MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính yêu cầu VietinBank và BIDV phải trả cổ tức bằng tiền mặt: Cần sớm có sự tách bạch về chức năng

06-06-2016 - 09:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Câu chuyện Bộ Tài chính yêu cầu hai ngân hàng VietinBank và BIDV phải trả cổ tức bằng tiền mặt là câu chuyện đang được dư luận quan tâm. Bởi vì vấn đề là cả hai ngân hàng này đã tiến hành cuộc họp đại hội đồng cổ đông từ tháng 4.2016, và đại hội đồng cổ đông đã biểu quyết.

Cụ thể, VietinBank không chia cổ tức cho năm 2015, còn BIDV biểu quyết chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,5%. Và tất nhiên đại hội đồng cổ đông là người có quyền quyết định cao nhất đối với mọi quyết sách của doanh nghiệp căn cứ theo Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đầu tuần qua, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước vào ngân sách.

Tuy nhiên, hiện cả hai ngân hàng VietinBank và BIDV đều muốn giữ nguyên phương án đã được Hội đồng cổ đông thông qua.

Theo đại diện của BIDV, việc giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% là để đáp ứng việc tăng vốn tự có nhằm đáp ứng quy định về hệ số an toàn vốn của các ngân hàng, đồng thời chuẩn bị cho việc áp dụng các tiêu chí về Basel II mà Việt Nam phải thực hiện theo thông lệ quốc tế, hiện rất cấp bách. Việc giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn tự có là cần thiết.

Và với Vietinbank cũng có lý do tương tự khi lý giải việc không chia cổ tức trong năm 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của Vietinbank, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. Lợi nhuận hợp nhất để lại năm 2015 của Vietinbank là trên 3.660 tỉ đồng.

Còn về phía NHNN, việc chấp thuận cho Vietinbank và BIDV giữ lại lợi nhuận là để hai ngân hàng này tăng vốn để Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro) không dưới 9 và nhận sáp nhập ngân hàng khác. Tuy nhiên, trước mắt NHNN sẽ gửi công văn xin ý kiến của Thủ tướng về việc này. Nếu Thủ tướng có chỉ thị yêu cầu NHNN thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính, NHNN sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại hai ngân hàng này yêu cầu Vietinbank và BIDV lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức 2015 bằng tiền mặt, thay vì phải tổ chức lại Đại hội đồng cổ đông thường niên để biểu quyết.

Chính vì vậy theo quan điểm của một số chuyên gia tài chính thì nên chăng đã đến lúc cần có một sự điều chỉnh. Cụ thể là cần có một sự tách bạch rõ ràng vai trò của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý để có thể có một cơ chế quản lý mới, với khoảng trời riêng rộng hơn và thuận theo các nguyên lý của thị trường hơn.

Về dài hạn, đại diện các ngân hàng cũng đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% và bảo đảm quyền sở hữu chi phối của Nhà nước tại các ngân hàng. Có thể xem xét nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể thu hút thêm các nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động kinh doanh, qua đó phát triển hệ thống ngân hàng thương mại, hệ thống tài chính và phát triển hệ thống kinh tế Việt Nam”.

Theo Gia Miêu

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên