Bố sẽ dắt con đến trường khai giảng, nhưng sẽ đứng ngoài cổng, bởi bố muốn đó thực sự là ngày hội của các con
Rồi năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa, các con trưởng thành, tôi vẫn mong các con sẽ nhớ những ngày khai giảng như chúng ta đã nhớ.
Cứ mỗi mùa tựu trường, lòng tôi lại vang lên những câu chữ của Thanh Tịnh "Tôi Đi Học" đầy xao xuyến. "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học."
Tôi nhớ đến cồn cào hình ảnh chính mình của những mùa tựu trường xa lắc. Tôi nhớ đến nôn nao hình ảnh cậu cả con tôi, cô con gái thứ hai của tôi lần lượt những mùa khai giảng đầu tiên tôi dắt cùng đi. Và kể cả mới đây thôi, cô con gái út của tôi bước vào lớp 1. Vẫn vẹn nguyên như thể lần đầu tiên vậy!
Có lẽ, có lẽ là thế thật! Rằng ngày khai giảng luôn là khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc đời này. Nơi mà cha mẹ cũng quên đi cả những nhọc nhằn, toan lo để hướng mắt nhìn theo bóng con mình vào lớp. Nơi mà dù trước đó chúng ta có phẫn nộ hay bức xúc biết bao trước những vấn nạn học đường, bất cập giáo dục thì bỗng nhiên mềm lòng đi trước những cờ hoa và khuôn mặt hân hoan của lũ trẻ. Ngày khai giảng ở xóm nghèo hay nơi đô thành nhộn nhịp, ở trường làng hay trường tư thục cao cấp thì vẫn cứ trong veo như thế!
Hay tại tôi sến súa? Khi thấy trong những đôi mắt trong veo của các con là sự háo hức xen lẫn rụt rè, âu lo đấy mà sao vẫn ngập tràn hiếu kỳ. Khi thấy các cô giáo dù đã trải qua đến hàng chục lễ khai giảng hay mới chập chững vào nghề, ai nấy đều hân hoan như thể ngày Tết vậy. Khi thấy các phụ huynh cũng phấn khích chụp ảnh con, hoan hỉ đăng Facebook.
Ngày khai giảng đẹp thế, yêu thế mà, xin đừng giết đi ngày khai giảng.
Xin đừng giảm bớt sự háo hức của các con bằng lịch tập trung sớm, bằng những chương trình học xuyên hè. Hãy để các con, như ngày xưa chúng ta, tập trung trước ngày khai giảng chỉ đôi ba hôm đặng chuẩn bị đón ngày khai giảng. Để nỗi nhớ bạn bè sau 3 tháng hè được vỡ òa ra với nhau ngày tựu trường. Để lại được hít căng lồng ngực mùi nắng sân trường, mùi bảng đen, vở mới. Để đừng bắt đầu năm học mới bằng cách bắt học trò vắt chân lên cổ chạy chương trình học ngày một nặng nề. Để đừng khiến cha mẹ học sinh toát mồ hôi lo đóng góp đầu năm với những khoản tiền dài lê thê.
Xin hãy cho các con nhận được đầy đủ cảm xúc tích cực, truyền cảm hứng và lan tỏa hân hoan. Xin đừng biến những ngày đầu gặp nhau thành nỗi khiếp sợ hay sự chán nản phải đi học. Tôi mong việc giữ lửa nghề từ thầy cô xin bắt đầu bằng sự háo hức ngày khai giảng trong chính các thầy cô vậy.
Và một lễ khai giảng, xin được bắt đầu bằng những điều mới mẻ, cảm hứng chứ đừng là khoe thành tích của trường, những diễn văn không dành cho học trò nghe. Nếu có khoe xin hãy khoe những điều tuyệt vời đang đón đợi các con trong năm học mới.
Khai giảng này, tôi vẫn dắt con, theo cùng con đến trường. Nhưng tôi chọn đứng ngoài cổng chứ không vào sân trường. Bởi tôi muốn ngày khai giảng thực sự sẽ thuộc về con. Tôi nghĩ các phụ huynh cũng vậy, nên đứng bên ngoài sân trường để những diễn văn khai giảng không còn chỗ khoe thành tích. Hãy để khai giảng thành ngày hội của các con.
Rồi năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa, các con trưởng thành. Tôi vẫn mong các con sẽ nhớ những ngày khai giảng như chúng ta đã nhớ. Chứ không phải nhớ đến ngày khai giảng như một màn tra tấn thể lực của các con. Một ngôi trường tốt vốn không phải chỉ từ chất lượng dạy và học mà còn là sự yêu thích từ chính các con. Để câu khẩu hiệu: "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" trở thành sự thật.
Cuối cùng, thưa cùng các bậc cha mẹ phụ huynh!
Xin đừng nói mãi đến việc các vị vất vả ra sao để các con có tiền ăn học. Điều đó không khiến các con sẽ nỗ lực học hơn để không phụ công cha mẹ. Thậm chí nó còn khiến các con cảm thấy việc học trở thành gánh nặng của cha mẹ. Cũng xin đừng làm mất hứng khởi đi trong lòng con bằng sự thờ ơ của mình. Chừng nào chúng ta không trân trọng những niềm vui của các con, chừng đó, con bạn sẽ không còn biết niềm vui.
Một mùa khai giảng nữa đã bắt đầu, xin hãy tặng nhau một lễ khai giảng thật xuyến xao khi nhớ về!
(Tâm sự của một ông bố trong ngày tựu trường của các con)
Trí thức trẻ