Bộ trưởng Bộ Công Thương: Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết để có thể nâng lên mức dự trữ nhập ròng 30 ngày cần 4.100 tỷ đồng/năm.
- 18-02-2023Nhập khẩu xăng dầu tháng 1 tăng hơn 90%
- 18-02-2023Cách xử trí khi đổ nhầm xăng vào động cơ chạy dầu
- 15-02-2023Trả xăng dầu về cơ chế thị trường
Cung ứng xăng dầu trong nước luôn được đảm bảo
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu sáng 28/2 tại Nhà Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên giải trình.
Theo đó, hai bộ quản lý chính gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua.
Theo Cổng thông tin Bộ Công Thương, tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu (cả thành phẩm và dầu thô) trên thị trường thế giới. Giá xăng dầu tăng cao và trồi, sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp....
Theo ông Diên, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và nhất là sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nên về cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, về cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm
Năm 2023, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Việc sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Đồng thời, bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
30 ngày dự trữ xăng dầu cần tối thiểu hơn 4.100 tỷ đồng
Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó lần đầu trình vào ngày 31/3/2022 ngay sau khi có Nghị quyết 499 của UBTV Quốc hội).
Trong đó đề xuất: Từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước (hiện nay ngân sách nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết để có thể nâng lên mức dự trữ nhập ròng 30 ngày cần 4.100 tỷ/năm. Trong khi Bộ Tài chính nói chỉ có 1.400 tỷ cho dự trữ quốc gia.
Ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng Tổng mức xăng dầu Dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Diên, trước hiện tượng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm để trục lợi, bộ đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra.
Kết quả, trong năm 2022 và đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường của bộ đã thực hiện giám sát trên 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước và thanh tra, kiểm tra trên 2.700 vụ, xử lý trên 600 vụ với số tiền xử phạt khoảng 20 tỷ đồng.
Ông Diên nêu rõ, tuy đây là giải pháp tình thế nhưng đã góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xăng dầu trong nước.
VTV.VN