MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bitcoin, bong bóng và đại hội đảng Trung Quốc: Giới tài chính tìm kiếm gì trên Google trong năm 2017?

21-12-2017 - 14:24 PM | Tài chính quốc tế

Nhiều người sử dụng Google để tìm hiểu khi nào là thời điểm tốt để mua vào bitcoin, nhưng bitcoin cũng lọt vào top 25 từ khóa gắn với từ “bong bóng” nhiều nhất.

2017 là năm của bitcoin, các cổ phiếu công nghệ và sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực. Đó chính là những chủ đề nóng nhất trong giới những người quan tâm đến tài chính kinh doanh, theo số liệu về hoạt động tìm kiếm trên Google trong năm 2017.

Báo cáo của Google xếp hạng các từ khóa và thuật ngữ được sử dụng để tìm kiếm thông tin liên quan về kinh tế hoặc các thị trường tài chính. Mức độ được quan tâm của mỗi từ khóa được chấm điểm theo thang từ 0 đến 100, trong đó số điểm càng cao thì mức độ quan tâm càng lớn.

Trên toàn cầu, mức độ quan tâm đến cổ phiếu của người dùng Google đã tăng mạnh. Khối lượng tìm kiếm sử dụng 2 từ khóa “cổ phiếu” và “chứng khoán”, đi kèm với những từ như “đắt”, “rẻ” và “tôi có nên mua hay không” tăng mạnh so với khối lượng tìm kiếm thông tin về các tài sản khác như trái phiếu hay các loại hàng hóa cơ bản.

Điều này cũng không có gì lạ khi chứng khoán toàn cầu liên tục phá vỡ các kỷ lục. Nhưng bên cạnh đó người dùng cũng tìm hiểu nhiều hơn về bong bóng cổ phiếu và mức độ biến động, phản ánh nỗi lo về tính bền vững của đà tăng giá.

Bitcoin bùng nổ

Một trong những chủ đề nóng nhất là bitcoin – đồng tiền số đã tăng giá khoảng 1.600% kể từ đầu năm đến nay. Nhiều người sử dụng Google để tìm hiểu khi nào là thời điểm tốt để mua vào, trong khi những người khác tỏ ra thận trọng: bitcoin cũng lọt vào top 25 từ khóa gắn với từ “bong bóng” nhiều nhất.


Lượng tìm kiếm về bitcoin tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.

Lượng tìm kiếm về bitcoin tăng vọt. Nguồn: Bloomberg.

Cũng ở trong top 25 này là thị trường nhà đất Toronto. Thành phố của Canada bị UBS liệt vào danh sách một trong những thành phố phải đối mặt với nguy cơ bong bóng nhà đất nhiều nhất, và thị trường nhà đất ở đây cũng đã lao dốc trong vài tháng qua do những chính sách siết chặt quản lý của giới chức.

Mọi con mắt hướng về ông Tập Cận Bình


Người dùng Google quan tâm đến chính trị Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết. Nguồn: Bloomberg.

Người dùng Google quan tâm đến chính trị Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết. Nguồn: Bloomberg.

Thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tác động khá mạnh lên thị trường tài chính quốc tế. Có lẽ đây là nhận định mà các người dùng Google đưa ra khi gõ cụm từ “China congress” (tạm dịch: đại hội đảng Trung Quốc).

Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện 5 năm mới diễn ra một lần và thế giới rất tò mò về chuyện Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sắp xếp bộ máy lãnh đạo như thế nào. Mức độ quan tâm đến từ khóa này cũng tăng vọt vào năm 2012 và 2007.

Phản ứng trước trưng cầu dân ý

Mặc dù sự quan tâm đến khả năng Tây Ban Nha bị tan rã tăng lên, cuộc khủng hoảng xuất phát từ vụ trưng cầu dân ý đòi ly khai của Catalonia đã không tạo nên làn sóng khổng lồ như trong sự kiện Brexit.

Trong khi đó mặc dù những diễn biến của quá trình Anh rời EU xuất hiện dày đặc trên các mặt báo cả năm 2017, người dùng Google dường như không quan tâm.

Sức hút từ cổ phiếu công nghệ

Bạn không thể nói về thị trường chứng khoán năm 2017 mà không đề cập đến cơn sốt cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là nhóm FAANGs (gồm Facebook, Amazon, Appple, Netflix và Google). Các cổ phiếu này đã tăng trung bình khoảng 50% kể từ đầu năm đến nay, gấp đôi so với mức tăng kỷ lục của chỉ số S&P 500 và làm dấy lên nỗi lo bong bóng.

Lượng tìm kiếm (trên web) sử dụng 2 từ khóa “FAANG” và “cổ phiếu công nghệ” lên cao nhất trong 2 đợt nhóm cổ phiếu này bị bán tháo hồi tháng 6 và cuối tháng 11.

Đầu tư bị động thắng thế

Không chỉ trong thực tế, các quỹ đầu tư chủ động đang bị lép vế trước các quỹ đầu tư chỉ số bị động về cả lượng tìm kiếm trên Google. Lượng tìm kiếm với từ khóa “đầu tư bị động” vượt qua “đầu tư chủ động” với mức chênh lệch lớn nhất từ trước đến nay. Đây là bức tranh hoàn toàn tương phản với năm 2004, khi tình thế ở chiều ngược lại. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo đến năm 2019 doanh thu của các quỹ chủ động có thể sụt giảm 30%.

Điều gì đang xảy ra ở Ấn Độ?

Sau khi gây sốc với động thái rút hoàn toàn những đồng tiền mệnh giá cao nhất ra khỏi lưu thông vào cuối năm 2016, nền kinh tế Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2017. Tuy nhiên Ấn Độ lại đột ngột được Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm lên cao nhất kể từ năm 1988. Do đó người dùng Google muốn biết kinh tế Ấn Độ đang ở mức nào so với các nền kinh tế lớn khác cũng như quan hệ giữa Ấn Độ với các nước lớn và về quan điểm của Ấn Độ về các vấn đề nổi cộm của thế giới.

Thu Hương

Bloomberg

Từ Khóa:
Trở lên trên