MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ ‘quỹ’, không bỏ phí bảo trì đường bộ

21-08-2019 - 08:56 AM | Xã hội

Quỹ bảo trì đường bộ là tổ chức tài chính trung gian, trong hoạt động còn nhiều hạn chế, phức tạp, nặng tính xin-cho nên cần… bỏ.

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 20-8 có bài “ Bộ nào cũng muốn có quỹ riêng” . Tại Bộ GTVT có quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) đã tồn tại từ năm 2013. Sau đợt giám sát vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định cần sớm loại bỏ quỹ này nhưng phí sử dụng đường bộ do Nhà nước đầu tư từ ngân sách thì vẫn còn… thu.

Thiếu sòng phẳng

Ngay từ năm 2014, sau một năm thực hiện thu cho Quỹ BTĐB đã bộc lộ sự thiếu sòng phẳng, không tuân thủ đúng quy định của Nghị định 18/2012 khi Hội đồng Quỹ Trung ương phân bổ (chi lại) cho các địa phương theo tỉ lệ 35%. Cụ thể, năm 2013 TP.HCM thu nộp hơn 950 tỉ đồng nhưng năm 2014 được chi lại (lấy thu của năm trước chi lại cho năm sau) gần 74 tỉ đồng; năm 2014 thu nộp gần 850 tỉ đồng, năm 2015 được chi lại 182 tỉ đồng; năm 2017 thu nộp hơn 1.116 tỉ đồng, năm 2018 được chi lại 107 tỉ đồng…

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông Sở GTVT TP.HCM, cho biết nguồn từ Quỹ BTĐB Trung ương chi lại cho TP.HCM quá thấp (chỉ đạt dưới 10%-18% so với quy định là 35%), không đủ để nâng cấp, sửa chữa, bảo trì cầu đường. Để bảo trì cho cầu đường hoạt động bình thường hằng năm, TP.HCM phải bỏ ngân sách ra khoảng 1.300 tỉ đồng. “Nguồn từ Quỹ BTĐB Trung ương chi lại cho TP.HCM chỉ là nguồn có thêm nhưng lại quá thấp. Nên TP đã nhiều lần kiến nghị chi lại đúng 35% như quy định tại Nghị định 18/2012 nhưng không được chấp nhận”  - ông Đường nói.

Một nghịch lý khác, các tuyến quốc lộ đi qua TP.HCM đã giao cho TP mà trực tiếp là Sở GTVT quản lý từ sau năm 2010 và các tuyến quốc lộ này (quốc lộ 1, 22, 50) không chỉ có xe đăng ký ở TP sử dụng mà còn có hàng triệu lượt xe của các tỉnh/thành qua lại, sử dụng mỗi ngày. Nhưng khi tính toán để chi lại thì Hội đồng Quỹ Trung ương vẫn coi các tuyến quốc lộ này là quốc lộ và không do TP quản lý mà do các đơn vị của Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT quản lý và không tính đến số xe các tỉnh/thành đi qua mỗi ngày. “Như vậy, căn cứ vào số km đường, số xe đăng ký tại TP để Hội đồng Quỹ Trung ương chi lại cho TP là máy móc, không thực tế, khoa học, thiếu sòng phẳng!” - một cán bộ Sở Tài chính, thành viên Hội đồng Quỹ BTĐB TP.HCM, nói.

Bỏ ‘quỹ’, không bỏ phí bảo trì đường bộ - Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM hư hỏng, xuống cấp trong khi quỹ BTĐB chi cấp không đủ để duy tu, bảo trì thường xuyên. Trong ảnh: tuyến đường Trần Đại Nghĩa, trục nối quận Bình Tân với huyện Bình Chánh (TP.HCM), hư hỏng nặng từ nhiều năm qua. Ảnh: LĐ

Cần sớm xóa hội đồng quản lý quỹ

Theo nhận xét của các tỉnh/thành, Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương chỉ là một tổ chức trung gian trong thu chi ngân sách và hoạt động của nó không chỉ phức tạp mà mang nặng tính xin-cho. Ngay từ năm 2018, Bộ GTVT đã nhận ra điều này và có đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương và văn phòng quỹ. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ giải thích từ năm 2017, thực hiện Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước, nguồn thu của Quỹ BTĐB từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước, nhu cầu chi cho quỹ đều do ngân sách cấp. “Theo cơ chế vận hành phí, lệ phí và ngân sách theo các luật mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương có hạn chế, không còn bảo đảm hiệu quả nên Bộ GTVT đề nghị giải thể” - ông Lê Đình Thọ nêu rõ.


Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Việt Nam:

Không bỏ phí BTĐB

photo-1

Ông Lê Hoàng Minh

Phí BTĐB được quy định trong Luật Phí và lệ phí năm 2015. Theo đó, tất cả người sử dụng đường bộ vẫn phải nộp phí BTĐB cho nhà nước, không nộp vào tài khoản của quỹ BTĐB như giai đoạn 2013-2016.

Quỹ BTĐB chỉ là một tổ chức trung gian đứng ra làm đầu mối thu nộp, phân bổ nguồn tiền từ dân. Việc bỏ Quỹ BTĐB không đồng nghĩa với dừng, bỏ thu phí BTĐB. Thực chất đề xuất bỏ quỹ BTĐB, hội đồng quỹ và văn phòng chỉ có mục đích để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, điều chỉnh lại công tác triển khai nguồn vốn từ ngoài ngân sách cho phù hợp với quy định pháp luật.

Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam:

Cần chi theo thực tế cầu, đường hư hỏng

photo-2

Ông Đinh Nam Dinh

Cách phân bố lại nguồn thu từ quỹ BTĐB cho các địa phương (dưới 35% như quy định) trong nhiều năm qua không mang tính thực tế, nặng tính xin-cho . Vì thế nhiều tuyến quốc lộ quanh TP.HCM hư hỏng nặng vì xe đông (cả xe của TP.HCM và xe các tỉnh/thành khác cùng sử dụng). Điển hình là đoạn quốc lộ 1A, từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An, hư hỏng nặng suốt nhiều năm qua nhưng không được bảo trì, duy tu, sửa chữa thường xuyên.

Tới đây, việc phân bổ, chi lại cho các địa phương nguồn phí BTĐB cần căn cứ theo thực tế hư hỏng, xuống cấp của cầu, đường thay vì căn cứ vào số km đường, số đầu xe ô tô của địa phương đó. Trong việc xác định, nắm rõ mức độ hư hỏng, xuống cấp của các tuyến đường ở từng địa phương thì các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ GTVT… cần tôn trọng ý kiến, phản ánh của các hiệp hội vận tải vì chính nơi đây nắm rõ từng tuyến, vị trí ổ gà, ổ voi, điểm hư hỏng trên các cây cầu, con đường…

Vẫn thu phí bảo trì đường bộ khi đi đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản nêu rõ hiện nhà nước chưa có chủ trương và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước. Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ phương tiện biết và nghiêm túc chấp hành các quy định về nộp phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe cơ giới.

Theo Lưu Đức - Viết Long

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên