MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ quy định "có lợi nhất cho ngân sách nhà nước" trong định giá đất

Bỏ quy định "có lợi nhất cho ngân sách nhà nước" trong định giá đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thay thế bằng quy định về trường hợp áp dụng đối với từng phương pháp cụ thể; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh.

Sáng 30/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống Nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

"Các nội dung tại dự thảo Luật mới chỉ là dự kiến bước đầu xin ý kiến ĐBQH chuyên trách, các cơ quan chưa thống nhất được phương án tốt nhất để chỉnh lý tại dự thảo Luật", ông Thanh cho biết.

Bổ sung phương pháp thặng dư trong xác định giá đất

Đề cập cụ thể các vấn về, liên quan đến nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo luật về "phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường" là chưa thực sự rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng, phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật chỉnh sửa quy định tại các điều, khoản tại mục 2 chương XI về căn cứ xác định, thông tin đầu vào, phương pháp xác định giá đất để thể chế hóa cụ thể hơn yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về "có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường".

"Việc bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân được thực hiện thông qua các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về thuế có liên quan", báo cáo cho biết.

Bỏ quy định có lợi nhất cho ngân sách nhà nước trong định giá đất - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về phương pháp xác định giá đất, nguyên tắc xác định giá đất. Một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật đưa ra quy định phương án có lợi nhất cho ngân sách nhà nước nhưng chưa quy định rõ như thế nào là "có lợi nhất".

"Có ý kiến đề nghị không quy định về các phương pháp định giá đất tại dự thảo luật. Có ý kiến không đồng ý đề xuất bỏ phương pháp thặng dư", ông Thanh nói.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật sửa đổi theo hướng bổ sung quy định rõ tại khoản 4 điều 158 về nội hàm các phương pháp xác định giá đất.

Bỏ quy định về việc lựa chọn phương pháp theo nguyên tắc "có lợi nhất cho ngân sách nhà nước". Và thay thế bằng quy định về trường hợp áp dụng đối với từng phương pháp cụ thể; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập.

Tuy nhiên theo ông Vũ Hồng Thanh, nội hàm các phương pháp đã có sự thay đổi so với quy định của pháp luật hiện hành của Chính phủ quy định về giá đất. Do đó, dự thảo luật bổ sung phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp xác định giá đất và bổ sung tương ứng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng. Tuy nhiên, điều kiện áp dụng phương pháp này đã có sự thu hẹp so với quy định của pháp luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng các phương pháp xác định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng. Thuyết minh đầy đủ, làm rõ nội hàm, nghiên cứu nội dung để quy định tại luật bảo đảm tính ổn định và tính khả thi của quy định, bảo đảm thể chế hóa theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18.

Định giá đất theo "phương pháp thặng dư" được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tránh lách luật áp dụng cơ chế giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá

Liên quan đến nội dung giao đất và cho thuê đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp nào là qua đấu giá, trường hợp nào là qua đấu thầu và trường hợp nào là không qua đấu giá và đấu thầu.

Bỏ quy định có lợi nhất cho ngân sách nhà nước trong định giá đất - Ảnh 3.

Một số ý kiến của Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ trường hợp nào là qua đấu giá, trường hợp nào là qua đấu thầu và trường hợp nào là không qua đấu giá và đấu thầu (Ảnh minh họa)

Về các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, có 2 phương án:

Phương án 1: Giữ như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Theo đó, quy định 2 trường hợp đấu thầu.

Một là, giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 124 của Luật này mà có hai nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại một địa điểm trong thời hạn theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Hai là, dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 05 ha trở lên tại khu vực đô thị. Tương ứng với Phương án này là Phương án 1 của Điều 124 và Phương án 1 của Điều 125.

Về phương án này, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định tại dự thảo luật và các luật có liên quan, bảo đảm chặt chẽ về quy trình, điều kiện xác định có một hay từ hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện để tránh trường hợp "lách luật" áp dụng cơ chế giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, đấu thầu.

Phương án 2: Giữ như dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25, sửa đổi theo hướng quy định rõ các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu phải xác định một hay hai nhà đầu tư đăng ký thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo Thùy An

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên