Bộ Tài chính lý giải việc dừng dùng quỹ đất thanh toán dự án BT
“Việc đề nghị dừng thanh toán các dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) không phải là “tuýt còi” dự án”.
- 03-10-2018Bộ Tài chính "thúc" các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
- 21-09-2018Bộ Tài chính: Nói chỉ Vinachem đề xuất tăng thuế phân bón là không công bằng!
- 15-09-2018Lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng cắt giảm được 10% tổng nhân sự đến 2020
- 02-09-2018Dự án BOT Nhiệt điện: Bộ Tài chính lo sợ về điều khoản gây rủi ro 2 tỷ USD
Tại họp báo chuyên đề về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (5/10), ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính khẳng định, việc đề nghị dừng thanh toán các dự án thực hiện theo hợp đồng xây dựng chuyển giao mà Bộ thông báo cách đây không lâu không phải là “tuýt còi” dự án.
“Không phải "tuýt còi" mà Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện quy định pháp luật”, ông Ngô Chí Tùng nhấn mạnh.
Một dự án BT tại Hà Nội được thanh toán bằng quỹ đất vài chục ha. (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành do vướng nhiều khó khăn.
Cụ thể, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Về nguyên tắc, luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Hiện tại, Chính phủ cũng đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng quy định chi tiết về việc sử dụng tài sản công.
Đối với Nghị định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ông Thịnh cho biết, ngay trong quá trình xây dựng Luật sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã có dự thảo. Sau khi Thủ tướng có Quyết định 1357 về danh mục phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết, chưa đến 1 tháng Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Theo ông Thịnh, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo này cũng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ và đưa ra bàn tại phiên họp tháng 8.
“Đây là Nghị định rất khó vì liên quan đến nhiều pháp luật khác nhau: Đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện Nghị định này trước khi ban hành”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Tân Thịnh cũng thừa nhận, kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 mà dự thảo Nghị định chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã biết sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý như hiện nay.
"Ngay từ tháng 1, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến về việc xử lý một số nội dung, trong đó có nội dung sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT. Chính phủ sẽ có xử lý về việc này. Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn và lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Bởi khi chưa có quy định về thẩm quyền sử dụng tài sản công thanh toán. Nếu thanh toán rồi mà không đúng quy định thì xử lý rất khó khăn", ông Thịnh cho biết thêm.
Tại họp báo chiều 5/10, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ này vừa tiếp tục có công văn báo cáo Chính phủ về việc xử lý khoảng trống pháp lý đối với hình thức này. Theo đó, mục tiêu là để làm sao không ảnh hưởng đến các dự án đang làm và những dự án đã ký kết hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký.
Trả lời báo chí về cách xác định giá đất để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, giá đất được tính tại thời điểm có quyết định giao, cho thuê đất. Tức là, nếu đang là đất nông nghiệp, để hoang hoá nhưng nếu được nhà đầu tư chuyển đổi, sử dụng làm khu đô thị thì sẽ được tính theo đất khu đô thị.
“Giá đất, tài sản gắn liền với đất, giá công trình kết cấu hạ tầng dùng để thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định theo giá thị trường, thu tiền sử dụng đất một lần, không áp dụng cho thuê đất hàng năm. Dựa vào việc nhiều phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư, phương pháp thu nhập, căn cứ vào từng dự án… Các Sở Tài nguyên Môi trường sẽ thuê các đơn vị thẩm định giá đất, sau đó, lãnh đạo UBND cấp tỉnh sẽ quyết định giá tính toán cho nhà đầu tư”, ông Thịnh cho biết./.
VOV