Bó tay với sách giả trên chợ mạng!?
Một lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) trong một lần trò chuyện với phóng viên đã tỏ ra ngao ngán trước tình trạng sách giả được bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
- 27-09-2020Xử phạt 70 triệu đồng cửa hàng kinh doanh linh kiện giả mạo nhãn hiệu Apple và Samsung
- 05-09-2020Triệt phá công ty may đang gia công hàng nghìn sản phẩm giả thương hiệu Adidas, Nike, Gucci, Lacoste
- 01-09-2020Phá đường dây sản xuất hàng trăm ngàn viên thuốc giả tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành
Dù biết sách giả gây tác động rất xấu tới ngành xuất bản, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả cũng như nhà xuất bản nhưng QLTT nhiều lúc vẫn phải "bó tay" bởi các quy định còn nhiều kẽ hở, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế và sự phối hợp giữa các bên còn quá lỏng lẻo.
Đưa ra 2 cuốn sách thật và giả giống nhau "như hai giọt nước", ông cho biết: "Giám đốc của một công ty sách có tiếng từng gửi đơn tới Tổng cục QLTT kiện nhiều sàn TMĐT và nhà bán hàng tiêu thụ sách giả t hương hiệu của họ, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu và tổ chức thu giữ nhiều lô sách không rõ nguồn gốc. Việc tiếp theo là liên lạc để mời giám đốc công ty sách đó tới phối hợp kiểm chứng nhưng năm lần bảy lượt đều không được. Nếu không nhận được sự hợp tác nhiệt tình của chính bên cần bảo vệ quyền lợi, rõ ràng không vụ việc nào xử lý được".
Thực tế, quy định luật pháp liên quan đến ngăn chặn, xử lý các ấn phẩm giả, nhái, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ còn khá lỏng lẻo. Chẳng hạn, dưới góc độ QLTT, cán bộ công quyền có nhiệm vụ phát hiện và xử phạt những đơn vị, cơ sở kinh doanh sản xuất, tiêu thụ hàng giả dựa trên các dấu hiệu liên quan đến hồ sơ, giấy tờ, nhãn hàng hóa cùng một phần cảm quan khi quan sát sản phẩm. Còn với sản phẩm là sách, không phải cán bộ nào - kể cả cán bộ ngành văn hóa, xuất bản - cũng phân biệt chính xác được sách thật, sách giả.
Ở góc độ quản lý bán hàng trên mạng, những năm trước, để đón đầu và kích thích xu thế kinh doanh online, Nghị định 52/2013 về TMĐT xây dựng nhiều quy định mở nhằm tạo điều kiện tối đa cho người bán hàng tham gia thị trường đầy tiềm năng này. Nay, trước thực trạng bát nháo của chợ mạng, cơ quan quản lý đang phải nghiên cứu, sửa đổi nghị định cho chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, tại các bộ luật liên quan sát sườn đến sách là Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ, những điều khoản về chế tài với hành vi làm sách giả, sách lậu... dường như chưa đủ mạnh. Một khi vẫn còn người làm sách giả, sách lậu thì vẫn còn người bán sách giả, sách lậu. Khi đó, không chỉ sàn TMĐT mà ngay cả nhà sách cũng đứng trước nguy cơ vô tình "tiếp tay" cho sách giả.
Mới đây, sau vụ kiện của Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) đối với một sàn TMĐT vì có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả, Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương đã gửi công văn yêu cầu sàn này kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ những gian hàng có bán sản phẩm sách giả như phản ánh, khởi kiện. Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng buôn bán sách giả trên sàn; yêu cầu các nhà sách, gian hàng phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của ấn phẩm đang được mua bán.
Tuy vậy, đó vẫn chỉ là cách xử lý trên ngọn. Tình trạng bán sách giả, sách lậu trên sàn TMĐT ngày càng đáng báo động song bản thân các sàn hay cơ quan chức năng cũng không có đủ công cụ để kiểm soát hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc buộc sàn TMĐT tăng chế tài, tăng trách nhiệm kiểm soát hàng hóa, cơ quan chức năng cũng cần có thêm công cụ quản lý, ngăn chặn từ nhiều khâu.
Người lao động