MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương lên tiếng về kế hoạch cho Sabeco thoái vốn, niêm yết trên sàn chứng khoán

Trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ xem xét việc cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM.

Trong văn bản số 7077 do Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký ngày 29/7/2016 về việc phản ánh của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tại thư 868/VAFI liên quan đến việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng) tại một số công ty thuộc Bộ; và việc cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ Công Thương đã thông tin phản hồi về vấn đề này.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết đối với việc chuyển giao SABECO sang Tổng công ty Đầu tư, Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Bộ Công Thương cho biết: Theo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của SCIC, SABECO không thuộc đối tượng phải chuyển giao sang SCIC sau khi cổ phần hóa mà việc chuyển giao này sẽ do Thủ tướng quyết định.

Cụ thể, tại văn bản số 651/TTg-ĐMDN ngày 8/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cổ phần hóa về SCIC, không có Sabeco và Habeco (Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội).

Đối với việc thoái vốn của Sabeco, Bộ Công Thương cho biết trong giai đoạn 2012 – 2016 Bộ đã 4 lần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về phương án thoái vốn tại Sabeco. Theo đó, phương án thoái vốn như thế nào, Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Đối với việc niêm yết trên sàn chứng khoán, Bộ Công Thương cho biết do các năm qua Bộ Công Thương tập trung vào thoái vốn Nhà nước tại Sabeco với tinh thần là khi thoái vốn, sẽ xin phép Chính phủ cho niêm yết ngay lên sàn chứng khoán.

Vì vậy, tới nay Sabeco vẫn chưa niêm yết trên sàn giao dịch. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận thấy việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

"Do đó, thời gian tới Bộ Công Thương cho biết sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh" - Văn bản của Bộ Công Thương thông tin.

Trước đó, VAFI đã có văn bản gửi Bộ Công thương, đề xuất thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco. Trong văn bản, VAFI kiến nghị Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh gấp rút tiến hành thoái toàn bộ cổ phần nhà nước mà Bộ này đang là chủ sở hữu tại 2 tổng công ty trên, lần lượt với tỉ lệ 90% và 82%.

Đây không phải lần đầu tiên VAFI đề xuất phải bán bớt cổ phần nhà nước trong các công ty quốc doanh nhằm cứu Ngân sách. Cuối năm 2013, hiệp hội này đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ 5 giải pháp cứu ngân sách, trong đó nhấn mạnh vào việc thoái hết cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước.

VAFI cho rằng, Sabeco và Habeco đã thực hiện cổ phần hóa được hơn tám năm, và trong đề án cổ phần hóa của hai doanh nghiệp này đều nói rõ việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước, nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách lần lữa việc niêm yết.

VAFI ước tính, số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ USD Mỹ, số tiền này đủ xây dựng ngay tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội.

Cũng tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước đối với Sabeco và Habeco. Cụ thể, việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương sẽ thẩm định phương án thoái vốn nhà nước và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán tiếp phần vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty nêu trên.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên