Bộ Nông nghiệp: Đẩy mạnh sản xuất cá tra, tôm vào cuối 2018 để nắm bắt cơ hội
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng thị trường thế giới đang diễn biến rất nhanh theo hướng có lợi cho ngành cá tra, tôm nên cần tăng cường sản xuất hai mặt hàng này để tranh thủ cơ hội.
- 15-10-2018Xuất khẩu cá tra có thể vượt 2 tỷ USD
- 10-10-2018Ai Cập là thị trường xuất khẩu tiềm năng của cá tra Việt Nam
- 05-10-2018Nhu cầu xuất khẩu cuối năm lớn, giá cá tra, tôm sẽ duy trì ở mức cao
Tận dụng cơ hội tốt cho xuất khẩu cá tra
Các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra gặp phải một số khó khăn, như chất lượng và giá cá giống không ổn định, người dân nuôi tự phát ngoài quy hoạch, đặc biệt là Mỹ gây áp lực với chương trình thanh tra cá da trơn.
Tuy nhiên, nhiều thông tin thuận lợi cho xuất khẩu cá tra bắt đầu xuất hiện từ quý III. Ngày 10/9, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam là 0,0 – 2,39 USD/kg, thấp hơn nhiều so với kết quả POR13. Ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam để xin ý kiến công chúng trước khi công nhận chính thức.
Những yếu tố trên đã tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và giá philê lên cao nhất từ trước tới nay. 9 tháng đầu năm, ngành hàng cá tra duy trì được đà tăng trưởng cao với tổng sản lượng thu hoạch tăng 9,3% và giá trị xuất khẩu tăng 29,2% đạt 1,68 tỷ USD.
Theo đó, Bộ yêu cầu các tỉnh nuôi cá tra kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng con giống, đảm bảo tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến cá tra. Đồng thời, Bộ khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao, nuôi cá theo hướng liên kết chuỗi giá trị cũng như thực hiện tốt Đề án giống cá tra 3 cấp.
Ảnh minh họa
Tăng sản xuất tôm để tránh thiếu hụt cung vào cuối 2018
Đối với tôm, do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá tôm nguyên liệu trong nước trong những tháng đầu năm nay giảm mạnh, tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ.
Tương tự cá tra, ngành hàng tôm trong quý III đón nhận tin tức tích cực là Bộ Thương mại Mỹ thông báo mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong POR12 là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ. Trong nước, cùng với việc thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu phục hồi và giữ ở mức cao là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm của Bộ Nông nghiệp, sản lượng nuôi tôm tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giá trị xuất khẩu giảm 1,1% xuống 2,7 tỷ USD.
Nhằm tận dụng cơ hội đến từ thị trường nước ngoài để hướng tới mục tiêu tăng trưởng của ngành và tránh bị thiếu hụt cung vào các tháng cuối 2018 và đầu 2019, Bộ Nông nghiệp khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ tại những vùng có tiềm năng.
Người đồng hành