Bỏ ngang đại học, chàng trai 9X thu nhập nghìn đô/tháng nhờ dạy Tiếng Anh
Gia đình sung túc bỗng chốc trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần, khánh kiệt tài sản, Thông lúc đó mới 20 tuổi, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra đã phải thích nghi với cuộc sống quay ngoắt 180 độ, khó khăn chồng chất.
Đại học vẫn là ước mơ của nhiều người trẻ bởi người ta tin rằng đó là con đường dẫn tới thành công. Nhưng cũng có những người, vì cuộc sống, vì những bước ngoặt của cuộc đời mà không thể theo đuổi tiếp con đường đại học. Họ không vì thế mà nản chí, không bị hoàn cảnh làm cho gục ngã, ngược lại, vẫn không ngừng nỗ lực từng ngày để có một tương lai tươi sáng hơn.
Câu chuyện của chàng trai Nguyễn Thiện Thông (Sinh năm 1990, người Huế) lại một lần nữa khẳng định thêm: Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công.
"Cậu chủ nhỏ" bỗng chốc phải ăn thức ăn thừa lót dạ buổi sáng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, bố mẹ là chủ sở hữu của 3 nhà hàng và 1 phòng trà đang kinh doanh tốt, chàng sinh viên năm nhất của trường Đại học Khoa học Huế - Nguyễn Thiện Thông lúc đó có một cuộc sống đủ đầy, không phải lo lắng gì ngoài việc học tập và rèn luyện ở trường.
Biến cố lớn đã xảy ra khi năm 2009, bố mẹ Thông bị kẻ gian lừa đảo mất hết toàn bộ tiền bạc. Công việc kinh doanh sa sút khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải cầm cố và bán đi nhiều tài sản có giá trị lớn để trang trải.
Một năm sau, bố Thông mắc bạo bệnh ung thư phổi; gia đình phải tiếp tục vay mượn khắp nơi để chạy chữa, nhưng cuối cùng ông cũng không qua khỏi. Bi kịch liên tiếp xảy ra khiến chàng trai 20 tuổi lúc đó chỉ biết sững sờ.
"Lúc đó, gia đình tôi phải trải qua những tháng ngày sống như trong địa ngục, chủ nợ liên tục đến đòi nợ và quấy phá, kinh tế khánh kiệt. Có lúc cả nhà 4 người chỉ còn đúng 100.000 đồng để cầm cự.
Ở trường, tôi bị cấm thi vì nợ học phí quá nhiều. Những người bạn ngày xưa lúc gia đình tôi còn đầy đủ, giờ cũng lần lượt bỏ rơi tôi vì cho rằng giờ đây tôi không còn xứng đáng để chơi với họ" – Thông chia sẻ về quãng thời gian đầy khó khăn.
Thế nhưng, với suy nghĩ "khi đã xuống đến đáy vực, bạn chỉ còn một con đường duy nhất là leo lên trên", Thông bắt đầu tìm kiếm con đường riêng cho bản thân để mong thoát khỏi nghịch cảnh.
Vừa cố gắng học tập, vừa duy trì kinh doanh bằng tất cả những gì còn sót lại của gia đình, Thông vừa tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập. Công việc đầu tiên mà Thông tìm được là trông xe cho một quán cafe với mức lương 500.000 đồng/tháng. Một thời gian sau, Thông xin vào làm phục vụ bàn ở một nhà hàng Tây với mức lương gấp đôi công việc cũ.
Đã quen làm "cậu chủ nhỏ" ở gia đình, giờ đây lại trở thành kẻ làm thuê cho người khác với biết bao khổ cực, thậm chí có hôm quá đói bụng và không có tiền ăn sáng, Thông phải lén ăn thức ăn thừa do khách để lại để tạm lót dạ.
Trải qua nhiều khó khăn, chàng công tử bột ngày nào giờ đã trưởng thành và chín chắn hơn
Cũng trong thời gian đó, vì nợ học phí ở trường Đại học quá nhiều, Thông buộc phải từ bỏ giảng đường dù đã ở năm học cuối. "Thời gian đó, tôi thực sự rất hoang mang. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao lại là mình? Gia đình suy sụp, bố mất sớm, bản thân lại phải bỏ đại học giữa chừng; con đường trước mắt tôi dường như dài thêm ra và chông gai hơn. Đã có lúc, tôi muốn từ bỏ mọi thứ" – Thông trầm ngâm nói khi nghĩ về giai đoạn khó khăn đã qua.
Con đường trở thành phiên dịch viên của tập đoạn KHS (Đức)
Những tưởng mọi chuyện cứ thế lặng lẽ trôi qua nhưng cuộc sống luôn sắp xếp những ngã rẽ bất ngờ nhất. Lầm lũi với công việc phục vụ bàn, nhưng Thông vẫn không quên trau dồi tiếng Anh – môn ngoại ngữ anh đã học từ lúc 4 tuổi. Chính thông cũng không ngờ, vốn Tiếng Anh đó lại là bàn đạp giúp anh thay đổi cuộc đời.
Tình cờ, một người bạn giới thiệu công việc phiên dịch viên cho tập đoàn KHS (Đức), tập đoàn chuyên sản xuất các dàn máy phục vụ ngành công nghiệp đồ uống với các đối tác lớn trên toàn thế giới như Carlsberg, Heineken, Coca-Cola…, Thông thực sự choáng ngợp. Dù rất thích nhưng cậu không khỏi chần chừ, một phần vì lĩnh vực phiên dịch tiếng Anh hoàn toàn xa lạ với Thông, đây cũng không phải chuyên ngành anh được đào tạo tại Đại học. Hơn nữa, mức lương lại quá "khủng" - con số 50 USD/1 ngày (khoảng 1 triệu đồng/ngày) khi đó khiến Thông hơi ngợp. Nhưng rồi, anh vẫn quyết định nộp hồ sơ.
Đại diện của tập đoàn KHS khi đó thực sự không tránh khỏi bất ngờ khi một ứng cử viên xin việc lại không hề có bất kỳ một bằng cấp hay chứng chỉ ngoại ngữ nào, lại càng không được đào tạo bài bản trong công việc. Nhưng lúc đó, điều khiến họ ấn tượng với Thông là những câu trả lời chắc chắn. Khi được hỏi: "Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?", Thông nói rằng: "Bằng cấp có thể quan trọng, nhưng năng lực, quyết tâm và sự nỗ lực còn quan trọng hơn. Tôi có thể không là người giỏi nhất, nhưng tôi sẽ là người cố gắng nhất. Những gì người khác làm được, chắc chắn tôi làm được. Những gì người khác không làm được, tôi sẽ cố gắng để làm được đầu tiên".
Câu trả lời đó đã hoàn toàn thuyết phục được đại diện của tập đoàn KHS, Thông được nhận vào vị trí phiên dịch viên. Đó là vào tháng 5 năm 2014.
Ở vai trò mới với mảng kiến thức hoàn toàn xa lạ, Thông xem đó là động lực để phấn đấu. Những buổi làm việc trong văn phòng hay công xưởng của tập đoàn Carlsberg tại Huế, những cuộc chuyện trò trong và ngoài công việc… tất cả khiến Thông ngày một trưởng thành. Với kết quả làm việc tốt, Thông đã được thưởng xứng đáng bằng một hợp đồng làm việc mới trong tháng thứ 2 với mức lương được nâng lên 50 Euro/ngày (khoảng 1,3 triệu/ngày) - mức lương mà Thông chưa từng dám mơ.
Trở thành giáo viên dạy tiếng Anh với thu nhập "khủng"
Những trải nghiệm của bản thân đã giúp Thông nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh Từ đây, anh nảy ra ý định chia sẻ những kiến thức về tiếng Anh của bản thân bằng cách dạy môn ngoại ngữ này, với mong muốn góp một phần nhỏ vào việc nâng cao trình độ tiếng Anh của những người xung quanh cũng như tạo thêm nguồn thu nhập cho bản thân. Công việc dạy tiếng Anh đến với Thông theo một cách riêng như thế. Tháng 3/2015, Thông bắt đầu tự mình nghiên cứu và học hỏi những kỹ năng cần thiết để phục vụ cho việc giảng dạy tiếng Anh.
"Kiến thức nền về tiếng Anh tốt và kỹ năng truyền đạt vấn đề thành thục là những lợi thế lớn nhất của tôi khi bắt đầu công việc giảng dạy này. Hơn nữa, là một người trẻ, đã từng tiếp thu cùng một nền giáo dục với những học viên nhưng may mắn được trải nghiệm tiếng Anh trong một môi trường hoàn toàn khác; tôi nhận ra đâu là chỗ thiếu và yếu của họ để bù đắp bằng một cách tiếp cận khác tươi mới và năng động hơn.
Tôi tự thấy mình cũng khá thân thiện, dễ gần và hài hước; tạo ra tâm lý thoải mái cho học viên, từ đó họ cũng dễ dàng tiếp thu những bài giảng hơn" – Thông nói về những thuận lợi của mình khi trở thành giáo viên tiếng Anh.
"Tuy nhiên, việc không được đào tạo bài bản về giảng dạy khiến tôi gặp phải một số khó khăn nhất định trong việc thiết kế bài giảng cũng như một lộ trình phù hợp để giúp người học tiến bộ. Thêm vào đó, sự thật rằng tôi không có bất cứ một bằng cấp Đại học hay một chứng chỉ tiếng Anh nào cũng khiến mức độ tín nhiệm của những người xung quanh đối với tôi ban đầu là không cao, nên việc tìm học viên để tổ chức các lớp học là một thử thách không hề dễ dàng" – Thông tiếp tục chia sẻ về những khó khăn gặp phải.
Thông đã có hướng đi đúng đắn cho tương lai của mình
Sau hơn 1 năm bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Anh; Thông đã có một số lượng khá lớn và ổn định học viên từ các lớp dạy trực tiếp đến các lớp dạy online, mang lại cho Thông thu nhập lên đến vài nghìn đô.
Một ngày làm việc của Thông bắt đầu lúc 6h30 sáng và kết thúc lúc 1h sáng. Bên cạnh việc giảng dạy, anh thường xuyên tổ chức những buổi chia sẻ và các lớp học miễn phí cũng như tham gia các hoạt động xã hội để giúp đỡ dù chỉ một phần nhỏ những người xung quanh mình.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi "Điều gì khiến bạn nghĩ cuộc sống của bạn đã thay đổi gần như 180 độ chỉ trong vòng 2 năm?", Thông cho rằng đó chính là nghị lực và quyết tâm không đầu hàng nghịch cảnh.
"Nếu cuộc sống chia cho bạn những quân bài xấu, hãy trở thành một người chơi giỏi. Tôi không nghĩ rằng mình có thể khuyên các bạn nên hay không nên học Đại học, vì chúng ta rất khác nhau về hoàn cảnh, con người, tính cách, môi trường phát triển. Tôi chỉ dám chia sẻ rằng, hãy dũng cảm để lựa chọn những gì bạn cho là đúng với bản thân và dũng cảm chấp nhận dù là thành quả hay hậu quả của nó" – Thông thành thật bày tỏ.
Kenh14/Trí Thức Trẻ