MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp rồi trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25, người đàn ông khẳng định: “Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó!”

16-01-2022 - 08:39 AM | Lifestyle

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp rồi trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25, người đàn ông khẳng định: “Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó!”

Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, anh có thể từ hai bàn tay trắng trở thành tỷ phú. Dù bị cả thị trường quay lưng, có lúc phải gánh nợ hàng trăm triệu, dính vào rất nhiều tranh cãi nhưng ai cũng phải thừa nhận, sản phẩm của anh làm ra luôn đánh đúng vào tâm lý mọi người.

Đỗ Quốc Doanh là một doanh nhân Trung Quốc gây tranh cãi. Anh sinh ra trong một gia đình không có nền tảng kinh doanh nhưng lại dám bỏ nghề giáo viên - một công việc ổn định hàng đầu, để tự khởi nghiệp. Anh trở thành tỷ phú năm 25 tuổi, khiến mọi người ngưỡng mộ nhưng sau đó lại phá sản ở tuổi 28 tuổi, gánh số nợ hàng chục triệu NDT.

Các sản phẩm của anh làm ra thu hút đủ kiểu khách hàng từ già tới trẻ, chuyên nhắm vào những đối tượng tiềm năng khác nhau và thành công làm được điều đó. Vì vậy, không ít người nhận xét Đỗ Quốc Doanh là bậc thầy về tiếp thị. Nhưng cũng có người đánh giá anh là tỷ phú gây tranh cãi đệ nhất Trung Quốc. 

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 1.

Đỗ Quốc Doanh là tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25 của Trung Quốc.

1

Hành trình đi tìm “đấu vàng đầu tiên”, tích lũy gia tài tiền tỷ

Đỗ Quốc Doanh sinh năm 1973, tại Hà Nam, Trung Quốc. Với điểm số khá tốt, anh được nhận vào một trường sư phạm. Ai cũng tưởng sau khi tốt nghiệp, anh sẽ trở thành một nhà giáo nhân dân với sự nghiệp ổn định. Ở thời kỳ đó, nghề giáo viên còn được gọi là “bát cơm sắt” để bạn có thể yên tâm ăn cả đời, không cần lo lắng cho tương lai. Xóm giềng ai cũng khen gia đình đã nuôi dạy được một người con ngoan.

Nhưng chỉ sau 2 năm làm nghề giáo, chàng trai họ Đỗ không muốn chỉ làm một con người bình thường. Anh đã nộp đơn từ chức, mang theo vài trăm NDT trong người để đến Thiên Tân kiếm việc trong ngành kinh doanh.

Khởi đầu là một nhân viên bán hàng, Đỗ Quốc Doanh đã không đi theo con đường thông thường. Người khác phát tờ rơi dưới cái nắng như thiêu đốt thì anh đã bỏ tiền riêng để mua một suất quảng cáo trên radio.

Cách làm của Đỗ Quốc Doanh đã phát huy tác dụng nhanh chóng, lượng tiêu thụ của sản phẩm mà anh phụ trách tăng đều đặn. Sau một năm, anh đã được thăng chức lên quản lý bán hàng. Thành tích phi thường đã cho anh cơ hội tích lũy được khoản tiền 500.000 NDT  khi mới hai mươi mấy tuổi.

Nhưng suy cho cùng, làm thuê không phải là mong muốn của Đỗ Quốc Doanh. Anh vẫn không ngừng tìm cách kết hợp những gì đã học, đã biết với kinh nghiệm bán hàng thực tế. 

Chàng thanh niên nhận ra rằng, trong suốt thời kỳ làm giáo viên, các bậc phụ huynh rất coi trọng sự phát triển hình thể của con và họ có quan niệm rằng, chỉ cần con mình ngồi thẳng lưng thì mắt sẽ không bị cận thị.

Từ suy nghĩ này, Đỗ Quốc Doanh tạo ra sản phẩm đai chống gù lưng. Đồng thời, anh đã chi hàng trăm nghìn NDT để các báo đài đưa tin về tác động tiêu cực của gù lưng đối với cơ thể trẻ em. Một nỗi lo về tình trạng lưng gù được tạo ra trong lòng mọi người, tạo tiền đề để sản phẩm hỗ trợ tư thế ngồi ngày càng trở nên cần thiết.

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 2.

Sản phẩm đai chống gù lưng do Đỗ Quốc Doanh phát triển.

Quả vậy, sau khi sản phẩm này được tung ra thị trường, rất nhiều người đều săn đuổi. Chỉ trong ba tháng, Đỗ Quốc Doanh đã đạt được doanh thu 30 triệu NDT. Trong 6 tháng, doanh thu tăng lên tới 400 triệu NDT.

Năm 25 tuổi, Đỗ Quốc Doanh đã có tài sản ròng lên tới hàng tỷ NDT. Anh trở thành một tỷ phú Trung Quốc hàng thật giá thật.

Tuy nhiên, thương trường không thiếu những truyền kỳ đột nhiên phất lên trong 1 đêm, chỉ thiếu những truyền kỳ có thể giữ vững bản lĩnh, bảo vệ “ngai vàng” của mình. 

Đỗ Quốc Doanh chỉ duy trì khối tài sản tiền tỷ của mình được khoảng hai năm. Anh vốn định tranh thủ cơn sốt của sản phẩm đai chống gù lưng để tung ra series tương tự nhưng không nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Điều này khiến sản phẩm bắt đầu phải đối mặt với khủng hoảng.

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 3.

Không bán được sản phẩm, Đỗ Quốc Doanh nhanh chóng thua lỗ. Từ một tỷ phú trẻ tuổi đầy hứa hẹn, anh bỗng biến thành một doanh nhân gây tranh cãi, ôm theo khoản nợ 46 triệu NDT.

Những thăng trầm của tuổi trẻ không làm Đỗ Quốc Doanh nản lòng. Anh đã hứa với chủ nợ rằng mình sẽ bật điện thoại 24/24 và không bao giờ bỏ trốn. Chỉ cần cho một cơ hội, anh ta nhất định sẽ tìm lại hào quang trước kia.

2

Bậc thầy trong việc nắm bắt tâm lý

Năm 2001, Trung Quốc đăng cai tổ chức thành công Thế vận hội Olympic. Năm 2003, Trung Quốc gia nhập WTO và hội nhập thành công với thế giới. Những sự kiện lớn này đã tạo ra làn sóng học tiếng Anh trên toàn quốc, và Đỗ Quốc Doanh cũng nắm bắt được cơ hội lớn từ đây.

Vào thời điểm đó, có rất nhiều thiết bị hỗ trợ học tập trên thị trường với các tên gọi khác nhau. Đỗ Quốc Doanh đã lấy một chữ đặc biệt nhất trong mỗi cái tên này để ghép lại, lấy làm tên gọi cho sản phẩm của riêng mình, đem bán vào năm 2003.

Anh ký hợp đồng mời một diễn viên hài và nhân vật truyền hình gốc Canada, làm người đại diện cho sản phẩm. Lúc bấy giờ, nam diễn viên này vô cùng nổi tiếng, liên tục xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc. Quan trọng nhất, đây còn là một người nước ngoài và thực sự nói tiếng Anh. Khi anh ta trở thành người đại diện cho một thiết bị hỗ trợ việc học tiếng Anh, mọi người cũng đặt niềm tin hơn rất nhiều.

Vào thời điểm đó, giá thị trường của một sản phẩm hỗ trợ học tập là khoảng 300 NDT. Trong khi đó, giá sản phẩm của doanh nhân họ Đỗ lên tới 998 NDT. Mức giá cao không những không làm ảnh hưởng đến doanh số mà nhiều người còn cho rằng, đồ đắt thì phải có lý do của nó.

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 4.

Sản phẩm hỗ trợ học tiếng Anh cùng người đại diện Dashan.

Sau một năm, khi doanh thu bắt đầu giảm xuống, Đỗ Quốc Doanh dứt khoát bán sản phẩm lại cho Acorn International để tiếp tục những ý tưởng mới của mình.

Không nhắm vào đối tượng khách hàng cũ nữa, lần này, anh tạo ra sản phẩm E-person E-book dành cho giới doanh nhân. Lần này, người phát ngôn của sản phẩm được chọn là đạo diễn hàng đầu Phùng Tiểu Cương và diễn viên gạo cội Cát Ưu. 

Ban đầu, sản phẩm mới được thị trường hưởng ứng không tồi. Nhưng các vấn đề như hệ thống chậm, phần cứng kém và giá thành cao nhanh chóng được người dùng nêu ra. Sau  một thời gian, Đỗ Quốc Doanh kiếm một khoản “chắc tay” khi quyết định bán E-person E-book cho Tsinghua Tongfang với giá 1,4 tỷ NDT.

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 5.

E-person E-book được định vị cho giới doanh nhân với hình ảnh của đạo diễn Phùng Tiểu Cương và diễn viên gạo cội Cát Ưu.

Sau thời gian này, Đỗ Quốc Doanh đã bắt đầu nắm bắt các đặc điểm chung về nhu cầu tiêu dùng của giới tinh hoa. Năm 2015, anh cho ra mắt điện thoại di động 8848 Titan được thiết kế riêng, nhắm vào tầng lớp những  người giàu có và tinh anh trong xã hội.

Các đặc điểm chính của điện thoại này chính là "tùy chỉnh riêng", "hợp kim titan", "da cá sấu" và "da bê nhập khẩu Hà Lan"... 

Lần này, Đỗ Quốc Doanh tận dụng quan hệ để mời Chủ tịch Vanke Real Estate là Vương Thạch làm người phát ngôn. Hình ảnh Chủ tịch Vương ngồi trong văn phòng cấp cao của mình, tay cầm điện thoại di động 8848 titan họp bàn chiến lược đã giúp sản phẩm được phủ lên một hình ảnh đầy phú quý, hào quang. 

Chiếc điện thoại vốn không hề nổi bật về mặt tính năng nhưng vẫn được bán với giá gần 21.000 NDT. Rốt cuộc, thứ mà họ mua không phải là điện thoại di động, mà là một vật phẩm để khẳng định phong cách. 

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 6.

Sản phẩm điện thoại di động dành cho giới thượng lưu.

3

Sản phẩm gây tranh cãi nhất: “Xiaocancha”

Năm 2014, Đỗ Quốc Doanh đã tung ra sản phẩm lon trà mini có tên “Xiaocancha” (Ấm trà nhỏ), dù chỉ khoảng 80 gram nhưng giá lên tới 500 NDT. Để khẳng định phân khúc cao cấp của sản phẩm, anh tuyên bố đã tuyển dụng 8 bậc thầy về trà tới làm việc cho mình như chứng thực cho chất lượng sản phẩm.

Khẩu hiệu cốt lõi của thương hiệu này là: "Mỗi lá trà đều được chế biến hoàn toàn thủ công bởi những bậc thầy tài năng nhất." Do đó, dù là bán với giá đắt gấp đôi loại trà Bích Loa Xuân thượng hạng, đông đảo giới nhà giàu vẫn bị hấp dẫn và sẵn sàng chi tiền mua.

Thu nhập trong nửa năm đầu của riêng những lon trà mini này đã lên tới 300 triệu NDT. Trong một năm, doanh số ổn định ở mức 2 tỷ NDT.

Bỏ nghề giáo viên để khởi nghiệp, anh trở thành tỷ phú gây tranh cãi nhất ở tuổi 25: Chỉ cần biết nắm bắt tâm lý đám đông, không giàu cũng khó! - Ảnh 7.

Mỗi lon trà đều khá nhỏ, nhưng có giá thành đắt đỏ.

Tuy nhiên, đằng sau những con số đẹp mắt, người tiêu dùng cũng đặt ra câu hỏi. Theo tính toán từ doanh số bán ra hàng năm, trung bình mỗi bậc thầy sẽ phải phải xào khoảng 80.000kg trà một năm. Như vậy, mỗi ngày, họ phải không ngủ không nghỉ thì cũng khó có thể xào được 220kg lá trà. Đây vẫn còn là một câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên, sản phẩm vẫn được một bộ phận người tin dùng và sử dụng.

Có thể thấy rằng, đằng sau mỗi sản phẩm được tạo ra, Đỗ Quốc Doanh đều có sự đầu tư, nghiên cứu và định hướng rõ ràng về nhóm khách hàng mục tiêu của mình. 

Tất cả những gì mà Đỗ Quốc Doanh đạt được đều có thể tóm lại bằng một câu: Sự thành công khởi nguồn từ tâm lý tiêu dùng. Khi đã học được cách nắm bắt tâm lý đúng người, đúng thời điểm, bạn sẽ có thể chạm đến cánh cửa thành công.

*Nguồn: NetEase, Sohu, Toutiao

Thuý Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên