các loại trái phiếu trên toàn thế giới đã ở mức siêu thấp và chúng tiếp tục lao dốc sau quyết định của các cử tri Anh.

Đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu đã hồi phục mạnh mẽ nhưng lợi suất trái phiếu thì chưa. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức thấp hơn 30 điểm cơ bản so với ngày 23/6. Lợi suất thực đã gần chạm đến mức 0. Trái phiếu Anh đang cho lợi tức bằng 0. Trái phiếu Đức, Pháp và Hà Lan cũng vậy. Lợi suất của các tài sản an toàn xuống đáy là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư bi quan về triển vọng tăng trưởng, triển vong lạm phát của nền kinh tế.

Ở Mỹ, chắc chắn là nhà đầu tư đang dự đoán lãi suất ngắn hạn sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài nữa. Thậm chí trong những ngày ngay sau Brexit, các chỉ số trên thị trường tương lai cho thấy bước đi tiếp theo của Fed sẽ là cắt giảm lãi suất. Bây giờ thì dự đoán ấy không còn nữa nhưng triển vọng nâng lãi suất trong ngắn hạn đã tan thành mây khói. Thị trường dự đoán Fed sẽ chỉ tăng lãi suất duy nhất 1 lần trong 3 năm tới.

Chính xác thì điều gì đang diễn ra? Chúng ta không thể biết được những tác động của Brexit đối với nước Anh nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, có quá nhiều nguy hiểm đang rình rập và xác suất kịch bản xấu xảy ra đang ngày càng tăng lên.

Đáng lo ngại hơn nữa, các NHTW có rất ít dư địa để xử lý dù chỉ một cú sốc nhỏ trên thị trường tiền tệ. Cả lãi suất ngắn hạn và dài hạn đều đang ở mức quá thấp và không thể hạ xuống được nữa. Hi vọng sáng sủa nhất là các chương trình mua tài sản được thiết kế để làm suy yếu đồng nội tệ. Tuy nhiên các nước không thể đồng loạt phá giá. Đồng bảng giảm sẽ tạo áp lực cho nhiều đồng tiền khác trong đó có USD. Các gói nới lỏng định lượng (QE) chỉ có ích khi giúp đẩy tăng kỳ vọng về lạm phát và tăng trưởng trong khi những gì đã diễn ra trong mấy năm gần đây cho thấy điều đó không xảy ra.

Trong thế giới cả lạm phát và lãi suất đều ở mức siêu thấp như hiện nay, thứ đe dọa kinh tế toàn cầu không phải là những tác động tiêu cực mà Brexit gây ra cho hoạt động thương mại và đầu tư. “Thủ phạm” chính là nỗi sợ hãi. Ở điều kiện hoàn cảnh thông thường nỗi sợ sẽ không thể thổi bùng lên suy thoái. Nhưng, khi mà các NHTW không còn công cụ để giải cứu thị trường như hiện nay, chỉ cần một chút sợ hãi cũng đủ để tạo nên những rắc rối lớn.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên