MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ ra 79 nghìn/tháng chỉ để xem YouTube Premium không quảng cáo ở Việt Nam: Lựa chọn hồ đồ và phí tiền?

21-11-2023 - 07:48 AM | Kinh tế số

Với mức giá 79 nghìn, người dùng có thể xem YouTube Premium không quảng cáo. Nhưng nhiều người suy nghĩ rằng chi tiền để xem YouTube thật hồ đồ. Điều này liệu có đúng?

YouTube những ngày qua đã có động thái quyết liệt với người xem sử dụng trình chặn quảng cáo. Nền tảng chia sẻ video của Google đã "mở cửa" cho trình quảng cáo trong thời gian dài, nhưng giờ đây bắt đầu siết chặt để không bị ảnh hưởng về doanh thu cũng như khuyến khích đăng ký gói Premium.

Một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra khi các ý kiến từ phía người dùng cho rằng phí đăng ký Premium quá đắt đỏ, trong khi Google đang bắt người dùng xem quá nhiều quảng cáo trên nền tảng vốn được coi là miễn phí. Ai cũng có lý lẽ của mình và câu hỏi đặt ra là liệu chính sách thu phí của YouTube có đúng đắn hay không.

Hiện tại, gói Premium cá nhân ở Việt Nam có giá 79.000 đồng/tháng và gói gia đình là 149.000/tháng. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với mặt bằng chung thế giới. Nhưng vẫn có nhiều người băn khoăn không rõ có nên trả phí để xem YouTube hay xem nội dung ngập tràn quảng cáo.

Để có được cân nhắc cho riêng mình, người dùng sẽ phải xem lý do vì sao YouTube thu phí và những chỉ trích từ phía công chúng liệu có chính xác.

Vì sao YouTube bắt người dùng xem quảng cáo?

Khi Google mua YouTube vào năm 2006, trang web non trẻ này không có lãi. Dù trở thành hiện tượng văn hóa với các video lan truyền được xem hàng triệu lần mỗi ngày nhưng nền tảng không kiếm được tiền.

Phải đến năm 2009, Google mới thu được lợi nhuận đầu tiên từ khoản đầu tư 1,65 tỷ USD vào trang chia sẻ video. Google đạt được điều này thông qua một nguồn doanh thu duy nhất: quảng cáo.

Kể từ năm 2009, Google tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu quảng cáo để duy trì hoạt động của YouTube.

Việc giới thiệu YouTube Premium - dịch vụ đăng ký trả phí cung cấp YouTube và YouTube Music không có quảng cáo - đã tăng doanh thu lên một chút nhưng không là gì so với số tiền Google kiếm được từ quảng cáo, chỉ tính riêng năm 2022 đã đạt hơn 29 tỷ USD.

Hàng tỷ đô la đó được chia sẻ một phần với những người sáng tạo trên nền tảng. Một phần lớn khác giúp trang web hoạt động: lương nhân viên, phát triển và tất nhiên là số lượng máy chủ cực lớn cần thiết để lưu trữ khoảng 3,7 triệu video được tải lên YouTube mỗi ngày. Số tiền còn thừa lại mới chuyển về túi Google.

Bỏ ra 79 nghìn/tháng chỉ để xem YouTube Premium không quảng cáo ở Việt Nam: Lựa chọn hồ đồ và phí tiền? - Ảnh 1.

Khi Google theo đuổi doanh thu từ YouTube nhiều hơn, quảng cáo chiếm sóng tất cả. Ở thời điểm hiện tại, quảng cáo xuất hiện khá nhiều ở khắp mọi ngóc ngách, kể cả trong chính các video.

Google có thể đã kỳ vọng điều này sẽ mang lại nhiều lượt đăng ký YouTube Premium hơn. Tuy nhiên, cách làm lại khiến mọi người chuyển sang sử dụng trình chặn quảng cáo.

Giờ đây, Google đang bắt đầu trấn áp mạnh mẽ các hệ thống chặn quảng cáo và tạo nên sự khó chịu với nhiều người dùng, cũng như khiến họ liên tục tìm kiếm những cách mới để tránh quảng cáo trên YouTube.

Cuộc đối thoại giữa YouTube và đám đông phản đối quảng cáo đã lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, vấn đề là dường như không bên nào có giải pháp khả thi cho tranh cãi giữa họ.

Lý lẽ của YouTube: Dịch vụ cần phải có lãi

YouTube cần kiếm tiền, đó là điều không cần phải nói. Google chưa bao giờ công khai về chi phí cho việc lưu trữ, băng thông, nhân viên, v.v., nhưng ước tính số tiền lên tới hàng triệu đô la mỗi ngày.

Ngay cả khi Google quyết định điều hành YouTube phi lợi nhuận, họ vẫn cần kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm chỉ để hòa vốn.

Và không chỉ có máy chủ và nhân viên mà Google cần phải lo lắng. Công ty cũng cần phải kiếm đủ tiền để trả cho hàng triệu người sáng tạo nội dung đang thúc đẩy người xem quay lại.

Những người sáng tạo đó không thể làm việc miễn phí. Do đó, công ty hiện nay thậm chí còn cần nhiều triệu đô la hơn mỗi ngày để duy trì hoạt động của trang web.

Bỏ ra 79 nghìn/tháng chỉ để xem YouTube Premium không quảng cáo ở Việt Nam: Lựa chọn hồ đồ và phí tiền? - Ảnh 2.

Rõ ràng, Google là một doanh nghiệp và các doanh nghiệp quan tâm chủ yếu đến lợi nhuận, vì vậy YouTube cần kiếm nhiều hơn mức chỉ vừa đủ để trang trải chi phí và chia sẻ lợi nhuận với người sáng tạo.

Giải pháp tốt nhất của Google cho vấn đề này là quảng cáo. Quảng cáo giúp mọi người có thể sử dụng trang web miễn phí cả để xem và tải lên. Đối với những người không thể chịu được quảng cáo, YouTube Premium là giải pháp.

Đối với những người không muốn xem quảng cáo hoặc trả tiền cho Premium, luôn có tùy chọn thứ ba, đó là không dùng YouTube.

Lý lẽ người dùng: Quảng cáo quá nhiều

Mặc dù có thể hiểu được rằng quảng cáo cần tồn tại để YouTube tiếp tục hoạt động nhưng vấn đề là họ đặt quá nhiều quảng cáo.

Ví dụ: nếu không đăng ký Premium, một video dài 10 phút có thể bị gián đoạn vài lần với quảng cáo đan xen trong video (thậm chí lặp đi lặp lại hai quảng cáo giống nhau). Sau đó, có các quảng cáo trên khắp trang và các quảng cáo bật lên xuất hiện định kỳ.

Mặc dù Google đang kiếm được hàng tỷ USD từ những quảng cáo này nhưng họ vẫn không chia sẻ đủ số lợi nhuận đó với người sáng tạo.

Điều này thúc đẩy người sáng tạo tạo ra các luồng doanh thu thay thế, dẫn đến nội dung được tài trợ về cơ bản là một loại quảng cáo khác ngoài quảng cáo chính của YouTube. Nội dung này được tích hợp vào chính video khiến người dùng không thể bỏ qua.

Quảng cáo nằm ngoài tầm kiểm soát trên YouTube nhưng gói đăng ký Premium quá đắt, tích hợp dịch vụ không cần thiết và thiếu những tính năng mà người dùng thực sự mong muốn.

Bỏ ra 79 nghìn/tháng chỉ để xem YouTube Premium không quảng cáo ở Việt Nam: Lựa chọn hồ đồ và phí tiền? - Ảnh 3.

Trả tiền cho YouTube Premium không phải là giải pháp khả thi cho những vấn đề này. Đầu tiên, nó không loại bỏ tất cả các quảng cáo. Các quảng cáo của người sáng tạo vẫn còn đó.

Ngoài ra, YouTube Premium yêu cầu người dùng trả 13,99 USD mỗi tháng (mức giá khá lớn trên thế giới, còn ở Việt Nam là 79.000/tháng) cho Premium nhưng mức giá đó cũng bao gồm cả YouTube Music Premium.

Google bắt người dùng trả số tiền lớn để bao gồm cả dịch vụ nghe nhạc kèm thêm mà không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng. Không có lựa chọn rẻ hơn cho những ai chỉ muốn không có quảng cáo và không muốn sử dụng YouTube Music Premium.

Cuối cùng, hệ thống của bên thứ ba mang lại trải nghiệm tổng thể tốt hơn so với chính chủ YouTube. Cùng với việc chặn quảng cáo, các hệ thống này có thể cung cấp các công cụ mà YouTube vốn không hỗ trợ, chẳng hạn như đưa nút "không thích" trở lại, buộc kiểm soát độ phân giải trên tất cả video và nhiều hơn thế nữa.

YouTube có lý do của mình nhưng người dùng có lý lẽ của riêng họ. Trên Android Authority đã tiến hành một khảo sát. Trong đó, 15% người được hỏi muốn xem YouTube không quảng cáo mà không phải trả tiền. 27% đồng ý trả tiền nhưng gói đăng ký Premium cần tốt hơn. 47% đồng ý cần phải có quảng cáo nhưng chúng cần được tiết chế hợp lý hơn. Chỉ có 11% số người hài lòng với Premium hiện tại.

Có thể thấy người dùng trên thế giới không hề cho rằng việc trả phí cho Premium là hồ đồ. Họ sẵn sàng trả tiền hoặc xem quảng cáo, nhưng đề nghị YouTube phải cân đối hợp lý việc bao phủ quảng cáo trên trang web.

Cho đến khi Google có sự nhượng bộ, cuộc rượt đuổi giữa quảng cáo trên YouTube và trình chặn quảng cáo sẽ vẫn tiếp diễn.

PV

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên