MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BlackBerry - Vì đâu nên nỗi?

30-09-2016 - 07:26 AM | Tài chính quốc tế

Xét trên nhiều khía cạnh, những nỗi đau mà BlackBerry đang phải gánh chịu lại chính là một “sản phẩm” của sự thành công đến quá nhanh và không chắc chắn. Họ đã "ngủ quên trên chiến thắng".

Từ một văn phòng nhỏ bé ở Waterloo, Ontario, BlackBerry đã “vươn mình lớn dậy” để trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới. Những chiếc điện thoại BlackBerry từng được coi là đã thay đổi hoàn toàn cách mọi người giao tiếp với nhau, là thiết bị mà ai cũng phải có.

Tuy nhiên, thời kỳ huy hoàng ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Công ty từng thống trị thị trường smartphone toàn cầu giờ đây đã bị đánh bại bởi những đối thủ mà nó từng khinh thường.

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2011 với 52,3 triệu thiết bị được bán ra, cái tên BlackBerry không còn hấp dẫn. Năm tài khóa gần nhất, chỉ có 3,2 triệu chiếc điện thoại được bán ra và ngày hôm qua (28/9) hãng chính thức tuyên bố sẽ ngừng thiết kế và sản xuất smartphone, chuyển sang thuê ngoài.

Xét trên nhiều khía cạnh, những nỗi đau mà BlackBerry đang phải gánh chịu lại chính là một “sản phẩm” của sự thành công đến quá nhanh và không chắc chắn. Đầu những năm 2000, công ty nhỏ bé bỗng chốc lọt vào danh sách những ông lớn, sánh vai cùng các nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới sau khi chiếc BlackBerry Pearl 8100 được tung ra thị trường. Là chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới cho phép người dùng nhận và gửi email mọi lúc mọi nơi, BlackBerry Pearl 8100 đã thành công vang dội.

Thành công đến với BlackBerry quá nhanh, đến mức công ty chỉ có 1 nhà máy sản xuất này đã phải chạy hết tốc lực để có thể bắt kịp với nhu cầu. Trong vài quý liên tiếp, doanh thu đều đặn tăng trưởng 20% so với quý trước đó. BlackBerry ồ ạt tuyển dụng nhân viên, ồ ạt mở các nhà máy mới.

Thế nhưng những áp lực này đã khiến các lãnh đạo của BlackBerry xao nhãng, không chú ý đến cuộc chạy đua về công nghệ vốn mang tính sống còn và không cho phép các doanh nghiệp sai lầm.

Mike Lazaridis (kỹ sư trưởng và cũng là người sáng lập nên BlackBerry) cùng các đồng đội đã ngủ quên trên chiến thắng. Thành công ban đầu của BlackBerry nằm ở khả năng sử dụng băng thông hiệu quả và bàn phím rất tiện lợi cho việc soạn và gửi email. Tuy nhiên, vì quá tập trung vào việc đuổi kịp nhu cầu của người dùng, Lazaridis và đồng CEO Jim Balsillie đã không để mắt tới những đối thủ sừng sỏ ở thung lũng Silicon.

Khi Lazaridis “mổ xẻ” chiếc iPhone đầu tiên của Apple mùa hè năm 2007, ông đã choáng váng khi thấy rằng có chiếc điện thoại đẹp đẽ này ẩn chứa quá nhiều sức mạnh, quá nhiều chức năng. Lazaridis từng tin rằng không đời nào lại có chuyện Apple có thể cung cấp cho người dùng một hệ thống quản lý được mọi thứ, từ video, ảnh đến các nội dung từ Internet.

Trong lúc ấy, nhà lãnh đạo của BlackBerry cũng không nhận ra rằng đối thủ đầy tham vọng đã thay đổi hoàn toàn luật chơi trên thị trường di động. Thỏa thuận đặc biệt với nhà mạng AT&T dẫn đến việc hệ thống được nâng cấp, các sản phẩm của Apple trở nên hoàn toàn khác biệt. Người dùng iPhone có thể chơi "Angry Birds" và tải ứng dụng, những điều mà BlackBerry đã không thể đem đến cho người dùng trong suốt những năm trước đó.

Năm 2007, BlackBerry lại một lần nữa thể hiện mình đã lỗi thời. Google thông báo biếu không hệ điều hành Android cho các nhà sản xuất thiết bị cầm tay, dọn đường cho những nhà sản xuất bên ngoài nước Mỹ (đặc biệt là Samsung) cướp đi khách hàng từ tay BlackBerry, bằng những chiếc điện thoại giá rẻ.

Đến năm 2012, Samsung đã trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.

Trước những khó khăn chồng chất trong khi thị phần và giá trị vốn hóa lao dốc, năm 2013, Lazaridis và Balsillie quyết định từ chức.

BlackBerry đã rơi vào trạng thái thê thảm đến mức cách đây vài năm Lazaridis đã buộc phải thừa nhận rằng những chiếc điện thoại có logo "chùm nho đen" đã trở nên lỗi thời. Từ năm 2013 ông đã lo ngại BlackBerry sẽ không thể sản xuất điện thoại nữa và quyết định xuống cửa hàng điện tử gần công ty mua toàn bộ số điện thoại BlackBerry còn tồn lại. "Điều tôi lo sợ nhất là tôi sẽ chẳng thể mua điện thoại BlackBerry được nữa", Lazaridis từng chia sẻ.

Hiện thị phần của BlackBerry trên thị trường smartphone toàn cầu đã giảm xuống dưới 1%. Khách hàng phần lớn là những người trung thành không muốn từ bỏ bàn phím qwerty huyền thoại.

Thu Hương

WSJ

Trở lên trên