MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: 'Không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu'

Bộ Tài chính: 'Không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu'

Sáng 7/4, tại diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định luôn tính toán tác động của diễn biến giá xăng dầu đến nền kinh tế.

Diễn đàn được tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách tài khoá hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, diễn đàn giúp chỉ ra các cơ hội đối với doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: "Chúng tôi không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế".

Hiện nay, Bộ Tài chính luôn có tính toán để đảm bảo tính đồng bộ trong quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và 1 số quốc gia lân cận.

Bên cạnh đó, vấn đề Bộ Tài chính đặt ra là sự phát triển của doanh nghiệp, ngay cả khi thực hiện gói kích cầu. Việc kéo dài gói kích cầu giai đoạn 2022-2023 đòi hỏi các công trình cơ bản, đầu tư công phải được thực hiện nhanh trước bối cảnh giá thép lên, xăng dầu lên, việc cung ứng vật tư phải kịp thời.

Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu các tỉnh phải ban hành đơn giá nguyên vật liệu hàng tháng để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi, thu hồi và thực hiện dự án nhanh.

Ngoài ra, ông Đặng Công Khôi, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngay từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương dự báo diễn biến giá xăng dầu để cập nhật trong các kịch bản điều hành giá.

Không chỉ vậy, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp quản lý điều hành giá để kiểm soát chặt chẽ các trường hợp lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý; qua đó kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu dưới 4%.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Cùng với đó, Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

https://cafef.vn/bo-tai-chinh-khong-bao-gio-lay-chenh-lech-gia-xang-dau-lam-nguon-thu-20220407164644562.chn

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên