Bộ Tài Chính: Chưa đủ cơ sở xác nhận vốn để cấp phép vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines
Dù Bộ GTVT đã thông qua và đề nghị cấp phép vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng hồ sơ của doanh nghiệp này vẫn chưa phù hợp với quy định.
- 07-04-2016Cấp phép Vietstar Airlines, Bộ Giao thông Vận tải nói gì?
- 29-03-2016Ông chủ thực sự của hãng hàng không mới Vietstar Airlines là ai?
- 28-03-2016Hé lộ chủ hãng hàng không mới Vietstar Airlines
Ngày 6/4/2016, Bộ Giao thông vận tải đã gửi đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines, theo đó, công ty này sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa và vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng đầu tiên của Việt Nam. Theo cơ quan này thì hồ sơ xin cấp giấy phép đã đáp ứng đủ các điều kiện.
Tuy nhiên đến ngày 28/4/2016, Bộ Tài chính có văn bản chính thức gửi Văn phòng Chính phủ về việc cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng hồ sơ của Vietstar vẫn chưa phù hợp tại Nghị định 30 của Chính phủ và đề nghị Bộ GTVT thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định này.
Cụ thể, theo quy định tại điều 8 Nghị định 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, thì vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không có khai thác đến 10 tàu bay là 700 tỷ đồng Việt nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015 cho thấy vốn chủ sở hữu của Vietstar Airlines mới đạt 652,7 tỷ đồng.
Tại Điều 9 Nghị định trên cũng quy định về văn bản xác nhận vốn: “1. Đối với vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi: Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép; việc giải phóng khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép hoặc khi tổ chức, cá nhân nhận được văn bản thông báo từ chối cấp Giấy phép.
2. Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại: Văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản…”
Trong khi đó, trong bộ hồ sơ xin cấp của Vietstar chỉ có duy nhất văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM.
Với những cơ sở đó, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định chưa đủ cơ sở để xác định đáp ứng yêu cầu về vốn để cấp phép hoạt động vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines và đề nghị Bô GTVT tổ chức thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 30 về việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt được thành lập năm 2010. Công ty đã cung cấp các dịch vụ hàng không chung phục vụ kinh tế, xã hội và du lịch; các dịch vụ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay (MRO), dịch vụ khai thác cảng hàng không. Đến nay, Công ty có nhu cầu mở rộng loại hình hoạt động sang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không.
Nếu được cấp phép, Vietstar Airlines có số vốn điều lệ 800 tỷ đồng sẽ tham gia thị trường hàng không trong nước với tư cách là nhà vận chuyển hành khách kết hợp hàng hóa.