MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[BizSTORY] “Nữ hoàng hột vịt” Ba Huân, 40 năm sướng khổ cùng người nông dân

12-11-2016 - 00:00 AM | Doanh nghiệp

Là người có công cứu biết bao gia đình nông dân thoát khỏi hai đại nạn dịch cúm gia cầm… Nhưng mấy ai biết được đằng sau hình ảnh người phụ nữ can trường Ba Huân là một cuộc đời đầy tủi nhục và nước mắt, mà nếu không có sự hy sinh của mẹ và niềm vui sống cho cộng đồng, chưa chắc bà đã có động lực để vượt lên.

Phạm Thị Huân, tên thường gọi Ba Huân, vừa vinh dự nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” của FAO (Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc) khu vực châu Á- Thái Bình Dương cho những thành tích xuất sắc trong sản xuất nông nghiệp khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Bà đã giúp nhiều hộ nông dân vùng đồng bằng sông Mê Kông chuyển dịch từ trồng trọt sang nuôi vịt lấy trứng bán, do tác động của biến đổi khí hậu khiến việc trồng lúa và các cây mùa vụ khác gặp khó khăn, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nữ nông dân và giúp họ cải thiện vị thế trong cộng đồng.

Được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt”, người mang công nghệ trứng sạch đầu tiên về Việt Nam, người định giá thị trường trứng sạch mỗi ngày ở Nam Bộ cùng chuỗi liên kết sạch từ trang trại tới bàn ăn với hơn 1.000 đại lý và điểm phân phối trứng sạch, chiếm hơn 50% thị phần trứng sạch TP.HCM, và đang chuẩn bị “Bắc tiến” với nhà máy mới ở Phú Thọ.

Là người có công lớn trong việc bình ổn giá trứng suốt nhiều năm qua trong cơn lốc giá cả chóng mặt của thị trường, một việc tưởng như không thể với ngành hàng trứng, một thực phẩm thiết yếu cho dân nghèo, bà đã có công cứu biết bao gia đình nông dân thoát khỏi hai đại nạn dịch cúm gia cầm… Nhưng mấy ai biết được đằng sau hình ảnh người phụ nữ can trường ấy là một cuộc đời đầy tủi nhục và nước mắt, mà nếu không có sự hy sinh của mẹ bà và niềm vui sống cho cộng đồng, chưa chắc bà đã có động lực để vượt lên.

Chị đánh giá như thế nào về sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng và chăn nuôi ở đồng bằng sông Mê Kông khi biến đổi khí hậu và xâm mặn đang hoành hành dữ dội? Nỗ lực của riêng bà để cùng mỗi hộ dân chuyển dần sang nuôi vịt lấy trứng, mở ra tương lai mới cho đồng bằng?

Xuất thân từ nông dân, 16 tuổi tôi đã bước vào nghề kinh doanh trứng gia cầm. 10 năm trở lại đây đồng bằng sông Mê Kông bị xâm ngập mặn, cây trồng vật nuôi rất khó tiếp cận với thiên nhiên. Bao nhiêu năm thăng trầm với sản phẩm trứng gia cầm, với những đại nạn dịch cúm gia cầm, giải quyết đầu ra cho nông dân đã quý rồi. Tôi làm đây không nghĩ là được nhận những giải thưởng cao quý nào cả, cứ âm thầm làm cho tốt nhất với bà con, người tiêu dùng.

Khi biết tin tổ chức thế giới FAO trao tặng cho 5 nông dân ở các quốc gia giải thưởng này, tôi thật sự ngỡ ngàng, không ngờ người làm nông nghiệp tay lấm chân bùn như mình ở đất nước Việt Nam lại đạt được giải thưởng này.

Giải thưởng được 900 USD tiền mặt, tôi gửi hết cho đồng bào miền Trung bị thiên tai. Niềm vui lớn nhất của tôi là được đóng góp cho cộng đồng phát triển, làm hết sức bằng tấm lòng, chứ không nghĩ gì sâu xa.

Bình đẳng giới ngày càng được chính phủ quan tâm hơn. Đến những vùng nông thôn, thấy có nhiều phụ nữ sắm được xe gắn máy, mua được tivi, có con đến trường nhiều hơn nhờ nuôi vịt bán trứng là mình mừng lắm.

Làm thế nào một người phụ nữ như chị có thể tổ chức hết từ đầu vào đến đầu ra, để mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên dưới 1 triệu trái trứng sạch?

Bất kể thị trường biến động thế nào, trong 12 năm qua, mỗi ngày công ty tôi đều cung cấp cho thị trường hơn 1 triệu trứng sạch các loại từ trứng gà, trứng vịt, trứng muối, trứng vịt lộn… Cũng là ngần ấy năm bất kể mưa gió, nắng nôi, tôi lặn lội từng ngày đến với từng hộ nông dân, từng ngôi chợ làng, chợ hẻm, để coi sóc con đường đến với tay người tiêu dùng của từng trái trứng. Tôi bao tiêu thụ cho bà con nông dân, đưa con giống cho bà con, hướng dẫn cho bà con chăn nuôi theo quy trình khép kín… Với trên 1.000 điểm bán lẻ trên TP.HCM, kênh thương mại phù sóng đầy hết.

Nghề này lượm bạc cắc, lấy công làm lời, nên tôi rất biết người, biết của. Dân còn là mình còn. Không phụ người ắt người không phụ mình. Qua cơn bĩ cực, những khi khan hàng, dù người khác trả cao hơn một, hai giá, nhưng dân vẫn dành trứng cho mình.

Lặn lội cùng bà con có trứng sạch, vất vả nhất là năm 2003, khủng hoảng dịch cúm gia cầm đe dọa sự sống còn của ngành trứng. Hàng loạt hộ gia đình nông dân sau một đêm thức dậy bỗng chốc trắng tay. Hàng xe trứng của gia đình phải tự tay mang đi hủy, lỗ vốn hơn 6 tỷ đồng, lòng đau như cắt.

Sản xuất đầu ra không ai mua, đem đi thiêu hủy biết bao tài nguyên của đất nước mà không ai bao tiêu thụ được. Tôi bắt đầu xách giỏ đi học các nước bạn. Tìm hiểu các nước bạn cũng có dịch cúm gia cầm mà vẫn bán được trứng nhờ quy trình xử lý trứng sạch.

Tôi đã tìm đến công ty Moba của Hà Lan, nơi có máy móc hiện đại nhất với công suất 6.000 trứng/giờ. Về bàn với các em bán bớt nhà xưởng, đất đai để đầu tư dây chuyền công nghệ này, mới mong cứu vãn hàng vạn hộ dân và cứu vãn chính mình.

Bạn bè lúc đó ai cũng ngăn cản: “Bà này điên, có tiền đầu tư đất đai lời thế sao mày mò với từng quả trứng biết bao giờ giàu”. Chỉ có mẹ là người duy nhất ủng hộ tôi. Mẹ nói: “Con giờ đã có uy tín có thương hiệu, phải giữ lòng đam mê với nghề mới có thể bứt phá được. Mình sống còn vì người khác nữa. Mẹ không tiếc tiền, chỉ lo con làm sao có đủ kiến thức, sự am hiểu khoa học, kỹ thuật, để đừng bị người ta lừa”.

Và chị còn làm tiếp cuộc thay đổi thứ hai năm 2009 với dây chuyền công suất gấp đôi… Làm thế nào một người nông dân ít chữ như chị có thể làm thay đổi kỹ thuật và công nghệ cho ngành trứng?

Để người dân cả nước có thể an tâm sử dụng trứng, chương trình bình ổn giá trứng gia cầm đã làm 12 năm nay rồi. Chương trình không lớn lao lắm nhưng có ý nghĩa với cộng đồng, với hàng vạn người nông dân, hàng vạn người tiêu dùng khi nghĩ tới an toàn thực phẩm, giúp cho nông dân có đầu ra ổn định.

Gom góp, vay mượn khắp nơi, tôi bắt đầu cuộc trường chinh với trứng sạch. Y lời mẹ dạy, hãy giữ nguyên sự chân thật, chất phác của mình cho người ta thương. Moba là tập đoàn lớn nhất của Hà Lan, mua máy Moba giống như đi xe Mercedes, còn mua máy Nhật giống như đi xe Toyota vậy đó. Tập đoàn đó đứng nhất thế giới.

Tôi nói với ông chủ Moba: “Tôi ít học, một chữ tiếng Anh không biết. Ông hãy bán cho tôi loại máy nào tốt nhất, rẻ nhất, vì có nói tôi cũng không biết đường nào mà chọn. Đây là toàn bộ sản nghiệp của tôi và gia đình một người nông dân chân đất, mấy ông đừng bán máy rởm lừa tôi mà tội nghiệp. Nếu ông lừa tôi có nước tôi qua đây ở đợ cho nhà ông đó!”. Thế là đích thân ông chủ tập đoàn chọn cho tôi một dây chuyền công nghệ tự động hóa sản xuất trứng sạch đến 99,9% với vốn đầu tư 30 tỷ đồng.

Nhờ có thêm hỗ trợ lãi suất của lãnh đạo TP.HCM, tôi đã thực hiện mô hình ứng vốn để bà con gầy dựng lại đàn gà, đàn vịt với phương thức nuôi gia cầm khoa học, tạo ra kênh bao tiêu và bảo đảm thu mua trọn gói.

Vốn ít học, đi lên từ chân đất nên tôi rất trân trọng những người nông dân nghèo. Chính họ làm tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, nhờ thế mình có động lực để tiếp tục lăn xả, táo bạo hơn, để làm cuộc cách mạng thứ hai với việc nhập khẩu tiếp dây chuyền công suất gấp đôi, 120.000 trứng/giờ.

Bước ra bên ngoài làm việc với thế giới, tư duy tầm nhìn cũng thay đổi, học hỏi được nhiều hơn. Cái gì mình không giỏi thì thuê người giỏi. Dưới tôi hiện giờ có một CEO rất giỏi cùng anh em trí thức có trình độ cao, giúp tôi phát triển công ty ngày càng lớn mạnh khiến mình rất yên tâm.

Được đi với các phái đoàn của nhiều lãnh đạo, tôi cũng học được nhiều kỹ năng làm việc với người nước ngoài. Hơn nữa, việc tôi làm vì cộng đồng, vì nông dân nên ai cũng giúp đỡ. Mình bẩm sinh nhớ dai, biết sao nói vậy, sống chân thật nên được đối tác rất quý trọng.

Những lúc sống trên đống nợ, tâm trạng của chị thế nào?

Lúc đó năng suất không đủ cung nên phải nhập thêm để đáp ứng cho người tiêu dùng. Lại vay mượn thêm ngân hàng theo lũy tiến đầu tư 70 tỷ cho quy trình này, nới rộng nhà xưởng, tăng chi phí phân phối… Được anh em động viên, mình quyết liệt làm. Đến bây giờ vẫn đầu tư, chưa lấy được vốn, nhưng rất vui khi mấy trăm con người đã hợp sức với tôi được người tiêu dùng chấp nhận, lo đủ lương hướng cho anh em, cho đầu ra bà con tốt.

Mỗi lần vay mượn để đầu tư mình đều có hoạch định rõ ràng. Càng ngày người tiêu dùng sẽ nghĩ tới sản phẩm sạch nhiều hơn, quy trình sạch mới giúp được người nông dân, tạo thương hiệu cho người tiêu dùng. Thời mua bán ăn xổi ở thì không còn phù hợp nữa. Doanh số của công ty hiện rất cao, tôi đang làm thủ tục đổi từ công ty TNHH đổi sang cổ phần, phải làm thêm bao nhiều thủ tục nữa, vất vả lắm.

Vì gốc là nông dân, mình quyết liệt đầu tư máy móc, đem quy trình sản xuất trứng sạch đầu tiên về Việt Nam phục vụ nông dân. Áp lực quá lớn, nhưng được sự động viên của tất cả các ngành cũng là động lực để tôi đi tới thành công.

Và tháng 12/2016 này, chị sẽ “Bắc tiến” với một nhà máy mới ở Phú Thọ?

Ngoài nhà máy xử lý trứng ở Nhật Tân, Bình Chánh, công ty còn có trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Bình Dương với tổng diện tích 18 ha, tổng đầu tư 320 tỷ đồng đã có 22 trại gà, trong đó 17 trại gà đẻ trứng, với tổng sản lượng 500.000 con gà, cung cấp 400.000 quả trứng/ngày, 3 trại gà hậu bị và 2 trại gà giống với quy trình tự động hóa hết. Trong trang trại còn có nhà máy cám.

Hiện công ty đang tiếp tục đầu tư nhà máy xử lý trứng công suất như của Bình Dương ở Phú Thọ, tháng 12 sẽ khánh thành để cung cấp cho toàn miền Bắc. Ngoài ra còn có nhà máy thực phẩm ở Long An sản xuất thị gà, xúc xích, lạp xưởng, bánh flan… doanh thu cũng rất tốt.

Lại một cuộc chinh phục nữa mệt lắm, nhưng tôi thấy thị trường ngoài đó không ai làm về nông nghiệp nên tôi ra đó làm. Để Bắc tiến, tôi đã khảo sát kỹ thị trường, làm thử 4 năm nay rồi, có thị trường sẵn rồi, năm nay mới sắm mấy móc thiết bị.

Học mẹ nghề kinh doanh trứng từ bán gánh đến bán ghe, kỷ niệm nào mà chị nhớ nhất về mẹ đã giúp chị một nghị lực can trường như thế?

Là con thứ ba trong gia đình có tám chị em, 13 tuổi theo mẹ giữ em, 16 tuổi tôi được mẹ giao lại gánh trứng, vừa đảm đương vai trò chị hai chăm sóc các em, vừa gánh vác nghề tổ.

Quê mình là làng nghèo nhất của huyện Châu Thành, Long An, những trái trứng vỡ, trứng ung đã nuôi dưỡng tám chị em thành người. Tôi nhớ mãi đôi vai oằn đi vì gánh gồng của mẹ, đôi bàn chân choãi rộng vì phải bấm chặt vào đất những ngày mưa, vì té ngã sẽ tiêu tan sản nghiệp. Dù chỉ học hết lớp 5 phải bỏ học phụ mẹ nuôi em, nhưng mẹ luôn dạy tôi phải học hỏi mọi lúc, mọi nơi, học từ chính người nông dân lam lũ để biết ăn ở với chồng con cho phải đạo…

40 năm gắn bó với nghề trứng, mẹ để lại cho tôi chiếc ghe bầu xuôi ngược cùng những đàn vịt chạy đồng khắp Kiên Giang, An Giang… Từ đó, tôi gầy dựng nên thương hiệu Ba Huân. Đời tôi với con gà, con vịt rất gần gũi, nhưng đường con cái lại không trọn vẹn, nên tôi muốn dành trọn cuộc đời dấn thân vì cộng đồng, xã hội, để khi mình ra đi không còn gì nuối tiếc.

Theo Kim Yến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên