Bộ Tài chính thông tin về tính thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh
Trước kiến nghị của cử tri một số địa phương về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, Bộ Tài chính cho biết đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung vào thời điểm thích hợp.
- 10-09-2022Thu thuế thu nhập cá nhân tăng mạnh
- 02-09-2022Số thu từ thuế thu nhập cá nhân sắp về đích dù mới hết 8 tháng
- 31-08-2022Thuế thu nhập cá nhân tăng kỷ lục: Nhiều người đang “còng lưng” gánh thuế?
Cử tri một số địa phương kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh khấu trừ, khi tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Theo đó, cử tri kiến nghị cơ quan thuế cần căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo.
“Hiện nay vật giá ngày càng tăng cao, chi phí tiêu dùng cho bản thân người lao động và người phụ thuộc cũng tăng lên rất nhiều. Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cần tăng lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động”, cử tri kiến nghị.
Xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm phù hợp (Ảnh minh họa).
Trả lời về việc này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc), trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN được cho là đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.
“Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.
Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội”, Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính dẫn chứng về việc nuôi 2 người phụ thuộc thì cá nhân có thu nhập 22 triệu đồng/tháng chưa phải nộp thuế. Cụ thể, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
“Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay vẫn đảm bảo cao hơn thu nhập bình quân đầu người, mức lương tối thiểu vùng hay mức sống trung bình của cả nước. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật Thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này”, Bộ Tài chính thông tin.
Tiền phong